Trong tuyên bố phát đi hôm Chủ Nhật (23/7), Nhà Trắng cho hay Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng sẽ ký ban hành các lệnh trừng phạt mới cứng rắn hơn với Nga, Iran và Bắc Hàn sau khi các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện đã đạt được sự đồng thuận về dự luật mới vào cuối tuần trước.

Các Nghị sĩ Dân chủ hôm thứ Bảy (22/7) đã nói rằng họ đã đồng ý với các Nghị sĩ Cộng hòa về một thỏa thuận cho phép thông qua một dự luật về các biện pháp trừng phạt mới áp đặt lên Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Theo đó, luật mới sẽ giới hạn bất kỳ nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm cố gắng dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Moscow.

Tổng thống Trump đang gặp bài toán khó trong mối quan hệ với Nga 

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders trao đổi trong chương trình “This Week with George Stephanopoulos” của kênh ABC hôm Chủ Nhật (23/7): “Chúng tôi ủng hộ luật này và sẽ tiếp tục làm việc với Hạ viện và Thượng viện để áp đặt những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt này lên Nga cho tới khi tình hình ở Ukraine được giải quyết triệt để và chắc chắn sẽ không có chuyện nới lỏng trừng phạt vào lúc này”.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với Reuters rằng quan điểm của chính phủ về luật mới đã tiến triển sau khi có thay đổi, trong đó có cả việc bổ sung các lệnh trừng phạt đối với Bắc Hàn.

Vị quan chức này cho hay chính phủ Trump “ủng hộ định hướng của dự luật, nhưng sẽ không cân nhắc một cách dứt khoát cho đến khi có bản cuối cùng của luật này và sẽ không còn bất kỳ thay đổi nào nữa”.

Ông Anthony Scaramucci, giám đốc truyền thông mới của nội các Trump cho biết Tổng thống vẫn chưa quyết định liệu ông ấy sẽ ký dự luật mới hay không.

Trao đổi trong chương trình “State of the Union” trên kênh CNN, ông Scaramucci nói: “Tôi đoán là…ông ấy sẽ sớm đưa ra quyết định đó”.

Ông Trump đã và đang phải đối mặt với sự phản đối của các nhà lập pháp ở cả đảng Cộng hòa và Dân chủ vì cam kết theo đuổi quan hệ ấm áp hơn với Moscow. Chính quyền của ông đang bị bủa vây bởi những cuộc điều tra về mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử 2016 và Nga. Trong khi, ôngTrump đã nhiều lần tuyên bố đội ngũ trong chiến dịch tranh cử của mình không thông đồng với Nga.

Theo Reuters, với dự luật mới này, các Nghị sĩ hai đảng sẽ tìm cách trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn với lý do Moscow sát nhập lãnh thổ Crimea từ Ukraine vào Nga năm 2014 và can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tổng thống Vladimir Putin trong lần gặp Tổng thống Trump mới đây tại Hội nghị G20 đã bác bỏ mọi can thiệp vào tiến trình dân chủ của Hoa Kỳ vào năm ngoái.

Reuters cho hay Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt mới này vào thứ Ba (25/7).

Luật mới sẽ yêu cầu tổng thống phải trình Quốc hội báo cáo về các hành động đề xuất nhằm “thay đổi đáng kể” chính sách của Hoa Kỳ đối với Nga, trong đó có việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc trả lại cho Moscow các cơ sở ngoại giao ở Maryland và New York mà cựu Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh thu hồi vào tháng 12/2016. Quốc hội sẽ có ít nhất 30 ngày để tổ chức các phiên điều trần và sau đó bỏ phiếu ủng hộ hoặc từ chối những thay đổi theo đề xuất của Tổng thống Trump.

Trong những tuần gần đây, các quan chức chính quyền Trump đã gặp các nhà lập pháp để tranh luận về các phần của bản dự thảo do Thượng viện viết, trong đó mấu chốt nằm ở nội dung yêu cầu Tổng thống phải xin phép Quốc hội trước khi nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Các nhà lập pháp, trong đó có Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune và Thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin, hôm Chủ Nhật (23/7) cho biết dự luật mới đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng.

Nghị sĩ John Thune nói trên chương trình “Fox News Sunday” rằng: “Tôi nghĩ (dự luật) sẽ lại vượt qua Thượng viện với đa số áp đảo”.

Trong khi đó, Liên Minh Châu Âu (EU) đã lên tiếng cảnh báo về các động thái của Mỹ trong việc tăng cường trừng phạt Nga, thúc giục Washington cần hợp tác với Nhóm G7.

Theo một vị quan chức của EU, Ủy ban Châu Âu – cơ quan điều hành EU – sẽ xem xét các bước tiếp theo tại một cuộc họp vào thứ Tư (26/7) ở Brussels (Bỉ) nếu Tổng thống Trump ký thông qua dự luật này và nói thêm rằng họ sẵn sàng tính đến các biện pháp trả đũa.

Các nhà lãnh đạo EU quan ngại rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ đối với Nga có thể gây tổn hại cho các công ty Châu Âu đang nâng cấp các đường ống dẫn khí của Nga, đưa vào hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine.

Các biện pháp này cũng có thể nhắm mục tiêu vào các công ty Châu Âu đang kinh doanh hợp pháp với Nga trong vận tải đường sắt, vận tải biển, tài chính và khai thác mỏ.

Tuy nhiên, bất kỳ cuộc trả đũa nào của EU (nếu có) sẽ cần sự ủng hộ của tất cả 28 thành viên EU và như vậy sẽ phải đối mặt với sự phản đối của các nước như Anh và Hungary, những thành viên không muốn gây bất hòa với chính quyền Trump.

Trong khi đó, Tổng thống Trump vẫn có quyền lựa chọn phương án phủ quyết luật mới này. Nhưng ông sẽ gặp rủi ro về uy tín chính trị nếu như Quốc hội thành công trong việc vượt qua phủ quyết của Tổng thống.

Yên Sơn

Xem thêm: