Hôm thứ Tư (11/9), Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xử Tổng thống Trump có toàn quyền thực thi một quy định mới nhằm cắt giảm số lượng dân tị nạn tại biên giới Mỹ-Mexico, một chiến thắng quan trọng trong chính sách triệt để ngăn chặn di dân trái phép của chính quyền Trump.

Embed from Getty Images

Tòa án Tối cao cho phép ông Trump thực hiện điều luật yêu cầu các di dân tới biên giới Mỹ phải tìm kiếm nơi trú ngụ an toàn ở những nơi họ đi qua trước khi tới Mỹ. Quy định này đã bị chặn ngay lập tức bởi các tòa án cấp dưới, buộc chính quyền Trump phải đẩy vụ kiện lên Tòa án Tối cao .

Căn cứ của quy định này là nhằm chấm dứt chính sách “bắt-thả” mà Tổng thống Trump kịch liệt phản đối là đầy lỗ hổng khiến Mỹ trở thành mục tiêu của bọn buôn người và di dân trái phép. Theo chính sách này, lực lượng biên phòng Mỹ buộc phải thả vào Mỹ những người đã bước chân qua biên giới trái phép và tự nhận mình là người tị nạn. Người này sẽ được yêu cầu có mặt tại tòa án để tòa xét xử căn cứ xin tị nạn, nhưng phần lớn là không trở lại tòa mà tiếp tục sống ở Mỹ trái phép. Quy định mới của ông Trump yêu cầu hầu hết những người tới Mỹ xin tị nạn phải đợi ở một nước thứ ba trong khi chờ tòa nhập cư thụ lý.

Trong số 9 thẩm phán tối cao, chỉ có 2 người phản đối phán quyết này.

Phán quyết của Tòa án Tối cao đã trao cho chính quyền Trump một chiến thắng ở thời điểm mà hầu hết quy định mới công bố trong chính sách nhập cư của ông đều bị các thẩm phán cấp dưới – phần lớn là những người do Tổng thống Obama bổ nhiệm – chặn lại ngay khi vừa tung ra vào hôm 15/7.

“Thắng LỚN tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ về vấn đề Tị nạn ở biên giới”, ông Trump loan báo trên Twitter.

Reuters nhận định, quy định mới này có thể ngăn cản hầu hết tất cả người nhập cư xin tị nạn tại biên giới phía Nam, những người từ chối đề xuất của chính phủ Mexico là cho phép họ xin trú ẩn tại đó để hiện thực hóa mong muốn đặt chân vào đất Mỹ. Dân tị nạn từ Mexico tới Mỹ không bị ảnh hưởng bởi luật này.

Hiệp hội Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) và các nhóm đã kiện quy định mới của ông Trump ra tòa án liên bang cáo buộc ông Trump đã vi phạm luật nhập cư và không thực hiện đúng tiến trình hợp pháp khi đưa ra quy định này.

Chỉ 8 ngày sau khi chính quyền Trump tung ra quy định mới này, Thẩm phán quận tại California Jon Tigar đã ra lệnh cấm thi hành trên toàn quốc.

Sau đó, cuộc chiến pháp lý dai dẳng diễn ra giữa Thẩm phán Tigar và Tòa án Khu vực 9, nơi cho phép ông Trump thực hiện quy định của mình tại Texas và New Mexico trong khi bị cấm tại California và Arizona.

Đến thứ Hai vừa rồi, Thẩm phán Tigar tiếp tục ra phán quyết chặn quy định này trên toàn quốc, rồi tới tối thứ Ba, Tóa án Khu vực số 9 tiếp tục rút lại một phần của phán quyết trên.

Nay Tòa án Tối cao ra phán quyết chấm dứt sự hỗn loạn này, cho phép quy định hạn chế tị nạn được tiến hành cho đến khi tính hợp pháp cơ sở của nó được quyết định trong một phiên xử khác.

ACLU cùng các nhóm dân sự khác gọi đây là “lệnh cấm tị nạn” và tước đoạt an toàn của những di dân đang phải chạy trốn đàn áp mong muốn tới Mỹ.

Đây chỉ là một bước tạm thời, và chúng tôi hy vọng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng. Mạng sống của hàng ngàn gia đình đang gặp nguy hiểm”, luật sư của ACLU nói, theo Reuters.

Tòa Bạch Ốc hoan nghênh pháp quyết của Tòa án Tối cao, đồng thời lên án các tòa án cấp dưới đã vươn tay quá thẩm quyền của mình.

Chúng tôi vui mừng khi Tòa án Tối cao phán xử rằng Chính quyền có thể thực hiện những sửa đổi quan trọng, cần thiết này đối với hệ thống tị nạn đang đầy lỗ hổng”, một phát ngôn viên nói.

“Lệnh cấm sai lầm toàn quốc của tòa án quận là một ví dụ khác trong một loạt các mệnh lệnh vượt quá thẩm quyền mà cho phép một thẩm phán quận không được dân bầu lên ngăn chặn sự quyết định chính sách của cả quốc gia. Trong khi có rất nhiều việc cần phải làm, chúng tôi cảm ơn Tòa án Tối cao đã có một bước đi dứt khoát và bác bỏ phán quyết đầy sai sót của tòa án thấp hơn”.

Tòa Bạch Ốc nói rằng quy định mới là để sàng lọc ra những đơn xin tị nạn ít có cơ hội được chấp nhận và “ngăn cản những người nước ngoài không thực sự cần phải tị nạn không thực hiện các chuyến du hành nguy hiểm và khó khăn từ Trung Mỹ tới Hoa Kỳ”.

Hệ thống tam quyền phân lập ở Mỹ quy định ngành tư pháp chỉ có quyền diễn giải luật mà không được “làm luật”, điều mà chính quyền Trump thường xuyên cáo buộc các tòa án cấp dưới xâm phạm thẩm quyền thực thi pháp luật của Tổng thống, nhất là trong các quy định khắt khe về nhập cư.

Trọng Đức

Xem thêm: