Cuộc khủng hoảng linh kiện do đại dịch gây ra đang buộc Toyota phải cắt giảm sản lượng khoảng 40% tại các nhà máy lắp ráp ở Nhật Bản và lên tới 60% tại các nhà máy ở Bắc Mỹ.

Embed from Getty Images

Trong một thông báo vận hành nhà máy ngày 19/8, nhà sản xuất ô-tô hàng đầu của Nhật bản tuyên bố họ sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 40% tại 14 nhà máy ở Nhật Bản. Ngoài ra, trong một thông báo gửi qua email, một đại diện của hãng này nói với The Epoch Times rằng Toyota đã lên kế hoạch cắt giảm từ 40% đến 60% sản lượng tại hầu hết các nhà máy ở Bắc Mỹ.

Trong cả hai trường hợp, Toyota đều đổ lỗi cho sự lây lan của virus corona đã làm gián đoạn các nguồn cung ứng linh kiện.

Đại diện của Toyota nói với The Epoch Times: “Do COVID-19 cũng như các sự kiện bất ngờ xảy ra với chuỗi cung ứng của chúng tôi, Toyota đang gặp phải tình trạng thiếu hụt thêm [linh kiện], điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất tại hầu hết các nhà máy của chúng tôi ở Bắc Mỹ. Mặc dù tình hình vẫn tiếp tục biến động và  phức tạp, nhưng các đơn vị sản xuất và chuỗi cung ứng của chúng tôi đang làm việc tích cực để tìm ra các biện pháp đối phó nhằm giảm thiểu tác động đến sản xuất.”

Đại diện này còn tiết lộ, tại Bắc Mỹ, Toyota đang dự kiến cắt giảm khoảng 60.000 đến 90.000 xe trong tháng 8, và khoảng 80.000 xe trong tháng 9. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng số lượng cắt giảm có thể thay đổi bởi vì “tình hình vẫn rất biến động”.

Ông nhấn mạnh: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa đoán trước được bất kỳ tác động nào đến việc làm.”

Toyota đang vận hành 10 nhà máy ở Hoa Kỳ và 14 nhà máy ở Bắc Mỹ.

Tại Nhật Bản, phần lớn các nhà máy của Toyota sẽ tạm ngừng sản xuất hoàn toàn vào tháng 9. Hàng loạt mẫu xe của hãng này sẽ bị ảnh hưởng do việc cắt giảm sản lượng, bao gồm xe sử dụng hỗn hợp xăng-điện Prius, xe thể thao đa dụng Land Cruiser, xe hơi nhỏ Corolla.

Mặc dù Toyota từ chối cho biết cụ thể liệu sự gián đoạn có liên quan đến các linh kiện khác ngoài các linh kiện có chứa chất bán dẫn hay không, nhưng tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu được cho là nguyên nhân chính gây ra gián đoạn trong ngành sản xuất ô-tô và nhiều ngành khác.

Hôm 19/8, nhà sản xuất ô-tô của Đức Volkswagen tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng nguồn cung chip có thể buộc hãng này giảm sản xuất vào mùa thu. Động thái này sẽ làm tăng thêm sản lượng cắt giảm được công bố hồi đầu năm.

Một đại diện của Volkswagen nói với Reuters: “Chúng ta hiện dự đoán nguồn cung chip trong quý ba sẽ rất biến động và khan hiếm. Chúng tôi không thể loại trừ những thay đổi thêm nữa đối với việc sản xuất.”

Hôm 18/8, Ford đã thông báo hãng này sẽ đóng cửa tạm thời nhà máy lắp ráp ở Thành phố Kansas, nơi sản xuất loại xe bán tải F-150 bán chạy nhất của mình, do tình trạng thiếu hụt các linh kiện có liên quan đến chất bán dẫn. Thời gian đóng cửa là một tuần dự kiến bắt đầu từ ngày 23/8.

Ô-tô ngày càng trở nên phụ thuộc vào chất bán dẫn cho mọi thứ từ các tính năng an toàn như triển khai túi khí và hỗ trợ phanh khẩn cấp cho đến việc quản lý động cơ bằng vi tính để tiết kiệm nhiên liệu và hiệu suất hoạt động tốt hơn.

Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là quốc gia đứng đầu toàn cầu về thiết kế chip, nhưng gần 80% các hoạt động sản xuất khuôn bán dẫn, lắp ráp và thử nghiệm đang tập trung ở châu Á.

Sự lây lan của COVID-19, căn bệnh do virus corona gây ra, đã làm gián đoạn việc sản xuất chất bán dẫn. Do nguồn cung chip bị cắt giảm, các nhà sản xuất ô-tô hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng to lớn vốn cũng sử dụng rất nhiều chip bán dẫn. 

Washington đã nhận ra lỗ hổng trong việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn nước ngoài. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo coi việc thiếu sản xuất chip tại Hoa Kỳ là một “rủi ro an ninh quốc gia.”

Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tăng cường đầu tư để hồi sinh ngành sản xuất chip của Hoa Kỳ. Trong khi đó, lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ cũng đang đưa ra các dự luật để tìm cách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước bằng cách cung cấp các ưu đãi để  khuyến khích sản xuất tại Hoa Kỳ.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: