Ngay trong tuần đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Biden đã phá kỷ lục khi ký ít nhất 37 sắc lệnh, bao gồm cả lệnh ngừng một số quyết định trục xuất người nhập cư bất hợp pháp trong vòng 100 ngày tới, nhưng lệnh này đã bị tòa án đình chỉ. Tổng chưởng lý Ken Paxton của Texas đã ăn mừng thành công này, ngoài ra Tổng chưởng lý của 6 bang cũng viết thư chung gửi ông Biden để cảnh báo, nếu tổng thống vi phạm hiến pháp sẽ phải đối mặt với việc bị khởi kiện.

Joe Biden (Ảnh: vasilis asvestas/ Shutterstock)
Ông Joe Biden (Ảnh: vasilis asvestas/ Shutterstock)

Sắc lệnh về ngừng trục xuất người nhập cư bị ngăn chặn

Ngày 26/1, một thẩm phán liên bang ở Mỹ đã ban hành lệnh hạn chế tạm thời để ngăn chính phủ thi hành lệnh cấm trục xuất người nhập cư bất hợp pháp trong 100 ngày.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 27/1, Tổng chưởng lý Paxton của bang Texas cho biết điều này gửi tín hiệu rằng các tòa án và thẩm phán đó có chính kiến của họ trong tuân thủ dựa vào tình hình thực tế.

Tôi khuyến khích các Tổng chưởng lý từ các nơi trên toàn quốc hãy xem điều gì đã xảy ra, bất kể đó là sắc lệnh hay pháp lệnh, không ai có thể đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống”. Ông cũng cho biết, hy vọng có thêm các tổng chưởng lý can đảm lên tiếng: “Không, chúng tôi không thể cho phép điều này xảy ra ở tiểu bang của chúng tôi”.

Trong đơn khiếu nại, ông Paxton cho biết, biện pháp nhập cư đã vi phạm một thỏa thuận đã ký giữa Bộ An ninh Nội địa và bang Texas. Thỏa thuận quy định rằng nếu Bộ An ninh Nội địa muốn sửa đổi các quy định về nhập cư thì phải thương lượng trước với Texas và thông báo cho Texas trước 6 tháng khi thay đổi quy định.

Lý do việc Thẩm phán Drew Tipton đình chỉ sắc lệnh của ông Biden là do chính quyền Biden đã không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể và hợp lý nào.

Ông Biden và các quan chức chính phủ không bình luận gì về lệnh cấm tạm thời chống lại việc trục xuất hầu hết những người nhập cư bất hợp pháp.

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Nhập cư (Center for Immigration Studies), nếu sắc lệnh của tổng thống được tòa án chấp thuận, sẽ ngăn chặn cơ quan chức năng phụ trách nhập cư trục xuất khoảng 85% người nhập cư bất hợp pháp. Những đối tượng không bị trục xuất có thể bao gồm tội phạm tình dục, thủ phạm bạo lực gia đình và tội phạm lừa đảo.

Thư ký báo chí Nhà Trắng tránh trả lời về kỷ lục số sắc lệnh

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Nhà Trắng ngày 28/1, phóng viên Alexandra Jaffe của AP đã chất vấn về việc ông Biden ký một số lượng lớn các sắc lệnh vi phạm lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông là “khôi phục tình đoàn kết”.

“Kể từ khi TT. Biden nhậm chức, về cơ bản ông ấy đã hành động đơn phương. Ý tôi là, chúng tôi đã thấy số lượng sắc lệnh kỷ lục, ông ấy vẫn chưa gặp các thành viên Quốc hội trên Đồi Capitol, thậm chí chúng tôi không chắc ông ấy nói chuyện cùng ai trên Đồi Capitol… Nhà Trắng có nghĩ đây là cách tốt nhất để hoạch định chính sách không?”, phóng viên Jaffe hỏi.

Nhưng Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã né tránh trả lời.

Trang Gateway Pundit đã điểm lại số lượng sắc lệnh trong tuần đầu tiên của các thế hệ cựu tổng thống để so sánh, kết quả là: Trump có 4 sắc lệnh, Obama có 5 sắc lệnh, Bush có 0 sắc lệnh, Clinton có 2 sắc lệnh; Bush Jr có 1 sắc lệnh; Reagan có 0 sắc lệnh, và Carter có 1 sắc lệnh.

Sắc lệnh thường là công cụ để qua mặt Quốc hội. Thông thường các tổng thống Mỹ hiếm khi sử dụng công cụ này, chỉ sử dụng sau thất bại trong nỗ lực yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật.

Tổng chưởng lý của 6 bang gửi thư cảnh báo TT. Biden

Theo đài truyền hình WHSV ở Tây Virginia, ngày 27/1, Tổng chưởng lý Tây Virginia là Patrick Morrisey đã cùng với Tổng chưởng lý của các bang Arkansas, Indiana, Montana, Mississippi và Texas ký một lá thư chung gửi cho ông Biden, cảnh báo nếu ông thực thi bất kỳ sắc lệnh nào vi phạm hiến pháp, vượt quá quyền lực, hoặc gây tổn hại đến lợi ích công cộng và cơ hội việc làm, thì sẽ đối mặt với việc bị khởi kiện tại tòa án địa phương.

Bức thư chung cho biết trong tư cách là tổng thống, ông Biden nên tôn trọng quyền tự trị của các bang, ngay cả khi các văn bản do ông ký đã được Quốc hội thông qua, nhưng nếu thấy vi hiến thì tổng chưởng lý của các bang sẽ khởi kiện. Họ cũng kêu gọi ông Biden tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi của Hiến pháp.

“Nếu ngài ký một đạo luật vi hiến đã được Quốc hội thông qua, chúng tôi sẽ có trách nhiệm và nghĩa vụ phản đối đạo luật đó trước tòa”, bức thư viết. “Nền tảng của cuộc sống ở nền Cộng hòa và nước Mỹ nằm trong thiết kế của Hiến pháp đã được chúng ta cân nhắc kỹ lưỡng. Vì vậy, hôm nay, trong bức thư này, chúng tôi kêu gọi Ngài tuân thủ các mục đích cốt lõi của hiến pháp khi theo đuổi các ưu tiên chính sách của mình, đây là điều mọi tổng thống cần noi theo và tôn trọng”.

Ông Biden bị cáo buộc lạm quyền khi đình chỉ giấy phép dầu khí

Theo Washington Times, ngày 27/1, ông Biden đã ký sắc lệnh đình chỉ việc cấp giấy phép mới trong vấn đề cho thuê dầu khí và khí thiên nhiên trên lãnh thổ liên bang. Cùng ngày, “Liên minh Năng lượng bờ Tây” (Western Energy Alliance) đã đệ đơn kiện ông Biden lên Tòa án bang Wyoming.

Nhà Trắng tuyên bố rằng biện pháp này nhằm “ứng phó vấn đề nguy cơ khí hậu” và thực hiện những lời hứa tranh cử của ông Biden.

“Liên minh Năng lượng bờ Tây” cáo buộc sắc lệnh của ông Biden vượt quá thẩm quyền của tổng thống và vi phạm Luật Cho thuê khoáng sản, Luật Chính sách Môi trường Quốc gia, và Luật Quản lý và Chính sách Đất đai của Liên bang.

Bang Wyoming đứng đầu về sản lượng khí đốt tự nhiên trên toàn liên bang, và so với các tiểu bang khác thì tiểu bang này có nhiều đất liên bang cho thuê để phát triển khoáng sản hơn.

Chủ tịch Kathleen Sgamma của “Liên minh Năng lượng bờ Tây” cho biết, “việc ngừng các hợp đồng thuê mới sẽ khiến sự phát triển trong tương lai và các dự án hiện tại gặp rủi ro. Tổng thống Biden không thể bỏ qua một đạo luật đã có hiệu lực hơn nửa thế kỷ một cách đơn giản như vậy.”

Người của Đảng Cộng hòa và các quan chức trong ngành cho biết rằng, nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng bang Wyoming dự đoán việc đình chỉ hợp đồng thuê sẽ làm giảm 33,5 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội của 8 bang miền Tây và làm mất 58.676 việc làm mỗi năm.

Hôm thứ Tư, Dân biểu Cộng hòa Steve Scalise và 30 thành viên Đảng Cộng hòa của “Ban Hành động Năng lượng” đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ phản đối mạnh mẽ chính sách của ông Biden.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Xem thêm: