Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gần đây được cho là đã nói với các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu rằng ông muốn quân đội Mỹ sớm rút khỏi Syria. Điều này là trái với cách tiếp cận ưu tiên của cánh ‘diều hâu’ trong các cơ quan thiết lập chính sách đối ngoại của Washington.

US troops in Syria
Hiện tại đang có khoảng 2.000 lính Mỹ tại Syria (Ảnh qua ABC news)

Theo tờ DailyCaller, trong các cuộc thảo luận nội bộ với nhiều cố vấn, ông Trump đã chất vấn lớn tiếng rằng tại sao quân đội Mỹ cần phải tiếp tục ở lại Syria khi nhiệm vụ cốt lõi ở đó – tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – đã hoàn thành.

Ông Trump nói rõ hơn lập trường của mình rằng “một khi IS và các tàn dư của nó bị tiêu diệt cũng là lúc Mỹ hướng tới việc để các quốc gia trong khu vực đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh,” Reuters dẫn lời một quan chức ẩn danh cho biết.

Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ ý kiến tương tự trong một bài phát biểu ở Ohio hôm thứ Tư (28/3), khi ông tiết lộ ý định sẽ sớm đưa quân đội Mỹ trở về.

Giờ thì hãy để những người khác lo việc này. Rất sớm, sẽ rất sớm, chúng ta sẽ rút lui. Chúng ta sẽ trở về đất nước nơi chúng ta thuộc về, nơi chúng ta muốn ở”,  ông Trump phát biểu.

Tổng thống Mỹ đưa ra bình luận nêu trên tại một cuộc mít-tinh ở Ohio chưa đầy 24 giờ trước khi một quân nhân Mỹ bị thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Manbij, Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ đánh bom cũng giết chết một binh sĩ Anh. Đây là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về những nguy hiểm mà quân đội đồng minh phải đối mặt khi truy quét các tàn dư của IS trong cuộc nội chiến kéo dài bảy năm qua ở Syria.

Trong những tháng qua, chính quyền Trump đã phải vật lộn để thực hiện chính sách nhằm định hướng các hành động tại Syria, nơi có khoảng 2.000 lính Mỹ được triển khai cùng quân đội đồng minh chống IS. Sự miễn cưỡng thấy rõ của ông Trump trong việc cam kết sự hiện diện lâu dài của quân Mỹ tại Syria đã khiến ông xung đột với nhiều trợ lý hàng đầu, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa, và hầu hết cơ quan thiết lập chính sách đối ngoại của Washington.

Có những lần, ông Trump đã báo hiệu việc ông muốn rút quân đội Mỹ ra khỏi cuộc chiến càng sớm càng tốt, nhưng các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cựu Ngoại Trưởng Rex Tillerson, đã biện hộ cho sự hiện diện lâu dài của Mỹ ở Syria là để “ổn định” quốc gia này. Tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cũng thúc ép triển khai quân đội tới Syria, ông này cho rằng cần phải chống lại các tham vọng của Iran ở Trung Đông.

Hồi tháng Mười, ông Bolton viết trên Twitter: “Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria và Iraq đã biến mất, nhưng các hoạt động khủng bố của IS vẫn sẽ tiếp tục và Iran đang trở thành một cường quốc lớn hơn trong khu vực”.

Căn cứ vào những bình luận công khai của ông Trump, có thể thấy Tổng thống Mỹ đã chia sẻ quan điểm cứng rắn của ông Bolton về Iran, đặc biệt là sự bất bình của ông này đối với thỏa thuận năm 2015 về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran nhằm đổi lấy việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, khác với ông Bolton, ông Trump dường như có xu hướng chống lại các cam kết quân sự không rõ ràng của Mỹ ở khu vực Trung Đông rộng lớn.

Năm 2017, ông Trump đã rất khó nghĩ và do dự về quyết định tăng cường binh lính tới Afghanistan trước khi phải đồng ý với đề xuất triển khai quân đội của Tướng James Mattis và các cố vấn quân sự khác. Gần đây, Tổng thống Trump đã chỉ trích mạnh mẽ việc chi “7 ngàn tỷ USD” cho các cuộc chiến tranh ở Trung Đông thay vì nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Mỹ.

Nhật Hạ

Xem thêm: