Kiểm phiếu kết thúc hôm Chủ Nhật (giờ địa phương) đã cho ra kết quả 52,1% vs 47,9%. Như vậy Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tiếp tục giữ vị trí người đứng đầu quốc gia thành viên NATO có 85 triệu dân này thêm 5 năm nữa, sau 20 năm liên tục, Reuters và nhiều kênh truyền thông đồng thời đưa tin.

Recep Tayyip Erdogan 2
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh chụp màn hình video)

Ứng viên đối lập, Kemal Kilicdaroglu, mặc dù tuyên bố đây là “cuộc bầu cử không công bằng nhất trong nhiều năm”, nhưng đã không phản đối kết quả. Reuters bình luận tỷ số thắng sát nút của bầu cử là một biểu hiện tình hình chia rẽ sâu sắc ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Trước thềm bầu cử, phe đối lập coi đây là cơ hội quan trọng và họ có niềm tin lật đổ Erdogan khi danh tiếng của ông bị ảnh hưởng do chi phí sinh hoạt tăng cao, kèm tình trạng khó khăn sau hậu quả trận động đất kép hồi tháng 2 khiến 50.000 người thiệt mạng.

Chiến thắng cuộc đua gay gắt này, Reuters bình luận, đã củng cố hình ảnh bất khả chiến bại của ông Erdogan. Đồng thời việc cầm quyền thêm 5 năm nữa là một đòn mạnh giáng vào những đối thủ của ông, những người gọi ông là ‘kẻ độc tài’ và nói ông phá hoại nền dân chủ khi ngày càng tích lũy được nhiều quyền lực hơn, điều cáo buộc mà ông bác bỏ.

Phát biểu mừng chiến thắng ở thủ đô Ankara, trước hết Erdogan nói ông sẽ bỏ lại mọi tranh chấp phía sau, để củng cố tình đoàn kết vì các giá trị và ước mơ của quốc gia. Nhưng tiếp đó ông đả kích phe đối lập và cáo buộc ông Kilicdaroglu đứng về phía những kẻ khủng bố. Ông nói rằng việc đòi hỏi thả cựu lãnh đạo đảng thân người Kurd Selahattin Demirtas, người mà ông coi là ‘khủng bố’, sẽ không thể thực hiện được dưới sự cai trị của ông.

Theo ông Erdogan, lạm phát là vấn đề cấp bách và cần giải quyết trước nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thất bại của phe đối lập Kilicdaroglu đã khiến không ít thành viên khác của NATO cảm thấy thất vọng, vì theo cái nhìn của họ, ông Erdogan thân cận nhiều hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã lập tức chúc mừng chiến thắng của “người bạn thân mến” Erdogan.

Putin Erdogan
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan vào ngày 16/9/2022. (Ảnh: ALEXANDR DEMYANCHUK/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden viết trên mạng xã hội: “Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với tư cách là đồng minh NATO trong các vấn đề song phương và những thách thức toàn cầu chung.”

Trước đó chính quyền Erdogan đã phản đối Thụy Điển gia nhập NATO, điều làm ông Biden không hài lòng.

Vòng bầu cử thứ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã không thành công tìm được tổng thống, vì không có ứng viên nào đạt được số phiếu trên 50%. Theo luật, vòng thứ 2 được cử hành với ứng viên thứ ba Sinan Ogan bị loại, và rốt cuộc vào hôm 28/5 đã đưa ra kết quả ông Erdogan đắc cử với 2,2 triệu số phiếu nhiều hơn ứng viên cạnh tranh.

Chiến thắng của ông Erdogan (69 tuổi) kéo dài nhiệm kỳ của ông với tư cách là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất kể từ khi Mustafa Kemal Ataturk thành lập cơ chế chính trị hiện đại cho Thổ Nhĩ Kỳ, thay cho nền tảng Đế chế Ottoman của lịch sử.

Ông Erdogan đã kêu gọi cử tri bằng những lập luận dân tộc chủ nghĩa và bảo thủ. Theo ông, phe đối lập được miêu tả là chạy theo những giá trị phản truyền thống về gia đình và tình dục.

Ứng viên đối lập Kilicdaroglu đã đổ lỗi nền kinh tế yếu kém và giá trị đồng lira xuống thấp là do lối quản lý kinh tế bảo thủ của ông Erdogan, và hứa sẽ thiết lập lại quản trị, khôi phục nhân quyền và trả lại sự quyền lực cho tòa án và ngân hàng trung ương mà ông cáo buộc là do hậu quả của chế độ độc tài Erdogan.

Kemal Kiliçdaroğlu in January 2023
Ông Kemal Kilicdaroglu, đối thủ chính của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: Wikimedia)

Trước khi làm tổng thống từ năm 2014, ông Erdogan đã giữ chức thủ tướng tới 11 năm.

Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập với tuyên bố của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/10/1923, với tổng thống và người sáng lập đầu tiên là ông Mustafa Kemal Ataturk.

Ban đầu, chức vụ tổng thống chủ yếu là một vị trí mang tính nghi lễ, bởi vì quyền hành pháp thực sự do thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện.

Sau đó, các sửa đổi hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp năm 2017 đã bãi bỏ chức vụ thủ tướng và trao cho tổng thống toàn quyền hành pháp, có hiệu lực sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018.

Nhật Tân