Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (31/1) đã ký lệnh hành pháp mở rộng lệnh cấm di trú thêm 6 quốc gia. Các nước bị bổ sung vào danh sách cấm được Washington cho là đang đặt ra mối đe dọa an ninh cho Mỹ vì họ không phát hành hộ chiếu điện tử hoặc không làm đủ trong việc chia sẻ thông tin với giới chức Mỹ để xem xét kỹ lưỡng công dân của họ muốn di trú vào Mỹ.

Embed from Getty Images

Các nước bị bổ sung vào lệnh cấm di trú gồm: Myanmar, Eritrea, Kyrgyzstan, Nigeria, Sudan và Tanzania. Các nước đã nằm trong danh sách này từ năm 2018 gồm: Iran, Libya, Bắc Hàn, Somalia, Syria, Venezuela và Yemen.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Stephanie Grisham cho hay: “Theo thông lệ chung và dựa trên đảm bảo an ninh quốc gia, nếu một nước mong muốn nhận được các lợi ích về nhập cảnh và di trú tới Mỹ, thì họ phải đáp ứng các điều kiện an ninh cơ bản do các chuyên gia thực thi pháp luật và tình báo Mỹ đặt ra.”

Tuy nhiên, theo Washington Times, 6 nước vừa bị bổ sung vào danh sách cấm không bị cấm di trú hoàn toàn.

Một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết chỉ những người nộp hồ sơ nhập cư vào Mỹ từ Myanmar, Eritrea, Kyrgyzstan và Nigeria sẽ bị chặn, trong khi đó những công dân các nước này vẫn có thể đi du lịch tới Mỹ. Đối với Sudan và Tanzania, chỉ những người xin thị thực theo chương trình thị thực đa dạng sẽ bị chặn.

Điều đó có nghĩa rằng các doanh nghiệp vẫn có thể thuê công nhân thời vụ từ 6 nước trên và các thành viên gia đình từ 6 nước này vẫn có thể tới thăm thân nhân tại Mỹ.

Quan chức của Bộ An ninh Nội địa nêu trên nói thêm rằng mức độ cấm khá nới lỏng này phản ánh điều kiện thực tế tại 6 quốc gia.

Sáu quốc gia này có triển vọng lớn hơn trong việc thực hiện những cải thiện,” quan chức Bộ An ninh Nội địa nói.

Lệnh cấm bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày 22/2, do đó bất kỳ công dân nào trong 6 nước trên đang di trú tới Mỹ đều chưa bị ảnh hưởng và những người đã có thị thực Mỹ cũng chưa bị tác động gì. Bất cứ công dân của 6 nước trong danh sách bổ sung đang ở Mỹ cũng chưa bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Dựa vào xu hướng trong quá khứ, Bộ An ninh Nội địa Mỹ ước tính rằng khả năng sẽ có 12.000 người tại 6 quốc gia nêu trên bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm di trú bổ sung.

Các nhóm nhân quyền di cư đã than phiền rằng lệnh cấm bổ sung mà ông Trump vừa ký có thể gây tổn hại cho các nhóm người dễ bị tổn thương.

Bà Krish O’Mara Vignarajah, chủ tịch Cơ quan Di cư và Người tị nạn Lutheran nói: “Chúng tôi đặc biệt lo lắng cho những người tị nạn Myanmar khi họ có thể nhìn cánh cửa Mỹ đóng lại với họ vào thời điểm họ tuyệt vọng, trong đó có hàng nghìn người Chin, Karen và người Hồi giáo Rohingya”.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Trump khẳng định rằng lệnh cấm bổ sung sẽ không ảnh hưởng tới những người tị nạn.

Tổng thống Trump đã ban hành lệnh cấm di trú lần đầu vào ngày 27/1/2017, áp dụng với 7 nước có đa số dân Hồi giáo, gần như cấm toàn bộ công dân của các nước này nhập cảnh vào Mỹ.

Lệnh hành pháp đó của ông Trump được cho là “lệnh cấm Hồi giáo” và đã bị một số thẩm phán liên bang đình chỉ.

Sau đó, ông Trump đã ban hành hai bản sửa đổi lệnh cấm di trú, thu hẹp phạm vi cấm và loại bỏ đi một số nước ban đầu và bổ sung thêm hai nước không theo Hồi giáo là Bắc Hàn và Venezuela.

>>Tòa án Tối cao phê duyệt tổng thể lệnh cấm di trú của ông Trump

Tối cao Pháp viện Mỹ năm 2018 đã ra phán quyết rằng phiên bản lệnh cấm di trú sửa đổi của chính quyền Trump cơ bản là hợp pháp. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao vẫn để khoảng trống pháp lý cho các đơn kiện thách thức lệnh cấm và các tòa án cấp dưới vẫn đang thụ lý giải quyết một số thách thức này.

Đối với lệnh cấm bổ sung, Bộ An ninh Nội địa nói rằng quyết định này được đưa ra sau khi họ đã đánh giá kỹ lưỡng các nhược điểm và sự sẵn sàng của các nước trong việc chia sẻ thông tin với Mỹ để công dân của họ đang mong muốn di trú vào Mỹ có thể được xem xét kỹ lưỡng.

Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao đã thông tin cho từng nước trong 6 nước về những thiếu sót của họ,” một quan chức Bộ An ninh Nội địa nói và thêm rằng các nước này hoàn toàn có thể được loại khỏi danh sách cấm nếu họ cải thiện được sự hợp tác với Mỹ.

Vào tháng 4/2018, Chad (một nước Châu Phi) đã thực hiện đủ các cải thiện theo yêu cầu của Mỹ và đã được loại bỏ khỏi danh sách cấm di trú.

Như Ngọc