Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cam kết sẽ hoàn thành một trung tâm phân phối khí đốt để dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan nói rằng dự án này do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị đầu tiên và sẽ được xây dựng với sự hỗ trợ của Nga.

Ông Erdogan nói trong bài phát biểu hôm thứ Hai (29/5): “Chúng tôi sẽ củng cố hơn nữa vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ là một trung tâm quốc tế. Thực tế, Mr. Putin trong điện tín chúc mừng thắng cử đã nhắc lại việc xây dựng trung tâm này trong khu vực Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ làm điều đó cùng với họ. Sẽ có một trung tâm tại Thrace”.

Ông Erdogan đã tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp sau cuộc bầu cử vòng hai hôm Chủ Nhật (28/5). Ông đã đánh bại đối thủ Kemal Kilicdaroglu với chênh lệch khoảng 2,2 triệu phiếu bầu.

Trong điện tín chúc mừng gửi ông Erdogan, ông Putin đã hoan nghênh “những đóng góp cá nhân của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong việc củng cố mối quan hệ hữu nghị Nga – Thổ Nhĩ Kỳ” và ca ngợi việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra trung tâm khí đốt là hai dự án chung đầy ý nghĩa.

Ông Putin lần đầu đề nghị xây dựng trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2022. Khi đó, tổng thống Nga nói rằng Moscow có thể chuyển hướng khí đốt từ hai đường ống Nord Stream bị phá hoại sang Thổ Nhĩ Kỳ, từ đây Ankara có thể sử dụng nội địa hoặc bán lại cho các khách hàng châu Âu. Trung tâm này sẽ được xây dựng tại khu vực Đông Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà đã nhận khí đốt từ Nga qua đường ống TurkStream dài 930 km.

Ông Erdogan hoan nghênh ý tưởng của ông Putin và hồi tháng Hai năm nay, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez đã nói rằng trung tâm khí đốt đó có thể bắt đầu hoạt động ngay trong năm nay.

Kế hoạch xây dựng trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đang vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ từ phương Tây. Trong đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel đã kêu gọi các quốc gia châu Âu không mua khí đốt của Nga chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ, và thay vào đó phải “tiến hành các bước đi nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng để giảm thiểu phụ thuộc năng lượng vào Nga”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng đề xuất xây dựng trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ “chẳng có ý nghĩa gì” vì rằng Liên minh châu Âu chủ ý xóa bỏ phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất trong NATO cho đến nay vẫn chưa trừng phạt Nga. Hơn thế nữa, Ankara và Moscow đã đang củng cố các mối liên kết thương mại và ngoại giao song phương kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm 2022.

Ông Erdogan gọi chính sách ngoại giao của ông là “cân bằng”, và đã đang tìm cách biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một cường quốc thương mại năng lượng khu vực và là quốc gia trung gian giữa các nhà sản xuất năng lượng ở phía Đông như Nga, Azerbaijan và những quốc gia mua năng lượng ở phía Tây.

Hải Đăng (Theo RT)