Tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin hôm thứ Tư (28/4), chính quyền Trung Quốc rất có khả năng đã sử dụng lao động nô lệ trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương phía Tây Trung Quốc để sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời.

Embed from Getty Images

Theo Bitter Winter, hầu hết các tế bào quang điện (PVC) được sử dụng trong quy trình sản xuất các tấm pin mặt trời được làm từ các thành phần polysilicon. Khoảng 82% polysilicon trên thế giới “được sản xuất ở Trung Quốc, mà chủ yếu là ở Tân Cương”, tạp chí này nhấn mạnh, đồng thời trích dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố hôm 19/4.

“Hầu như tất cả các tấm pin mặt trời được sản xuất ở Trung Quốc đều sử dụng polysilicon do Tân Cương sản xuất. Nhưng trên thực tế, ngay cả các tấm pin mặt trời được sản xuất bên ngoài Trung Quốc, nếu chúng sử dụng polysilicon, thì đều có thể bao gồm polysilicon từ Tân Cương,” Bitter Winter viết.

“Bốn nhà máy ở Tân Cương chiếm tới một nửa sản lượng polysilicon của thế giới,” Bitter Winter nhận định dựa trên một bài báo ra ngày 13/4 của Bloomberg News.

“Báo cáo của Bloomberg cho thấy, các nhà máy polysilicon được đặt ở vị trí đáng ngờ, gần với các trại cải tạo giáo dục ở Tân Cương, và do đó các tù nhân rất có khả năng bị buộc phải làm việc ở đó,” tạp chí lưu ý thêm.

Các nhà chức trách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố, họ mở ra các “trại cải tạo giáo dục” ở Tân Cương nhằm tiến hành giáo dục chủ nghĩa Mác và dạy nghề cho người dân tộc Duy Ngô Nhĩ thiểu số sinh sống trên địa bàn này. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền và chính phủ nước ngoài cáo buộc ĐCSTQ đã cưỡng bức giam giữ 1-3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại tập trung kể từ năm 2017, thậm chí còn sử dụng lao động nô lệ chuyên để trồng trọt hoặc sản xuất nguyên liệu cho nhiều mặt hàng ở Trung Quốc, đặc biệt là bông. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã bị thuyên chuyển ra khỏi trại tập trung, sau đó bị bán làm nô lệ cho các nhà máy trên khắp đất nước.

“Bloomberg cũng dẫn lời nhà nghiên cứu Nathan Picarsic và Adrian Zenz. Họ đã phân tích dữ liệu của Trung Quốc về các nhà máy polysilicon và đi đến kết luận rằng lao động nô lệ đang làm việc ở đó,” Bitter Winter viết về mối liên hệ giữa các nhà máy polysilicon với lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ.

Tạp chí này kết luận: “Cả Bloomberg và CSIS đều nhận xét rằng người tiêu dùng rất khó biết liệu polysilicon sản xuất ở Tân Cương có được sử dụng trong các tấm pin mặt trời mà họ mua hay không. Nên biết rằng có, các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn, nhưng việc mua chúng rất có thể chính là đang tiếp tay cho một cuộc diệt chủng.”

“Và chắc chắn, các tấm pin mặt trời được sản xuất tại Trung Quốc đều bao gồm các thành phần do Tân Cương sản xuất, đó là điều gần như chắc chắn.”

Người Duy Ngô Nhĩ sinh sống tại khu vực Tân Cương phía Tây Trung Quốc là một nhóm dân tộc Hồi giáo dòng Sunni nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc từ Trung Á. Sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo giữa dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ bản địa và nhóm đa số người Hán cầm quyền tại khu vực này từ lâu đã gây ra căng thẳng sắc tộc âm ỉ giữa hai nhóm ở vùng biên cương.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đã cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc vào ngày 22/3 vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Các hành vi lạm dụng bao gồm cả việc ép buộc người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác thu hoạch bông thông qua lao động nô lệ. Chính quyền Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng đối với các quan chức và tổ chức chính phủ Anh vào ngày 26/3. 

Ngay sau đó, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài sử dụng bông Tân Cương cũng đã công khai chỉ trích điều kiện lao động nô lệ khắc nghiệt trong khu vực này. Phản ứng dữ dội đã dẫn đến một đòn trả đũa thứ cấp của Đảng cầm quyền của Trung Quốc. Chính quyền cộng sản đã chèn ép và xóa bỏ các thương hiệu nước ngoài chỉ trích bông Tân Cương khỏi mạng Internet Trung Quốc, bao gồm cả thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: