Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm 5/1 đã phát đi tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ các giá trị dân chủ bằng việc ủng hộ hòn đảo dân chủ tự trị này trong bối cảnh họ đang gặp phải những mối đe dọa mới từ chế độ Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Những phát biểu mới nhất của bà Thái Anh Văn đến chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu hôm 2/1 đã lặp lại lập trường của chế độ Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và cả hai nước nên tìm cách “thống nhất”.

Phát biểu trước báo giới tại Đài Bắc hôm 5/1, Tổng thống Thái Anh Văn nhấn mạnh: “Chúng tôi [Đài Loan] là nhân tố quan trọng và trung thành của tất cả các giá trị quốc tế quan trọng. Do vậy khi một quốc gia như chúng tôi đối mặt với khó khăn và các mối đe dọa, chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế lĩnh trách nhiệm nghiêm túc và có thể lên tiếng ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi.” Bà Thái không trực tiếp chỉ tên mối đe dọa mà Đài Loan gặp phải, nhưng rõ ràng bà đang muốn đề cập tới việc chế độ Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để ép hòn đảo tự trị này nằm dưới sự kiểm soát của họ.

Đài Loan là một nền dân chủ lập hiến và có đầy đủ chức năng của một nhà nước độc lập với quân đội, tiền tệ và chính phủ riêng. Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc luôn xem hòn đảo này là một tỉnh nổi loạn và phải được thống nhất với Đại Lục, kể cả bằng vũ lực nếu cần.

“Khi một đất nước nỗ lực hết mình để thực thi nền dân chủ và chia sẻ các giá trị quốc tế phải đối mặt với các mối đe dọa và vi phạm, tôi tin rằng điều này cũng là sự vi phạm đối với nền dân chủ và các giá trị đó”, Reuters dẫn lời bà Thái.

Tổng thống Đài Loan cũng cảnh báo: “Nếu cộng đồng quốc tế không lên tiếng và ủng hộ Đài Loan khi nước này đang đối mặt với tình huống như vậy, chúng ta phải đặt ra câu hỏi đất nước nào sẽ là [nạn nhân] tiếp theo.”

Trước đó, hôm 2/1, Chủ tịch Tập của Trung Quốc đã nói rằng chế độ Bắc Kinh “không hứa sẽ từ bỏ vũ lực và bảo lưu tùy chọn sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết” để mang Đài Loan về dưới sự kiểm soát của mình, nhưng sẽ làm việc để đạt được sự thống nhất với hòn đảo này một cách hòa bình. Ông Tập nói rằng việc thống nhất có thể được thực hiện bằng việc áp dụng mô hình “một đất nước, hai chế độ” – hình mẫu đã được sử dụng cho Hồng Kông khi hòn đảo này được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997.

Đáp trả phát biểu của ông Tập, ngay trong ngày 2/1, Tổng thống Thái Anh Văn đã tuyên bố rằng Đài Loan chưa bao giờ và sẽ không chấp nhận lập trường rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có quyền cai trị hợp pháp đối với Đài Loan, đồng thời, bà Thái nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa hai bờ eo biển phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng giữa hai chính phủ.

“Tôi nhắc lại ở đây, Đài Loan hoàn toàn không chấp nhận ‘một đất nước, hai chế độ.’ Đa số công dân Đài Loan cũng hoàn toàn phản đối ‘một đất nước, hai chế độ.’ Đó là ‘sự đồng thuận của Đài Loan’”, bà Thái khẳng định.

Tổng thống Thái Anh Văn cũng tố cáo Trung Quốc sử dụng “đàn áp và đe dọa” để ép buộc người dân Đài Loan phải chấp nhận quyền cai trị của chế độ Bắc Kinh.

Bà Thái đặc biệt đề cập tới những nỗ lực bài bản của Trung Quốc nhằm thâu tóm công nghệ quan trọng bằng việc dụ dỗ các tài năng người Đài Loan tới làm việc tại Trung Quốc Đại Lục.

Từ khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến trở thành Tổng thống Đài Loan năm 2016, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hành động gây hấn chống lại hòn đảo dân chủ này. Chế độ Bắc Kinh ngoài việc thường xuyên tập trận quy mô lớn tại eo biển Đài Loan, họ cũng dùng quan hệ ngoại giao quốc tế để cô lập chính phủ của bà Thái Anh Văn.

Trung Quốc dùng tiền mua chuộc các đồng minh của Đài Loan và gần nhất họ đã thành công trong việc lôi kéo Panana, El Salvador và Cộng hòa Dominica từ bỏ quan hệ ngoại giao đồng minh với Đài Loan để thiệt lập quan hệ đối tác chính thức với Trung Quốc.

Chế độ Bắc Kinh cũng dùng đòn bẩy kinh tế để ép các hãng hàng không và các công ty quốc tế không được đề cập tới tên Đài Loan mà phải sử dụng tên Đài Loan Trung Quốc trong các giao dịch kinh tế và các thông tin chỉ dẫn địa lý cho khách hàng.

Xuân Thành

Xem thêm: