Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 24/1 đã ra lệnh cho tất cả nhân viên ngoại giao nước này rời khỏi Mỹ và sẽ đóng Đại sứ quán của họ tại Washington. Ngược lại, Mỹ đã từ chối yêu cầu của ông Maduro về việc phải rút nhân viên ngoại giao Mỹ khỏi Caracas trong vòng 72 giờ tính từ ngày 23/1.

Embed from Getty Images

Venezuela hiện tại có hai tổng thông là ông Nicolas Maduro và ông Juan Guaido

Theo Epoch Times, hôm 24/1, ông Maduro nói rằng nếu các quan chức Mỹ có ý thức họ sẽ rút nhân viên ngoại giao của họ khỏi Caracas thay vì bác bỏ lệnh trục xuất của ông.

Chính quyền Trump cho biết ông Maduro không phải là tổng thống hợp pháp của Venezuela do gian lận bầu cử. Washington công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời khi ông này hôm 23/1 đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống, kêu gọi loại bỏ ông Maduro và sớm tổ chức tổng tuyển cử.

Mỹ cũng đã bác bỏ quyết định của ông Maduro về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Washington lập luận rằng ông Maduro không có thẩm quyền trục xuất nhân viên ngoại giao Mỹ.

Viết trên Twitter hôm 23/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ không còn công nhận chế độ Maduro nữa và không xem ông Maduro có quyền lực hợp pháp hủy bỏ các mối quan hệ ngoại giao.

Ông Pompeo đưa ra thông báo nêu trên vào tối thứ Tư 23/1 (giờ Mỹ), vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố công nhận lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống lâm thời.

Quyết định này của ông Pompeo đã thúc đẩy ông Maduro thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và ra lệnh nhân viên ngoại giao Mỹ phải rời Caracas trong vòng 72 giờ.

Ngoại trưởng Pompeo khẳng định rằng Mỹ chỉ tuân theo chỉ thị của ông Guaido và hai nước vẫn duy trì quan hệ ngoại giao bình thường.

Trong một thập kỷ qua, Mỹ và Venezuela không trao đổi Đại sứ, nhưng hai bên vẫn duy trì nhân viên ngoại giao của mình tại thủ đô mỗi nước.

Ngoài Mỹ, các nước khác, trong đó có Canada, Brazil, Colombia, Paraguay và Argentina cũng đã tuyên bố công nhận ông Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Theo Epoch Times, Mỹ đã chính thức yêu cầu mở một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc vào thứ Bảy (26/1) để “thảo luận về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Venezuela.”

Đại sứ của Nam Phi tại Liên Hiệp Quốc Jerry Matjila hôm 24/1 cho biết ông Pompeo đã yêu cầu thảo luận về tình hình chính trị tại Venezuela với cơ quan quyền lực nhất của Liên Hiệp Quốc. Ông Matjlia tiết lộ rằng “các cuộc tham vấn” sẽ là họp kín, không mở cửa cho truyền thông.

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc hôm 24/1 đăng tweet rằng họ đã yêu cầu tổ chức cuộc họp Hội đồng Bảo an vào sáng thứ Bảy (26/1).

Venezuela là một trong ba nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa tại Nam Mỹ bị chính quyền Trump gắn nhãn là “Đội quân Chuyên chế”, cùng với Cuba và Nicaragua. Trong bài phát biểu vào tháng Mười Một năm ngoái, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã gọi những nước này là “bộ ba khủng bố” và Washington cũng đã áp đặt chế tài lên Venezuela và Cuba, đồng thời đe dọa sẽ sớm trừng phạt Nicaragua.

Chính quyền Maduro dù bị phe đối lập trong nước, cũng như nhiều nước Châu Mỹ phản đối, nhưng thể chế xã hội chủ nghĩa này vẫn nhận được sự ủng hộ của Tòa án Tối cao, quân đội Venezuela và một số đồng minh thân cận như Nga, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ cùng các chính phủ cánh tả như Mexico, Bolivia…

Xuân Thành