Mới đây, New Zealand đã có động thái xem chừng đảo ngược cam kết trước đó với các đồng minh khi tuyên bố không tham gia lên tiếng các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc trong tư cách thuộc mạng lưới tình báo Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes). Từng có cựu chuyên gia về Trung Quốc của CIA Mỹ đề xuất loại New Zealand ra khỏi Liên minh này.

p2921541a407746325
Bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand (Nguồn: NATO / CC BY-NC-ND 2.0)

Theo Daily Mail (Anh) ngày 20/4, Ngoại trưởng Nanaia Mahuta của New Zealand cho biết New Zealand thấy “không thoải mái” khi gây sức ép lên Bắc Kinh, mong được bảo đảm quan hệ đối tác thương mại lớn nhất.

Liên minh Chia sẻ Tình báo, được chính thức thành lập trong Chiến tranh Lạnh, từ năm ngoái bắt đầu đưa ra các tuyên bố lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Tháng 5 năm ngoái, các Bộ trưởng Quốc phòng của Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand đã nhất trí về nhiệm vụ mở rộng “thúc đẩy các giá trị chung về dân chủ, tự do và tôn trọng nhân quyền”.

Năm 2018, cựu chuyên gia CIA về Trung Quốc là ông Peter Mattis cho biết, New Zealand “phủ nhận có các vấn đề (nhân quyền) khi nói về Trung Quốc”.

Sau một bài phát biểu về Trung Quốc, bà Mahuta xác nhận với các phóng viên rằng Wellington đã thông báo về sự thay đổi lập trường cho các thành viên khác của Liên minh Ngũ Nhãn. Bà nói: “Chúng tôi đã nêu vấn đề này với các đối tác của liên minh Liên minh Ngũ Nhãn, chúng tôi không hài lòng về việc mở rộng phạm vi của Liên minh, chúng tôi sẵn sàng tìm kiếm cơ hội từ nhiều bên để bày tỏ lợi ích của chúng tôi”.

Trung Quốc cáo buộc Liên minh Ngũ Nhãn có hành vi lôi kéo bè phái, ra tuyên bố về việc Bắc Kinh đối xử với Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương. Trong bài phát biểu hôm 20/4 của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã lên án các nước “ngạo mạn” can thiệp vào công việc của người khác.

Ông Tập Cận Bình không chỉ đích danh ai:

Các công việc quốc tế nên do các bên cùng bàn nhau giải quyết, tương lai và vận mệnh của thế giới là trách nhiệm chung của tất cả các nước, không nên mang quy tắc của một hoặc một số nước áp đặt cho nước khác, cũng không buộc toàn thế giới hướng theo chủ nghĩa đơn phương của một nước cá biệt nào”.

“Khi tương tác với nhau, các nước nên đặt sự bình đẳng, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau lên hàng đầu. Việc ngạo mạn chỉ đạo người khác và can thiệp vào công việc nội bộ là không được hoan nghênh”.

Bối cảnh của phát biểu là do Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt phối hợp đối với Bắc Kinh vì cáo buộc vi phạm nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong khi Bắc Kinh phủ nhận. Nhưng với những nước phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về thương mại như Úc và New Zealand thì không dễ để lên án vấn đề của nước láng giềng.

Mới đây, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc có liên quan đến Tân Cương, và dường như sai lầm khi Mỹ tự đưa Úc vào danh sách các nước tham gia áp đặt lệnh trừng phạt Bắc Kinh. Úc và New Zealand buộc phải tự lên tiếng rằng họ có quan tâm về vấn đề Tân Cương, nhưng không công bố các biện pháp trừng phạt của riêng họ.

Tháng 11 năm ngoái, sau khi Liên minh Ngũ Nhãn chỉ trích hành động của Bắc Kinh về Hồng Kông, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản hồi: “Dù họ là ‘Liên minh Ngũ Nhãn’ hay ‘Thập Nhãn’, chỉ cần họ dám làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh hoặc lợi ích phát triển của Trung Quốc, họ nên cẩn thận, để không bị chọc vào mắt”.

Bà Mahuta cho biết Wellington sẽ “không xem Liên minh Ngũ Nhãn là đầu mối liên hệ để gửi thông tin về một loạt các vấn đề thực sự tồn tại ngoài mục tiêu của Liên minh Ngũ Nhãn”.

Trong một tuyên bố với Reuters ngày 20/4, bà Mahuta cho biết rằng Liên minh Liên minh Ngũ Nhãn vẫn quan trọng trong hợp tác tình báo, cảnh sát, an ninh biên giới, quốc phòng và mạng internet.

Bà nói: “New Zealand thực sự hưởng lợi từ thỏa thuận này và sẽ tiếp tục tích cực hợp tác với Liên minh Ngũ Nhãn như thường. Trong một số lĩnh vực, sự phối hợp thông qua Liên minh Ngũ Nhãn là hữu ích; nhưng trong một số lĩnh vực khác, chẳng hạn như nhân quyền, chúng tôi hy vọng tìm kiếm một liên minh rộng lớn hơn của các quốc gia để thể hiện quan điểm”.

Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand cũng trả lời truyền thông rằng New Zealand “nhấn mạnh lại cam kết của chúng tôi trong quan hệ đối tác Liên minh Ngũ Nhãn”. Bà Ardern cũng cho biết có những trường hợp Liên minh Ngũ Nhãn sẽ đưa ra tuyên bố tập thể, trong khi cũng có những trường hợp New Zealand sẽ đưa ra tuyên bố cùng với Úc, hoặc đơn độc đưa ra tuyên bố.

Bà nói: “Không phải mọi vấn đề chúng tôi lên tiếng với tư cách là New Zealand đều là vấn đề an ninh và tình báo”.

Ngoại trưởng Marise Payne của Úc tới New Zealand vào ngày 21/4, là chuyến thăm ngoại giao đầu tiên giữa hai nước láng giềng kể từ khi biên giới được mở lại.

Năm 2018 khi làm chứng trước Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung, cựu chuyên gia về Trung Quốc của CIA là Mattis đã nêu ý kiến khả năng loại New Zealand khỏi mạng lưới Liên minh Ngũ Nhãn. Ông Mattis cho biết vào thời điểm đó: “Ở New Zealand, cả hai thế hệ Thủ tướng là Bill English và Ardern đều phủ nhận (Đảng Cộng sản Trung Quốc) có bất kỳ vấn đề nào. Để nhanh chóng đưa ra các khuyến nghị, tôi nghĩ ở một mức độ nào đó cần phải thảo luận về ‘Liên minh Ngũ Nhãn’ hay ‘Tứ Nhãn’, xem xét vấn đề chính trị quan trọng này, liệu có thể để New Zealand ở lại (trong liên minh) hay không”.

Ông nói: “Cần dùng những thuật ngữ để làm rõ, để Chính phủ New Zealand hiểu rõ hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu một số vấn đề mà họ gặp phải không được xem xét và giải quyết”.

Ông nói với ủy ban, “Úc và New Zealand đang phải đối mặt với những vấn đề lớn về sự can thiệp của nhà cầm quyền Bắc Kinh, họ đang tiếp cận hoặc thâm nhập vào cốt lõi chính trị của hai nước này”.

Liên minh Ngũ Nhãn là gì?

Nguồn gốc của Liên minh Ngũ Nhãn có thể truy về từ Thế chiến thứ Hai, khi những chuyên gia phá mã của Anh và Mỹ bắt đầu chia sẻ thông tin. Sau chiến tranh, Thủ tưởng Anh Churchill đề cập đến tầm quan trọng của “liên minh các nước nói tiếng Anh” trong việc ngăn chặn sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô.

Khi tình hình tiến triển thành Chiến tranh Lạnh, hệ thống giám sát ECHELON được Liên minh Ngũ Nhãn phát triển để theo dõi Liên Xô và các đồng minh Đông Âu, nhưng ngày nay đã giám sát thông tin liên lạc trên khắp thế giới. Cuối những năm 1990, sự tồn tại của ECHELON đã được công khai, cho thấy đó là một trong những mạng lưới tình báo toàn diện nhất xưa nay.

Trong “cuộc chiến chống khủng bố”, do lo ngại về việc các nước thành viên hoạt động ngoài vòng pháp luật, việc giám sát liên lạc của ECHELON đã trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Vào năm ngoái, ECHELON (tức Liên minh Ngũ Nhãn) đã mở rộng phạm vi quyền hạn, bắt đầu ban hành các tuyên bố thay mặt cho các thành viên của mình, sau đó đã mở rộng để “thúc đẩy các giá trị chung về dân chủ, tự do và tôn trọng nhân quyền”.

Các nước trong Liên minh Ngũ Nhãn có nguồn gốc lịch sử chung đều từng là một phần của Đế quốc Anh. Anh, Úc, New Zealand và Canada cũng là thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh; Mỹ, Canada và Anh cũng là thành viên của NATO.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: