Hãng tin AP (Mỹ) cho biết hôm thứ Ba 2/5 người dân thủ đô Caracas, Venezuela tiếp tục chặn các đường phố bằng gạch đá, kim loại và chất các đống rác ra đường rồi đốt lửa để phản đối đề xuất mới nhất của Tổng thống Maduro về việc sẽ viết lại hiến pháp nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị đang leo thang nhanh chóng tại quốc gia dầu mỏ này.

Người dân đốt cháy một xe bọc thép mà chính phủ Maduro dùng để ngăn cản người biểu tình
Người dân đốt cháy một xe bọc thép mà chính phủ Maduro dùng để ngăn cản người biểu tình

Hôm thứ Hai 1/5, Tổng thống đảng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), Nicolas Maduro đã ký nghị định bắt đầu tiến trình viết lại hiến pháp. Trong khi, các lãnh đạo phe đối lập lên án kế hoạch lập Hội đồng Lập hiến là âm mưu trì hoãn bầu cử khu vực trong năm nay và cuộc bầu cử tổng thống năm 2018.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy phe XHCN sẽ gặp bất lợi lớn ở cả hai cuộc bầu cử này do đang ở thời điểm sự giận dữ lan rộng trong dân chúng khi lạm phát đã ở mức 3 chữ số và thiếu thốn lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác.

Hôm thứ Ba 2/5, quốc hội do phe đối lập chiếm đa số đã chính thức bác bỏ động thái của ông Maduro triệu tập họp hội đồng lập hiến. Phe đối lập nói rằng ý tưởng này của Maduro trước hết cần phải được người dân Venezuela chấp nhận qua bỏ phiếu. Thực tế, đây cũng chỉ là một hành động phản kháng mang tính tượng trưng vì cơ quan lập pháp không có quyền ngăn cản [Tổng thống] triệu tập hội đồng lập hiến.

Tổng thống Maduro vẫn mơ hồ về cách các thành viên quốc hội được lựa chọn thế nào. Ông gợi ý một số người sẽ được cử tri lựa chọn, nhưng nhiều nhà quan sát dự đoán tiến trình lựa chọn sẽ có lợi cho đảng XHCN.

Trong một phát biểu hôm thứ Hai 1/5, Tổng thống Maduro nói một hiến pháp mới là cần thiết để khôi phục hòa bình. Phát ngôn này đến chỉ vài giờ sau khi ông Maduro chứng kiến một cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn kết thúc bằng ném đá và xịt khí gas.

Ông Maduro nói: “Đây là hội đồng của nhân dân tập hợp những người lao động. Ngày này đã đến, các anh em. Đừng làm tôi thất vọng”.

Tôi không phải là Mussolini (nhà độc tài Ý)”. Ông Maduro nhấn mạnh.

Nhà phân tích chính trị Luis Vicente Leon cho biết nếu tiến trình hiến pháp tiếp diễn, các nhà lãnh đạo phe đối lập sẽ cần tập trung vào việc có được ít nhất một số nhân vật đồng thuận trong hội đồng. Điều này có thể khiến họ phân tán việc tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố hàng ngày vốn đã kéo dài suốt 4 tuần qua.

Ông Leon nói thêm: “Đó là một cách kêu gọi bầu cử làm tiêu hao năng lượng [đối thủ], nhưng không mang lại rủi ro [cho phe chính phủ] vì đó không phải là cuộc bỏ phiếu rộng rãi, trực tiếp và bí mật. Và nó cũng có ảnh hưởng  loại bỏ khả năng bầu cử [địa phương] trong năm nay và cũng như cuộc bầu cử [tổng thống] vào năm tới”.

Được biết, hiến pháp Venezuela đã được sửa đổi lần gần nhất vào năm 1999, đó là năm đầu tiên trong thời gian 14 năm tại nhiệm của cố tổng thống Hugo Chavez, người đã tiến hành cách mạng XHCN tại quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này. Ông Chavez đã gọi hiến pháp mới của mình là tốt nhất thế giới và hứa hẹn nó sẽ kéo dài hàng thế kỷ. Ông luôn mang theo một phiên bản hiến pháp bỏ túi, màu xanh dương và thường đưa nó ra và nói: “Đây là Kinh Thánh của chúng ta. Sau Kinh Thánh là đến [bản hiến pháp] này”.  Vào thời uy tín chính trị ở đỉnh cao, người dân thường vây quanh tổng thống Chavez và xin ông ký vào bản sao [hiến pháp].

Chính vì thế, phe đối lập coi đề xuất viết lại hiến pháp của tổng thống Maduro bằng chứng cho những lời dối trá nhân danh cách mạng của người tiền nhiệm Hugo đang đổ vỡ.

Chủ tịch Quốc hội Julio Borges gọi việc triệu tập Hội đồng Lập hiến là “sự dối trá khổng lồ” do Maduro và các đồng minh của ông thiết kế để bảo vệ quyền lực của họ. Ông Borges nói rằng hành động này sẽ phủ nhận quyền bày tỏ quan điểm của người dân Venezuela qua các hòm phiếu và ông Borges thúc giục quân đội ngăn chặn hành động “đảo chính” của ông Maduro.

Điều người dân Venezuela muốn không phải là thay đổi hiến pháp mà là thay đổi Maduro thông qua bỏ phiếu”. Ông Borges nhấn mạnh.

Phe đối lập đã kêu gọi một cuộc biểu tình lớn nữa vào thứ Tư 3/5.

Một quan chức Ngoại giao cấp cao của Washington  đã nói rằng việc đề xuất một bản hiến pháp mới “làm mất đi ý chí của nhân dân Venezuela và làm xói mòn nền dân chủ hơn nữa”.

Ông Michael Fitzpatrick, phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Tây Bán cầu cho biết: “Điều mà Tổng thống Maduro đang cố gắng thực hiện lại là để nỗ lực thay đổi các quy tắc của cuộc chơi”.

Theo Reuters, cảnh sát Venezuela đã đàn áp bằng hơi cay các cuộc biểu tình diễn ra rải rác vào hôm thứ Ba 2/5 và đây là hoạt động gần như hàng ngày trong nhiều tuần qua. Trong hỗn loạn diễn ra khoảng 1 tháng nay, có ít nhất 29 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Hôm thứ Ba, chính phủ đã ra lệnh cấm sử dụng súng trong 180 ngày.

Trong khi đó, một chiếc xe bus chở những người ủng hộ chính phủ trở về từ một cuộc biểu tình hôm thứ Hai 1/5 đã đâm vào một chiếc xe khác ở bang Bolivar, phía đông nam Caracas. Thống đốc Francisco Rangel cho biết 13 người đã chết và hàng chục người khác bị thương.

Xuân Thành

Xem thêm: