Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai (20/1) đã đệ trình lên Quốc hội một số sửa đổi hiến pháp sâu rộng, được cho là nỗ lực nhằm duy trì quyền lực sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.

Embed from Getty Images

Ông Putin lần đầu trình bày các đề xuất sửa đổi hiến pháp trong bài phát biểu quốc gia thường niên hôm thứ Tư (15/1), lập luận rằng những thay đổi này là nhằm thúc đẩy vai trò của quốc hội và đẩy mạnh nền dân chủ. Tuy nhiên, các nhà phê bình Điện Kremlin cho rằng ông Putin đang muốn sửa hiến pháp để cho phép ông giữ quyền lãnh đạo nước Nga trọn đời.

>>Tổng thống Putin bác bỏ ý tưởng lãnh đạo trọn đời kiểu Liên Xô

Duma Quốc gia Nga – tương đương Hạ viện, đã nhận một bản dự thảo đề xuất sửa đổi hiến pháp từ Điện Kremlin và đã nhanh chóng lên lịch tổ chức cuộc thảo luận đầu tiên về bản dự thảo này vào thứ Năm (23/1).

Ông Putin đề xuất rằng hiến pháp phải cụ thể hóa quyền hạn của Hội đồng Nhà nước, cơ quan tư vấn bao gồm các thống đốc khu vực và các quan chức liên bang cấp cao. Dự thảo hiến pháp sửa đổi của Điện Kremlin đệ trình Quốc hội trao quyền cho Hội đồng Nhà nước “xác định những định hướng chính của các chính sách đối nội và đối ngoại”. Quyền lực cụ thể của Hội đồng Nhà nước sẽ được quy định trong một luật riêng.

Ngoại giới cho rằng những sửa đổi hiến pháp đề xuất này có thể cho phép ông Putin duy trì quyền lực bằng cách chuyển đổi sang vị trí lãnh đạo Hội đồng Nhà nước.

Mặc dù đề xuất trao cho quốc hội có tiếng nói lớn hơn đối với việc chỉ định các bộ trưởng trong Nội các, nhưng ông Putin nhấn mạnh rằng tổng thống nên lấy lại quyền sa thải thủ tướng và các thành viên Nội các và duy trì lãnh đạo quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật Nga. Điều này có nghĩa rằng vai trò thủ tướng Nga sẽ suy yếu và rất ít khả năng ông Putin sẽ chuyển sang vị trí thủ tướng sau khi hết nhiệm kỳ như một số đồn đoán.

Điện Kremlin cũng sửa đổi hiến pháp để giới hạn tổng thống chỉ giữ tối đa hai nhiệm kỳ. Hiến pháp hiện tại không giới hạn nhiệm kỳ tối đa mà chỉ quy định tổng thống không được giữ hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Một số nhà bình luận đồn đoán rằng đề xuất giới hạn nhiệm kỳ tổng thống cho thấy ông Putin có thể đang muốn khống chế thời gian duy trì quyền lực của các đời tổng thống tiếp theo.

Các sửa đổi hiến pháp của ông Putin cũng bao gồm đề xuất đặt việc chiếu theo hiến pháp Nga trên lãnh thổ nước này lên trên luật pháp quốc tế. Đây có thể là phản ứng của ông Putin đối với việc Tòa án Nhân quyền Châu Âu mới đây đưa ra phán quyết buộc nước Nga phải chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền.

Một đề xuất khác nói rằng các quan chức chính phủ hàng đầu không được phép có quốc tịch nước ngoài hoặc giấy phép cư trú tại nước ngoài.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đã hoan nghênh các sửa đổi hiến pháp, gọi đó là “lịch sử”. Trước đó, ông Putin mô tả những sửa đổi này là để trao “nhiều quyền hơn cho người dân”.

Song song với đánh giá của Quốc hội, một nhóm làm việc do ông Putin lập ra cũng sẽ xem xét các đề xuất sửa đổi hiến pháp trước khi chúng được đưa ra bỏ phiếu toàn quốc.

Ông Putin nói rằng những thay đổi hiến pháp cần được toàn quốc chuẩn thuận, nhưng hiện chưa rõ một cuộc bỏ phiếu như vậy sẽ được tổ chức như thế nào.

Chính trị gia đối lập hàng đầu Alexei Navalny và những người chỉ trích Điện Kremlin khác đã lên án động thái của ông Putin là nỗ lực để mở rộng quyền lực của ông ta sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024.

Nhà hoạt động đối lập Ilya Yashin đã kêu gọi một cuộc biểu tình quy mô lớn tại Moscow vào ngày 29/2 để phản đối ông Putin “chiếm đoạt” quyền lực.

Xuân Thành