Mỹ lại một lần nữa cảnh báo rằng Trung Quốc có thể xâm chiếm Đài Loan, nhưng nhiều khả năng hơn là Bắc Kinh sẽ áp dụng phương cách tiếp cận dần dần từng bước một, nhà bình luận Christian Le Miere cho biết trên CNA.

Embed from Getty Images

25 năm trước, chiến tranh Đài Loan dường như xảy ra đến nơi khi tên lửa Trung Quốc đã phóng về hướng Đài Loan và một tàu sân bay Mỹ đã đi ngang eo biển Đài Loan. 

Đến nay, căng thẳng ở Đài Loan lại đang gia tăng. Trung Quốc đã tăng cường tuần tra trên không và trên biển quanh Đài Loan. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra lời cảnh báo Bắc Kinh rằng “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng với bất cứ ai cố gắng thay đổi [nguyên trạng eo biển Đài Loan] bằng vũ lực.”

Các cuộc khẩu chiến công khai đã bắt đầu ám chỉ khả năng xảy ra cuộc chiến giành Đài Loan. Phát biểu hồi đầu tháng 3, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Phil Davidson, cho rằng Trung Quốc có thể tiến hành cuộc xâm lược Đài Loan trong vòng 6 năm.

Nhưng những đánh giá này là chưa chắc đúng. Dù mong muốn “thống nhất Đài Loan” của Bắc Kinh rất mạnh mẽ, Trung Quốc biết cái giá phải trả cho bất cứ cuộc xâm chiếm Đài Loan nào có thể là rất cao và có nguy cơ dẫn đến xung đột kéo dài.

Thay vào đó, Trung Quốc nhiều khả năng theo đuổi cách tiếp cận tiệm cận hơn, dần làm xói mòn chủ quyền của Đài Loan. Thay vì một cuộc chiến đẫm máu, Trung Quốc có thể trông đợi nhiều hơn vào cách thống nhất theo kiểu “cắt lát salami” của họ.

Kể từ khi Quốc Dân Đảng rút về Đài Loan năm 1949, việc “thống nhất hòn đảo” đã trở thành một mục tiêu chính sách chủ yếu của Bắc Kinh. Nhưng đã hơn 70 năm, quốc đảo vẫn có khả năng duy trì việc ngăn chặn quân sự thích đáng từ Đại lục, làm cho một cuộc xâm chiếm dường như quá đắt giá hoặc quá khó khăn.

Dù có dân số chỉ bằng 2% của Trung Quốc, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Mỹ và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong nửa cuối thế kỷ 20, cũng như các khoản đầu tư lớn vào quốc phòng đã khiến Đài Loan có khả năng duy trì lợi thế quân sự về chất lượng so với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. 

Ở bên kia eo biển, Bắc Kinh bận rộn với việc bảo vệ biên giới của mình cùng các bất ổn trong nước, từ Đại nhảy vọt cho đến Cách mạng Văn hoá. Do đó, một cuộc xâm chiếm Đài Loan dường như không phải là một việc làm khôn ngoan.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế cuối những năm 1970 và đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng sau đó, cùng chiến lược công nghiệp hoá quân đội hiệu quả đã khiến nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc phát triển nhảy vọt. Khả năng ngăn chặn quân sự mà Đài Loan từng có một thời đang bị bào mòn.

Một số ước tính cho rằng PLA hiện nay không chỉ chiếm ưu thế về số lượng, mà về công nghệ cũng ngang hàng với Đài Loan, có nghĩa là một cuộc chiến xuyên eo biển Đài Loan có thể mang lại lợi thế cho Trung Quốc.

Nhưng những nghiên cứu như vậy đã bỏ qua thực tế là ngay cả việc xâm chiếm Đài Loan tương đối thành công vẫn đòi hỏi một chiến dịch đẫm máu và đắt giá.

 

Đài Loan chỉ cách bờ biển Trung Quốc 100 dặm, dễ dàng tấn công bằng tên lửa hay ngư lôi các tàu thuyền Trung Quốc ở vùng nước ngoài khơi phía bên kia.

Đài Loan cũng đã tuyên bố sẽ bắn phá đường bờ biển Trung Quốc bằng tên lửa. Báo cáo Quốc phòng Đài Loan năm 2021 hồi tháng Ba đã lưu ý rằng chiến lược của đảo quốc sẽ là “chống cự kẻ thù ở bờ bên kia, tấn công trên biển, phá hoại ven bờ, và tiêu diệt tại vị trí đổ bộ.”

Trung Quốc có thể tổn thất hàng chục nghìn, nếu không phải là hàng trăm nghìn binh lính, chưa tính đến nhiệm vụ bất khả thi bình định đảo quốc Đài Loan 23,5 triệu dân, những người sẽ chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Trung Quốc đến cùng.

Hơn nữa, Đài Loan có cam kết bảo vệ từ Mỹ. Các tàu ngầm hạt nhân, các đội tàu sân bay tấn công và lực lượng tên lửa của Mỹ trên toàn khu vực sẽ khiến bất cứ hoạt động xuyên eo biển nào trở nên nguy hiểm hơn.

Đối với ĐCSTQ, thu hồi Đài Loan là một ưu tiên xác định, nhưng thất bại trong cuộc chiến giành Đài Loan là một biến cố đe dọa chế độ.

Chiến lược “cắt lát salami” Đài Loan

Vì thế, con đường thay thế và ít nguy hiểm hơn để tiến hành chiến tranh đối với Bắc Kinh là sử dụng một chiến lược đã thành công ở nơi khác: cắt lát salami.

Trong chiến lược gọi là cắt lát salami, những thay đổi nhỏ được liên tục thực hiện để hướng tới một mục tiêu lớn hơn. Những thay đổi nhỏ đó không đủ lớn để làm lý do gây chiến, nhưng khi được gộp vào với nhau, chúng sẽ là sự khởi đầu cho thay đổi thực tế cuối cùng trên thực địa.

Tại những vùng biển gần Trung Quốc, quá trình này bao gồm việc gia tăng tàu thuyền tuần tra của quân đội, lực lượng bán quân sự và tàu thương mại Trung Quốc. Nó cũng bao gồm việc lấn chiếm đảo và tiến hành ngày càng nhiều các chuyến bay do thám.

Những chiến thuật này đang được thực hiện trên đất liền và trên biển. Ví dụ, tại các vùng biên giới miền núi với Ấn Độ, Trung Quốc đã xây hàng loạt ngôi làng tại vùng lãnh thổ tranh chấp để tạo ra sự chiếm đóng đã rồi.

Với Đài Loan, chiến lược cắt lát salami tương tự cũng đang xảy ra. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xoá bỏ thành công những định chuẩn nhiều thập kỷ về vùng bay của Đài Loan. Năm 2019, máy bay quân sự Trung Quốc bắt đầu thường xuyên bay quanh hòn đảo, vượt qua đường trung tuyến giữa hai thực thể. 

Trong 60 năm trước sự việc này, chỉ xảy ra một chuyến bay vượt dải phân cách có chủ định; hiện nay chúng đã trở nên thường xuyên. Tháng 9/2020, 37 máy bay đã bay vượt đường này.

Máy bay Trung Quốc còn bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan với kỷ lục 380 lần trong năm 2020, nhiều nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. Ngày 13/4 đã xảy ra vụ xâm nhập lớn nhất với 25 máy bay. 

Những chuyến bay như vậy đã trở nên quá thường xuyên, đến nỗi Đài Loan đã ngừng cho máy bay quân sự cất cánh trước mỗi vụ đột nhập của Trung Quốc. Làm thế quá đắt đỏ. Tới tháng 10/2020, máy bay quân sự Đài Loan đã xuất phát 2.972 lần chống máy bay Trung Quốc trong năm đó.

Điều tương tự cũng xảy ra trên biển. Vào đầu tháng 4, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu Liêu Ninh đã tập trận ngoài khơi Đài Loan. Đến tháng 12/2020, tàu chiến Đài Loan đã chặn 1.223 lượt tàu Trung Quốc – tăng 50% so với năm trước. 

Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi hành vi và tạo ra một điều bình thường mới, với sự hiện diện của máy bay và tàu chiến Trung Quốc trở thành lệ thường, thậm chí còn được trông đợi là nó sẽ xảy ra.

Các nhà phân tích Đài Loan đã cảnh báo tiếp theo sau Luật biển mới của Trung Quốc hồi tháng 2, có thể sẽ diễn ra việc quấy rối tàu thuyền Đài Loan của lực lượng bán quân sự Trung Quốc. Sun Tzu-yun của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Quốc gia của Đài Loan đã lưu ý tại một diễn đàn hồi giữa tháng 3 là với những chiến thuật vùng xám như vậy, có thể sẽ khó phản công hơn.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng bắt đầu sử dụng các tàu thương mại làm thành sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc tại các đảo xa trung tâm của Đài Loan – kể từ giữa năm 2020 các tàu hút bùn Trung Quốc được báo cáo “tụ hợp từng nhóm quanh đảo Matsu,” năm 2020 lực lượng tuần duyên Đài Loan đã đuổi 4.000 tàu hút bùn và tàu chuyển cát Trung Quốc ra khỏi vùng biển Đài Loan, tăng 560% so với năm trước.

Không chỉ đảo chính của Đài Loan bị chiến thuật cắt lát salami như vậy đe doạ, mà cả các hòn đảo xa xôi hẻo lánh của Đài Loan như Penghu, Matsu, Kinmen và Pratas cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Với dân cư thưa thớt và cách xa đảo chính, những nơi này dễ tổn thương trước những chiến dịch gây sức ép lớn hơn từ Trung Quốc, dù là với chiến thuật vùng xám hoặc một hoạt động được quân sự hoá hơn.

Liệu Washington có phản ứng quân sự nếu Trung quốc chiếm một trong những hòn đảo nhỏ không có người ở chỉ cách bờ biển Trung Quốc 10km? Điều gì sẽ xảy ra nếu không phải quân nhân mà là các ngư dân Trung Quốc dựng lều tạm trú ở đó? Liệu sẽ có phản ứng quân sự với một thay đổi phi quân sự nhỏ bé như vậy?

Không nên bỏ qua mối đe dọa chiến tranh từ Trung Quốc! Việc thống nhất với Đài Loan có thể là thời khắc mang lại vinh quang đối với bất cứ lãnh đạo Trung Quốc nào và PLA rõ ràng đang hướng tới một cuộc tấn công hòn đảo.

Nhưng việc xâm chiếm không phải là chiến lược duy nhất để Trung Quốc đạt mục đích. Đối với Đài Bắc và Washington, việc đặt ra kế hoạch ứng phó hiệu quả với chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc, đang dần thay đổi thực trạng và thay đổi nhận thức về chủ quyền và quyền tự trị, có thể gây ra nhiều áp lực hơn trong ngắn hạn.

Christian Le Miere (theo CNA)

Xem thêm: