Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho thấy rất rõ các mục tiêu căn bản của ông trong việc xâm lược Ukraine: Ông muốn tước bỏ vũ khí đất nước láng giềng, cắt đứt quan hệ của Ukraine với liên minh quân sự NATO và kết thúc khát vọng hội nhập cùng các nước phương Tây của người dân Ukraine.

Embed from Getty Images

Mặc dù việc đoán chính xác cách ông Putin sẽ xử lý vấn đề Ukaine là không dễ, nhưng dựa vào dữ liệu lịch sử, chúng ta cũng có thể dự tính một số viễn cảnh của cuộc chiến giữa hai nước từng cùng thuộc Liên Xô:

Sáp nhập một Crimea thứ hai (Crimea 2.0)

Nếu các lực lượng quân đội Nga có thể chiếm được thành phố cảng Odessa của Ukraine, việc này có thể tạo thành một cây cầu trên bộ kéo dài khắp miền nam Ukraine. Tuyến đường này có khả năng kết nối từ Transnistria (một vùng đất ly khai ở Moldova, nơi quân đội Nga đóng quân) đến Odessa, Crimea, miền nam và cả miền đông Ukraine.

Ukraine sẽ bị chia cắt

Nếu TT Putin có suy nghĩ chia cắt đất nước Ukraine, Galicia Ukraine và thành phố Lviv (gần biên giới Ba Lan) có khả năng là một phần của nhà nước Ukraine, trong khi Nga tập trung sự chú ý của họ vào phía Đông Ukraine.

Thiết lập chế độ thân Nga tại Ukraine

Các quan chức tình báo phương Tây cảnh báo rằng Nga đang có kế hoạch lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của Ukraine, thay thế nó bằng một chế độ bù nhìn. Ông Putin đã từng tiết lộ rằng ông coi chính phủ được bầu cử dân chủ hiện nay ở Ukraine là bất hợp pháp, và đã phàn nàn về việc lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych vào năm 2014. Ukraine có các chính trị gia khác, những người có thể mong muốn lấp đầy vị trí của một chính phủ thân Nga, tạo ra một bộ máy chính quyền được dựng lên bằng vũ lực.

Nga chiếm đóng Ukraine lâu dài

Phía Nga nói rằng họ không muốn trở thành một kẻ chiếm đóng Ukraine, nhưng thật dễ dàng để tưởng tượng một kịch bản mà Nga nỗ lực áp đặt hình thức điều hành mạnh tay lên Ukraine. Đó sẽ là một liều thuốc đắng khó nuốt trôi vì Ukraine có sự tự do báo chí, tự do về chính trị địa phương và truyền thống biểu tình trên các đường phố. Trong hệ thống chính trị Nga, các cuộc biểu tình bất đồng chính kiến thực tế phần lớn bị cấm hoặc rất khó tổ chức.

Một nền cộng hòa của nỗi sợ hãi

Nga có một bộ máy an ninh nội địa đáng sợ. Cơ quan này bỏ tù, đàn áp những người bất đồng chính kiến và loại bỏ các đối thủ có khả năng gây rắc rối ra khỏi lĩnh vực chính trị. Sau khi bị Nga chiếm đóng vào năm 2014 và bị sáp nhập bởi một cuộc trưng cầu dân ý được cho là giả mạo, những người Ukraine sống ở Crimea đã trải nghiệm trực tiếp việc phải sống theo những gì mong muốn của Cơ quan An ninh nhà nước của Nga (FSB), nơi nắm giữ tất cả quyền lực.

Quang Minh (Theo CNN)