Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/9 đã ký dự luật thông qua các khoản ngân sách đến ngày 16/12/2022, trong đó có khoản viện trợ bổ sung trị giá 12,4 tỷ USD cho Ukraine. Sáng kiến này trước đó đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

viện trợ
(Ảnh minh họa: Beautiful landscape/Shutterstock)

Trong thông cáo, Nhà Trắng tuyên bố: “Vào ngày 30/9, Tổng thống đã ký thành luật Đạo luật Viện trợ Tiếp tục và Viện trợ Bổ sung cho Ukraine”, cung cấp các khoản ngân sách bổ sung tài khóa 2023 cho các cơ quan Liên bang đến ngày 16/12/2022, để tiếp tục các dự án và hoạt động của Chính phủ Liên bang, và bao gồm các khoản tài trợ  bổ sung để ứng phó với tình hình ở Ukraine”.

Dự luật tiếp tục cấp ngân sách cho Chính phủ Mỹ, được cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua trước nửa đêm 30/9 (giờ địa phương), nếu không, Chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng hoạt động một phần. Dự luật cũng sẽ cho phép nhà lãnh đạo Mỹ được quyền chuyển số vũ khí trị giá 3,7 tỷ USD từ kho dự trữ của quân đội Mỹ tới Ukraine để hỗ trợ các lực lượng vũ trang nước này.

Mỹ đã cam kết cung cấp hơn 13,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra vào ngày 24/2, so với khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2021. Giới chức Nhà Trắng cho biết khoảng 3/4 số này đã được giải ngân hoặc duyệt chi.

Ở một diễn biến khác, Mỹ hôm 30/9 đã áp đặt các chế tài sâu rộng lên Nga sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập thêm 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Chế tài mới nhắm vào hàng trăm cá nhân và tổ chức, gồm cả những cá nhân và tổ chức trong ngành công nghiệp quốc phòng và các nhà lập pháp Nga.

Mỹ đã hành động ngay lập tức sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/9 tuyên bố sáp nhập thêm 4 vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng của Ukraine. Đây là vụ sáp nhập lãnh thổ lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II. Các khu vực mới bị sáp nhập vào Nga chiếm 15% lãnh thổ Ukraine.

Tổng thống Joe Biden phát đi tuyên bố cho hay: “Chúng tôi sẽ vận động cộng đồng quốc tế vừa lên án những động thái này và vừa buộc Nga phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự cần thiết để họ tự vệ, không nao núng trước nỗ lực trâng tráo của Nga nhằm vẽ lại biên giới của quốc gia láng giềng”.

Chế tài lần này chưa bao gồm cấm nhập khẩu năng lượng Nga. Chế tài của Mỹ nhìn chung bao gồm phong tỏa mọi tài sản của các cá nhân và tổ chức bị liệt vào danh sách đen và cấm người Mỹ giao thương với những đối tượng này.

Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 57 tổ chức tại Nga và Crimea vào danh sách cấm xuất khẩu.

Bộ Tài chính cho biết họ đã áp đặt chế tài lên 14 cá nhân làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, hai lãnh đạo của ngân hàng trung ương, các thành viên gia đình của các quan chức cấp cao và 278 thành viên của cơ quan lập pháp Nga vì “tạo điều kiện cho cuộc trưng cầu dân ý giả mạo và nỗ lực sáp nhập lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.

Trong số các cá nhân bị chế tài lần này có Phó Thủ tướng Alexander Novak; 109 thành viên Duma quốc gia Nga; Hội đồng Liên bang của Quốc hội Nga và 106 thành viên của Hội đồng này; và thống đống Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina.

Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt vào danh sách đen các thành viên gia đình của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, như phu nhân và hai người con của Thủ tướng Mikhail Mishustin; phu nhân và con của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và phu nhân và con của lãnh đạo Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov.

Ngoài ra, danh sánh chế tài cũng bao gồm các thành viên gia đình của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, của Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko và của Thống đốc thành phố Saint Peterburg Alexander Beglov.

Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi tuyên bố riêng rẽ cho biết cơ quan này đã áp đặt hạn chế thị thực lên hơn 900 người, trong đó có các thành viên của quân đội Nga và Belarus và các đội quân ủy nhiệm của Nga đã đang “vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine”. Biện pháp này cấm những người có tên trong danh sách nhập cảnh vào Mỹ.

Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cũng cảnh báo rằng bất kỳ cá nhân và tổ chức nào bên ngoài Nga mà cung cấp các hỗ trợ về chính trị, kinh tế hay vật chật cho Nga đều sẽ phải đối mặt với rủi ro bị chế tài nặng nề.

Phan Anh

TSMC: Nỗi khao khát và lo lắng của Trung Quốc