Thượng nghị sĩ Tom Cotton, cũng là một cựu chiến binh, cho rằng việc áp dụng “các học thuyết quỷ quyệt về lý thuyết chủng tộc phê phán” trong quân đội đã làm suy giảm tinh thần gắn kết của các đơn vị.

Lập luận rằng “mức độ gắn kết cao trong các đơn vị” cũng quan trọng như “kỹ năng kỹ thuật và chiến thuật cụ thể”, ông Cotton nhận thấy lý thuyết chủng tộc phê phán buộc các quân nhân tập trung vào sự khác biệt của họ, thay vì gắn kết và tạo ra một đơn vị mạnh.

“Chúng ta không thể có Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Lực lượng Không quân hay Lực lượng Không gian, mà trong đó những người lính trẻ cứ nhìn sang trái phải nhưng không nhìn thấy những đồng bào đã tuyên thệ với Hiến pháp, những người sẵn sàng hy sinh tính mệnh của họ không chỉ vì đất nước này, mà còn để cho người dân có thể sống sót,” ông phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do Tổ chức Di sản tổ chức hôm 1/7.

“Chúng ta không thể có [các lực lượng quân đội] mà trong đó các hạ sĩ quan và sĩ quan của họ tự hỏi liệu bản thân có đang thực hiện những nhiệm vụ khó khăn vì màu da của mình hay không,” ông nói thêm. “Chúng ta cần họ nhìn nhận nhau một cách đơn giản như những người Mỹ và những chiến binh đồng hành ở đó vì nhiệm vụ.”

Ông Cotton nhận định, việc quân đội áp dụng “những học thuyết quỷ quyệt về lý thuyết chủng tộc phê phán… rằng một số chủng tộc theo cách nào đó sẽ bị kết tội tập thể vì những gì mà một số cá nhân khác cùng màu da đã làm, hoặc [vốn] bị áp bức, hoặc có đặc quyền, và các chủng tộc khác vốn là nạn nhân hoặc bị áp bức – điều này rất nguy hiểm đối với sự gắn kết và tinh thần của các đơn vị.”

Ông cũng nhắc đến hành động của mình trong các phiên điều trần tại Thượng viện: “Đó là một lý do tại sao tôi rất tích cực tại Thượng viện nhằm cố gắng ngăn chặn lý thuyết này.”

Sau vụ hỗn loạn ở Điện Capitol ngày 6/1, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho một nỗ lực toàn quân kiểm tra chủ nghĩa cực đoan trong nước trong các lực lượng vũ trang. Và mới đây, ông Cotton gây sức ép buộc ông Austin phải trả lời một số câu hỏi có liên quan đến hành động này.

“Khi Bộ trưởng Austin làm chứng trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang hồi tháng trước, tôi đã ép ông ấy trả lời những câu hỏi mà tôi nghĩ là rất đơn giản, đơn thuần là ‘có hay không’ về các học thuyết xuất phát từ lý thuyết chủng tộc phê phán, chẳng hạn như liệu có bất kỳ chủng tộc nào vốn [sinh ra đã] áp bức và bị áp bức, hay màu da có phải là một yếu tố then chốt giúp mọi người được không… Và tất nhiên, ông ấy trả lời rằng ‘không, màu da không nên là lý do chính để thăng chức’, và ‘không có các chủng tộc vốn sinh ra đã áp bức hoặc bị áp bức,’  ông Cotton thuật lại.

Các đảng viên Cộng hòa ở cả Hạ viện và Thượng viện hiện cũng đang nỗ lực hành động nhằm chấm dứt việc đưa lý thuyết chủng tộc phê phán vào trong quân đội. Một số dân biểu của Đảng Cộng hòa được cho là đang xem xét đề xuất sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng nhằm hạn chế việc huấn luyện theo ‘nghị trình thức tỉnh’ trong quân đội.

Dân biểu Cộng hòa Mike Rogers (tiểu bang Alabama), cũng là thành viên cấp cao trong Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ về Dịch vụ Vũ trang cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của mình thường xuyên nghe các thành viên đã hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ hoặc đã giải ngũ nói rằng, hiện tại chỉ với việc kiên định với các giá trị bảo thủ cũng có thể khiến sự nghiệp của một thành viên phục vụ trong quân đội gặp nguy hiểm.”

Tháng trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã bị những người bảo thủ chế nhạo trong một cuộc điều trần trước quốc hội khi ông trả lời các câu hỏi về lệnh “ngừng hoạt động” nhằm giải quyết chủ nghĩa cực đoan trong quân đội.

“Tôi đã đọc Karl Marx. Tôi đã đọc Lenin,” ông Milley phản hồi. “Điều đó không khiến tôi trở thành người cộng sản. Vì vậy, có gì sai khi hiểu về… đất nước mà chúng ta đang bảo vệ?”

“Tôi muốn hiểu về cơn thịnh nộ của người da trắng, và tôi là người da trắng,” ông tiếp tục, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng quân đội nên được “tìm hiểu rộng rãi” về các chủ đề khác nhau, bao gồm cả quan hệ chủng tộc.

Thế nhưng, ông Cotton chỉ ra việc các nhà lãnh đạo cấp cao trong quân đội thúc đẩy việc đưa lý thuyết chủng tộc phê phán vào đào tạo. Ông tiết lộ với Tổ chức Di sản rằng, khóa đào tạo “hầu như là quán triệt từ trên xuống”, không giống như ở một số tập đoàn chỉ chú trọng vào những người trẻ tuổi, nhằm “thức tỉnh” những công nhân đang cần được truyền bá tư tưởng này (nếu họ có bất kỳ người bất đồng chính kiến ​​nào trong hàng ngũ của mình).

Minh Ngọc (Theo Washington Examiner)

Xem thêm: