Trong làn sóng tẩy chay của các quốc gia dân chủ trên thế giới, Litva đã xác nhận rằng Tổng thống Gitanas Nauseda và các bộ trưởng khác đều sẽ không tham dự Olympic Bắc Kinh. 

shutterstock 2059208435
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda (Ảnh:  Karolis Kavolelis / Shutterstock)

Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Litva (LRT) ngày 2/12 đưa tin, trong khi chỉ còn chưa đầy 100 ngày là đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh (Olympic Bắc Kinh), một số nghị sĩ Litva đã tăng cường kêu gọi các chính trị gia khác, Ủy ban Olympic của nước này và các vận động viên, thúc giục họ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh.

Tháng trước, 17 thành viên của liên minh cầm quyền của quốc gia này đã cùng nhau viết một lá thư kêu gọi các chính trị gia, Ủy ban Olympic quốc gia và các vận động viên tẩy chay Olympic Bắc Kinh. Họ cho rằng hoạt động thi đấu thể thao ở cấp bậc này không nên tổ chức ở quốc gia độc tài bức hại nhân quyền, lợi dụng thể thao để tô vẽ hình tượng của mình.

“Chúng tôi kêu gọi tổng thống, chính phủ và tất cả các chính trị gia của Litva tẩy chay Thế vận hội Trung Quốc, không tham dự lễ khai mạc và bế mạc, không cử bất cứ đoàn đại biểu chính thức nào của quốc gia tham dự.” Các nghị sĩ còn kêu gọi các vận động viên “thể hiện lập trường của công dân”, không nên tham gia vào “biểu diễn múa rối dưới sự chỉ huy của chính quyền chuyên chế”. 

Đại diện của Tổng thống Gitanas Nausėda trả lời phỏng vấn của LRT đã cho biết, Tổng thống không dự định tham dự Olympic Bắc Kinh. Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis cũng biểu đạt lập trường tương tự. Bộ Ngoại giao nước này nói với LRT rằng, “Bộ trưởng Ngoại giao sẽ không tham dự Olympic Bắc Kinh. Theo chúng tôi được biết, quan chức đại diện của Chính phủ Litva cũng không tham dự.”

Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Thể thao Litva Jurgita Šiugždinienė cũng tuyên bố trước rằng bà quyết định không tham gia Thế vận hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Olympic Quốc gia Litva (LTOK) không đồng ý các vận động viên tẩy chay Olympic Bắc Kinh. Ủy ban này cho rằng “thể thao không thể lẫn lộn với chính trị”. Ngoài ra, họ còn lo lắng điều này sẽ khiến Bắc Kinh chế tài đối với Litva.

Trong tuyên bố của LTOK có đề cập, “Sự nghiệp của vận động viên không dài, Thế vận hội là trận thi đấu quan trọng nhất trong cuộc đời họ, họ đã không chỉ chuẩn bị 1 năm hoặc 4 năm, mà là thời gian dài hơn thế nữa để được tham dự. Do đó, chúng tôi cho rằng xuất phát từ nguyên nhân chính trị để yêu cầu vận động viên từ chối cơ hội này là không công bằng.”

Ngoài ra, Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Thể thao Litva Jurgita Šiugždinienė cũng cho biết, mặc dù chính thức kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh, nhưng các vận động viên đủ điều kiện tham dự vẫn có thể đến Trung Quốc tham gia thi đấu. Bà nói trong một thông cáo báo chí hôm 2/12: “Các vận động viên Litva giành được quyền lợi thi đấu với vận động viên ưu tú nhất trên thế giới, sẽ tham gia Thế vận hội.” Bà còn nói rằng Thế vận hội là đỉnh cao của sự nghiệp vận động viên.

Tuần này, Hiệp hội Quần vợt nữ Quốc tế (WTA) tuyên bố quyết định tạm dừng các trận đấu ở Trung Quốc và Hồng Kông, đẩy làn sóng toàn cầu tẩy chay Olympic Bắc Kinh lên cao, dư luận phương Tây và các nhà quan sát phần lớn đều biểu thị tán đồng, từ các vận động viên quần vợt nổi tiếng đến các nhà hoạt động nhân quyền đều lên tiếng ủng hộ.

Tờ The Times tại Anh đưa tin, các nước thành viên của “Liên minh Ngũ nhãn” đang tiến hành thảo luận về việc chính thức tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh, trong đó có 3 nước có khả năng sẽ phối hợp cùng hành động. Hôm 18/11, Tổng thống Mỹ Biden cho biết, Mỹ đang cân nhắc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.

Theo Lý Hoàn Vũ, Epoch Times

Xem thêm: