Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đang dẫn đầu phái đoàn nội các cộng hòa Hồi giáo thăm Syria hai ngày. Tại Damascus hôm 3/5, ông Raisi và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad đã ký thỏa thuận “hợp tác chiến lược”.

Đây là chuyến thăm Syria đầu tiên của một tổng thống Iran kể từ năm 2011. Tháp tùng ông Ebrahim Raisi là phái đoàn cấp cao gồm các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, năng lượng và viễn thông.

Theo hãng tin nhà nước Syria SANA, ngay sau khi ông Raisi đặt chân tới Damascus, hai nhà lãnh đạo Syria, Iran đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm tại dinh tổng thống của ông Assad.

SANA dẫn lời ông Assad nói trong cuộc họp: “Mối quan hệ Syria – Iran vẫn duy trì vững chắc bất chấp nhiều thách thức chính trị và an ninh đã bao phủ Trung Đông”.

Đáp lời, ông Raisi nói rằng Syria “đã vượt qua được tất cả những khó khăn này và đã giành được chiến thắng bất chấp bị đe dọa và chế tài”.

Cũng theo hãng tin SANA, hai nhà lãnh đạo Syria, Iran đã ký nhiều thỏa thuận song phương, trong đó bao gồm một thỏa thuận về “hợp tác chiến lược lâu dài” giữa hai quốc gia.

Syria vẫn bị ‘chiếm đóng’

Trong những năm đầu tiên của cuộc xung đột Syria, phần lớn lãnh thổ đất nước này đã bị rơi vào tầm kiểm soát của các nhóm “nổi dậy” mà Damascus gọi là “những kẻ khủng bố” được phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các Quốc gia Ả Rập Vùng vịnh hậu thuẫn.

Nhưng từ năm 2015, chính phủ Syria với sự giúp sức của Nga và Iran đã nỗ lực đòi lại quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Syria.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực, trong đó có “Lực lượng Dân chủ Syria” tự xưng vẫn duy trì hiện diện quân sự quy mô lớn ở đông bắc Syria.

Theo Washington, sự hiện diện quân sự này, gồm khoảng 900 binh lính Mỹ, là cần thiết để ngăn chặn sự hồi sinh của nhóm khủng bố IS. Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tiêu diệt hoàn toàn IS và rút hầu hết lính Mỹ hỏi Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO vẫn hiện diện quân sự ở tây bắc Syria với lý do bảo vệ biên giới trước các nhóm dân quân người Kurd.

Cả Syria và Iran đều nhìn nhận sự hiện diện tiếp tục của lực lượng quân sự Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là “chiếm đóng bất hợp pháp” và nhiều lần kêu gọi hai nước này phải rút khỏi lãnh thổ Syria.

Tổng thống Iran Raisi tán dương mối quan hệ ‘sâu sắc, chiến lược’

Ngay trước thềm chuyến thăm Damascus lần này, Tổng thống Raisi đã gọi mối quan hệ Iran – Syria là “sâu sắc và chiến lược”, nhấn mạnh chuyến thăm của ông nhằm mục đích củng cố hơn nữa mối quan hệ song phương.

Ông Raisi cũng khẳng định Iran sẵn sàng giúp tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá của Syria sau hơn một thập kỷ xung đột.

Hãng tin nhà nước Iran IRNA dẫn lời ông Raisi nói: “Tiến trình này nên bắt đầu sớm nhất có thể, khi những người sơ tán quay lại đất nước họ và những điều kiện bình thường tại Syria được tái thiết lập”.

Lưu ý rằng Iran đã hậu thuẫn Syria xuyên suốt cuộc xung đột, ông Raisi cho rằng Mỹ và Israel “đã từng hy vọng Syria sẽ sụp đổ và rằng họ sẽ phá vỡ được mặt trận kháng chiến này”.

Israel thường xuyên tấn công vào lãnh thổ Syria với lý do nhắm mục tiêu vào các tài sản quân sự của Iran triển khai tại Syria.

Hồi tháng Hai vừa qua, một cuộc tấn công bằng rocket của Israel vào khu vực gần Damascus được cho là đã giết nhiều chuyên gia quân sự Iran.

Từ khi lập quốc vào năm 1948, Israel đã đụng độ với Syria trong ba cuộc xung đột vũ trang lớn.

Israel – đồng minh thân cận của Mỹ và Syria chưa bao giờ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và về mặt lý thuyết hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Các cựu thù tìm cách hòa giải với Syria.

Bây giờ khi ông Assad dần khẳng định được quyền lực vững chắc tại Syria, nhiều quốc gia trong khu vực vốn trước đây từng lảnh tránh Damascus thì bây giờ đang kêu gọi hòa giải.

Ngày 1/5 vừa qua, các ngoại trưởng Ai Cập, Iraq, Ả Rập Saudi và Jordan đã gặp mặt người đồng cấp Syria để vạch ra “lộ trình” kết thúc cuộc xung đột 12 năm.

Cuộc gặp nêu trên được tổ chức tại Amman, thủ đô của Jordan. Ngoại trưởng các nước Ai Cập, Iraq, Ả Rập Saudi và Jordan đã thảo luận những cách thức tái lập quan hệ ngoại giao với Syria. Đây là lần đầu các quốc gia Ả Rập họp với Syria kể từ khi Liên đoàn Ả Rập đình chỉ tư cách thành viên của Damascus vào năm 2011.

Tháng trước, các ngoại trưởng Syria và Ả Rập Saudi đã đồng ý nối lại các dịch vụ lãnh sự và các chuyến bay thương mại giữa hai nước.

Hồi tháng Ba, Ả Rập Saudi đã đồng ý nối lại quan hệ ngoại giao với Iran sau 7 năm gián đoạn. Thỏa thuận này được ký kết tại Bắc Kinh dưới sự trung gian hòa giải của Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng sẽ hòa giải với Syria sau hơn một thập kỳ thù địch.

Tuần tới, các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran sẽ gặp mặt tại thủ đô Moscow của Nga để tổ chức các cuộc hội đàm quan trọng, theo tuyên bố của một nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục tiêu của các cuộc họp ở Moscow vào tuần tới là hướng đến một cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Syria Bashar al-Assad và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.