Một tòa án liên bang đã bác 2 vụ kiện chống độc quyền được đưa ra nhằm chống lại Facebook, qua đó cho thấy một bước lùi đáng kể của các cơ quan quản lý liên bang cũng như tiểu bang của Mỹ trong nỗ lực kiềm chế Big Tech (hãng công nghệ lớn).

Facebook
CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Ảnh: Chụp màn hình)

Các vụ kiện do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và các tổng chưởng lý tiểu bang đệ trình nhằm tìm cách phá vỡ những gì họ mô tả là thế độc quyền của Facebook trên mạng xã hội.

Thẩm phán James Boasberg thuộc tòa án quận Washington, D.C. (người do ông Obama bổ nhiệm) khẳng định rằng các luật sư của FTC đã không cung cấp đủ bằng chứng hoặc giải thích về cách thức mà họ xác định rằng Facebook đang kiểm soát hơn 60% thị trường mạng xã hội. Cơ quan này còn cáo buộc rằng Facebook đã vi phạm luật chống độc quyền khi mua lại một đối thủ cạnh tranh.

Thẩm phán Boasberg cho biết: “FTC đã không đưa ra đủ dữ kiện để thiết lập một cách hợp lý yếu tố cần thiết cho tất cả các tuyên bố đưa ra ở Mục 2 (Section 2) của mình, cụ thể là Facebook có quyền lực độc tôn trên thị trường Dịch vụ Mạng xã hội Cá nhân (PSN). Đơn khiếu nại không có căn cứ nào giúp cứu vãn cáo buộc trần trụi rằng công ty đã có và vẫn có ‘thị phần chi phối tại thị trường (vượt quá 60%)'”.

Trong tuyên bố bác vụ kiện, ông cho hay rằng các trang web mạng xã hội và “dịch vụ được sử dụng miễn phí, cũng như các tiêu chuẩn và giới hạn chính xác của những gì cấu thành mạng xã hội, tức là các tính năng của ứng dụng di động hoặc trang web của công ty được bao gồm trong định nghĩa đó và được loại trừ – hầu như không hoàn toàn rõ ràng. Việc FTC không có khả năng đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về (các) chỉ số hoặc (các) phương pháp mà cơ quan này sử dụng để tính thị phần của Facebook khiến cho khẳng định ‘hơn 60%’ trở nên mơ hồ và thiếu cơ sở thuyết phục”.

Bên cạnh đó, tòa án còn bác một vụ kiện khác do một số tổng chưởng lý đệ trình, trong đó nhắc lại những lập luận được đưa ra trong vụ kiện FTC chống lại Facebook. Gần như mọi tổng chưởng lý của tiểu bang đều tham gia vào vụ kiện đó.

Dẫu vậy, thẩm phán Boasberg nhận thấy rằng các tổng chưởng lý đã đợi quá lâu để đệ đơn kiện khiếu nại việc Facebook đã mua Instagram hồi năm 2012, cũng như việc Facebook mua WhatsApp vào năm 2014.

Thẩm phán Boasberg cho biết các công tố viên của tiểu bang và liên bang hiện có 30 ngày để nộp đơn khiếu nại chống độc quyền mới chống lại công ty Menlo Park, có trụ sở tại California.

Liên quan đến nhận định của FTC, ông Boasberg cho hay rằng: “Một lệnh theo Mục 13 (b) là một biện pháp khắc phục về mặt lý thuyết trong một thách thức đưa ra ở Mục 2 đối với các vụ sáp nhập có từ lâu, miễn là bị đơn vẫn giữ tài sản hoặc cổ phiếu đã mua, như trong trường hợp này”.

Một số nhà lập pháp đã chỉ trích phán quyết của ông Boasberg. Họ cho rằng điều này có thể thúc đẩy Quốc hội Mỹ tích cực hơn trong việc theo đuổi đạo luật nhằm chống lại các công ty mạng xã hội.

Dân biểu Ken Buck (đảng Cộng hòa, tiểu bang Colorado), thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa trong tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện cho hay: “Diễn biến hôm nay về vụ kiện FTC chống lại Facebook cho thấy rằng cải cách chống độc quyền là điều cần thiết. Quốc hội Mỹ cần cung cấp các công cụ và nguồn lực bổ sung cho các cơ quan thực thi chống độc quyền của chúng tôi nhằm truy lùng các công ty Big Tech có hành vi phản cạnh tranh”.

Tờ The Epoch Times đã liên hệ với Facebook và FTC để đưa ra bình luận về sự việc này. Cả 2 bên đều không có bình luận công khai ngay lập tức trong các tuyên bố hoặc trên các phương tiện truyền thông sau phán quyết của tòa án.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: