Thế giới bước sang năm mới thứ hai dưới làn khói mù của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Nhiều quốc gia đã một lần nữa hủy bỏ hoặc hạn chế hoạt động mừng năm mới, nhưng có một số quốc gia đã quyết định “phóng khoáng một lần” và tận hưởng buổi tối tạm biệt cái cũ và chào đón cái mới.

Embed from Getty Images

Hình ảnh bắn pháo hoa mừng năm mới ở Newcastle, Vương quốc Anh. (Ảnh: Getty)

Theo số liệu từ Reuters, số ca nhiễm virus corona mới trên toàn thế giới đã đạt mức cao kỷ lục trong 7 ngày qua, trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới từ 24 đến 30/12, trung bình có ít nhất 1 triệu ca nhiễm mỗi ngày trên toàn cầu.

Nhiều nước như Mỹ, Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha đã lập kỷ lục mới về ca nhiễm. Nhiều quốc gia đã hủy bỏ các hoạt động kỷ niệm chào đón năm 2022 vì lo ngại rằng virus biến thể Omicron sẽ lây lan rộng rãi qua các cuộc tụ tập.

Mặc dù số ca nhiễm ở một số vùng của Úc đã tăng lên mức kỷ lục, nhưng quốc gia này vẫn quyết định cùng nhau đón mừng tiếng chuông năm mới.

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với mọi người “cần chúc mừng (năm mới)”, trong khi Thống đốc bang New South Wales, ông Dominic Perrottet, thúc giục mọi người “ra ngoài chào mừng năm mới” – mặc dù số ca nhiễm hàng ngày của bang này tăng gần gấp đôi, đạt mức kỷ lục 21.151 người.

Ông Perrott nói rằng vì tỷ lệ tiêm chủng tại địa phương cao và bệnh viện có thể đối phó với Omicron, nên ông cảm thấy tự tin. Ông nói “Chúng ta đang ở một vị trí rất thuận lợi.” Dự kiến sẽ có hàng ngàn người ở Sydney đổ về cảng để xem pháo hoa mừng năm Mới.

Dịch bệnh ở Anh cũng đang tiếp tục lây lan, và dịch bệnh thời điểm Giáng sinh đã đạt mức cao mới. Nhưng ngày 27/12,  Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid đã tuyên bố rằng Vương quốc Anh sẽ không ban hành các biện pháp phòng chống dịch mới trước thời điểm năm mới, đồng thời kêu gọi người dân phải xét nghiệm virus corona mới trước khi tham dự bất kỳ sự kiện nào.

Tại Hàn Quốc, đây là năm thứ hai liên tiếp, quốc gia này hủy bỏ nghi lễ rung chuông truyền thống lúc nửa đêm, và còn thông báo gia hạn hai tuần đối với các quy định về khoảng cách nghiêm ngặt hơn, với hy vọng có thể kiểm soát sự gia tăng liên tục số ca lây nhiễm.

Tại Nam Phi, một trong những quốc gia nơi Omicron xuất hiện lần đầu tiên, đã thông báo rằng đợt dịch thứ tư do Omicron gây ra đã qua đỉnh điểm. Lệnh giới nghiêm mà nước này áp đặt từ cuối tháng 3/2021 hiện đã được dỡ bỏ. Việc di chuyển của người dân từ nửa đêm đến 4 giờ sáng không bị hạn chế. Các hộ kinh doanh cũng có thể bán rượu trong trường hợp có giấy phép chung, không còn phải tiếp tục đóng cửa lúc 11 giờ hàng đêm.

Tại Trung Quốc, theo cái gọi là chính sách “zero COVID”, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phong tỏa Tây An, các nơi khác như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thanh Đảo, Trường Sa cũng đã liên tiếp đưa ra thông báo rằng sẽ không có sự kiện quy mô lớn nào được tổ chức vào đêm Giao thừa 31/12 dương lịch. Đây là hoạt động đón giao thừa thứ hai bị hủy bỏ ở nhiều nơi ở Trung Quốc kể từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát đến nay.

Tại Indonesia, chính quyền thủ đô Jakarta sẽ đóng cửa 11 con đường thu hút đám đông lớn trong dịp năm mới.

Trong khi đó, Malaysia đã cấm các cuộc tụ tập quy mô lớn trên cả nước và hủy bỏ bắn pháo hoa tại Tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur.

Tại Nhật Bản, trên kênh YouTube chính thức, Thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi người dân đeo khẩu trang trong các buổi tụ họp và hạn chế số người tham gia, trong khi khu giải trí Shibuya nổi tiếng ở Tokyo cấm tụ tập đón năm mới.

New Zealand sẽ tổ chức một số hoạt động chào đón năm mới. Thành phố Auckland, thành phố lớn nhất New Zealand, đã nới lỏng các hạn chế trong tuần này, cho phép mọi người thỏa thích thưởng thức ca múa mừng năm mới.

Đài Loan là một trường hợp thành công khác trong việc kiểm soát virus corona mới, cho nên các hoạt động mừng năm mới gần như vẫn được tổ chức bình thường như các năm trước. Các buổi hòa nhạc nhạc pop sẽ được tổ chức trước Tòa thị chính Đài Bắc, pháo hoa lúc nửa đêm sẽ thắp sáng tòa nhà Taipei 101 – tòa nhà này từng là tòa nhà cao nhất thế giới. Những người tham dự buổi hòa nhạc phải đeo khẩu trang, đăng ký tên và chỉ được uống nước.

Tại Ấn Độ, chính quyền đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt vào ngày 30/12, để hạn chế các cuộc tụ tập đông người. Tất cả các thành phố lớn và nhà hàng phải tuân thủ quy định giới nghiêm. Mặc dù có những hạn chế, khách du lịch trong nước vẫn đổ về các bãi biển, quán bar và câu lạc bộ đêm nổi tiếng của bang Goa trên bờ biển phía tây để mừng năm mới.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 ca nhiễm mới. Trong khi Sài Gòn tưng bừng ‘countdown’ thì Hà Nội lại vắng vẻ vì người dân ngại ra đường do số ca nhiễm tại thủ đô tăng cao dạo gần đây.

Countdown ở phố Nguyễn Huệ
“Countdown” ở đường Nguyễn Huệ đêm cuối năm. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video Nick Nguyen)
Hà Nội vắng vẻ
Không pháo hoa, không đếm ngược, Hà Nội vắng vẻ đêm cuối năm. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video TIN TỨC-NEWS)

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: