Vào thứ Sáu (24/6) Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Clarence Thomas đã có ý kiến ​​đồng tình rằng nên xem xét lại các phán quyết trước đây về biện pháp tránh thai, quan hệ đồng giới và quyền kết hôn đồng giới.

Clarence Thomas
Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Clarence Thomas. (Nguồn: Cknight70/Flickr)

Thẩm phán Thomas là người phục vụ công lý lâu nhất tại Tòa án Tối cao Mỹ, ông đã đưa ra một loạt khuyến nghị đối với thông báo trước đó của Tòa án Tối cao Mỹ nhằm lật ngược những phán quyết trong quá khứ liên quan đến vấn đề quyền phá thai.

Vào thứ Sáu, Tòa án Tối cao Mỹ đã lật ngược lại vụ án Roe kiện Wade bằng một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 6:3, phán quyết mang tính bước ngoặt này có nghĩa là quyền phá thai [được ủng hộ mang tính quyền riêng tư/cá nhân] mà Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết 50 năm trước sẽ bị thu hồi.

Ông Thomas là một nhà tư pháp bảo thủ được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha). Ông viết trong quan điểm đồng tình của mình rằng các thẩm phán nên xem xét lại tất cả “các tiền lệ tố tụng cơ bản” của tòa án này, bao gồm các vụ án Griswold kiện Connecticut, Lawrence kiện Texas, Obergefell kiện Hodges.

Trong số đó, vụ án Obergefell kiện Hodges là một vụ án quan trọng về hôn nhân đồng giới được Tòa án tối cao Mỹ đưa ra trong phiên xét xử vào ngày 26/6/2015. Tòa án cho biết trong phán quyết đó rằng quyền kết hôn đồng giới được bảo đảm về mặt hiến pháp và các bang không thể lập pháp chống lại quyền đó.

Trước quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra vào thứ Sáu, các đảng viên Dân chủ đã nhiều lần cảnh báo rằng điều đó sẽ dẫn đến việc nhiều vụ án liên quan đến quyền riêng tư mang tính bước ngoặt khác cũng phải bị lật ngược lại.

Vào tháng Năm, trang web POLITICO lần đầu tiên đưa tin về bản dự thảo bị rò rỉ, liên quan đến ý kiến ​​đa số sơ bộ của phán quyết vào hôm thứ Sáu lật ngược vụ án Roe kiện Wade của Tòa án Tối cao.

“Nếu lý do phán quyết mà tòa công bố được thành lập, thì toàn bộ một loạt vấn đề khác về quyền lợi sẽ bị thách thức”, vào tháng trước Tổng thống Joe Biden đề cập trong dự thảo ý kiến. “Và quan điểm cho rằng chúng ta nên để các bang [tự chủ] đưa ra những quyết định liên quan đó, để những địa phương khác nhau [tự chủ] đưa ra những quyết định liên quan đó, sẽ là thay đổi mang tính bước ngoặt”.

Nhiều thẩm phán phe cấp tiến bày tỏ quan ngại

Sau khi vụ án lệ Roe kiện Wade bị lật ngược, các bang sẽ có quyền đưa ra luật phá thai của riêng mình mà không sợ vi phạm các quy tắc trước đó.

Các thẩm phán Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan cùng bày tỏ quan ngại khi bất đồng quan điểm đối với phán quyết vào thứ Sáu.

Họ cho biết rằng quyền phá thai nhất định không thể đứng độc lập: “Không ai nên tin rằng đa số này (những người đưa ra ý kiến đa số) đã làm tốt công việc của họ… Trái lại trong nhiều thập kỷ qua, các tòa án đã ràng buộc nó với các quyền tự do được thiết lập khác liên quan đến sự toàn vẹn về thể xác, quan hệ gia đình và sinh sản”.

Các quyết định trước đây của Tòa án Tối cao Mỹ liên quan các vụ án như Roe kiện Wade, Griswold kiện Connecticut, Lawrence kiện Texas, Obergefell kiện Hodges cũng như những vụ khác “đều là một phần của cùng một cấu trúc hiến pháp bảo vệ quyền tự quyết của các quyết định mang tính cá nhân nhất”, 3 vị thẩm phán tiếp tục cho hay.

Vụ án Griswold kiện bang Connecticut là một vụ án mang tính bước ngoặt ở Mỹ vào năm 1965. Vụ việc liên quan đến “Đạo luật Comstock” của bang Connecticut cấm bất kỳ ai sử dụng “bất kỳ biện pháp tránh thai, sản phẩm phá thai nào”. Tòa án Tối cao Mỹ khi đó ra phán quyết với tỷ lệ 7:2 cho rằng “Đạo luật Comstock” của bang Connecticut “vi phạm quyền riêng tư trong hôn nhân” và tuyên bố luật đó vô hiệu.

Vụ án Lawrence kiện Texas là một quyết định liên quan khác được Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra vào năm 2003. Trong vụ án này, tòa án đã lật lại “Luật sodomy” được các bang Georgia và Texas ủng hộ, tuyên bố rằng các bang không thể cấm hoạt động tình dục đồng giới giữa những người trưởng thành và đồng tính luyến ái đã chính thức được hợp pháp hóa ở Mỹ.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Paul Dupont của Dự án Nguyên tắc Mỹ (American Principles Project) chống phá thai cho biết dựa trên vấn đề văn hóa khiến những người bảo thủ lạc quan về khả năng chiến thắng trong tương lai cho dù hiện nay vấn đề tranh luận đang cam go.