Trung Quốc sẽ có thể “vũ khí hoá” xuất khẩu thuốc và nguyên liệu tiền chất làm thuốc nếu Mỹ cắt đứt quyền tiếp cận của nước này với các loại chip máy tính trong bối cảnh an ninh chuỗi cung ứng trở thành một chủ đề chính trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Embed from Getty Images

Nước Mỹ phụ thuộc nặng nề vào thuốc nhập khẩu từ Trung Quốc, và đây là điều cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đều cam kết giải quyết sau khi đại dịch virus corona đã bộc lộ nhiều nhược điểm trong cung ứng dược phẩm và thiết bị y tế của đất nước.

Cả ông Trump và ông Biden đều cam kết chuyển việc sản xuất những vật phẩm y tế cơ bản trở lại nước Mỹ, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và nới lỏng phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài như Trung Quốc.

Dù Bắc Kinh còn chưa sử dụng dược phẩm để gây áp lực đối với Mỹ, nhà kinh tế học nổi danh của nước này Li Daokui đã nói rằng Trung Quốc có thể hạn chế Mỹ tiếp cận các loại thuốc nếu họ bị ép buộc trong việc mua chất bán dẫn, SCMP dẫn lại nhận định của cựu thành viên Uỷ ban cố vấn chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trả lời trên truyền thông địa phương.

“Đối với các vitamin và kháng sinh, hơn 90% nguyên liệu thô của họ được sản xuất ở Trung Quốc,” ông Li cho biết. “Mỹ chắc chắn sẽ không có khả năng sản xuất chúng trong ngắn hạn. Tất nhiên, chúng ta không khiêu chiến trước, nhưng nếu Mỹ dám chơi bẩn, chúng ta sẽ có những biện pháp đáp trả.”

Trong những tháng gần đây quan hệ Mỹ – Trung đã rơi xuống mức thấp nhất liên quan đến nhiều vấn đề, gồm thương mại, ngoại giao, đại dịch COVID-19 và Hồng Kông.

Bộ Thương mại Mỹ tuần trước tiếp tục hạn chế gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei tiếp cận công nghệ và phần mềm Mỹ, khiến cuộc chiến tranh công nghệ leo thang giữa hai cường quốc.

Để ngăn chặn việc lách kiểm soát xuất khẩu, cơ quan thương mại Mỹ đã bổ sung thêm 38 chi nhánh của Huawei trên khắp 21 quốc gia vào “danh sách thực thể” nhằm hạn chế việc bán công nghệ chủ chốt của Mỹ cho các công ty Trung Quốc này.

Ông Li, người đồng thời là giáo sư tài chính Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục “ngăn chặn” quyền tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ bằng cách tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại các công ty như Huawei, nhưng hoàn toàn cắt đứt các công ty Trung Quốc khỏi nguồn cung ứng chip là một “lựa chọn hạt nhân” của Mỹ.

“Làm gián đoạn nền kinh tế Trung Quốc tương đương với gây chiến với người Trung Quốc về vấn đề lương thực. Khi đó Trung Quốc sẽ kiếm chuyện với Mỹ về cung ứng thuốc, phải vậy không?” ông nói.

Làm thế nào chỉ vài công ty Mỹ có thể khiến chuỗi cung ứng của Huawei tê liệt?

Theo ông Li, Trung Quốc cũng nên chuẩn bị cho rủi ro “rất thực tế” là Mỹ có thể cắt con đường tiếp cận của các ngân hàng Trung Quốc vào hệ thống SWIFT quốc tế. Do vậy, các ngân hàng Trung Quốc đang sửa đổi các kế hoạch đối phó với những sự cố bất ngờ trong trường hợp họ bị ngăn không được sử dụng hệ thống này.

Ông Li cũng cho rằng việc gạt các ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống SWIFT sẽ là “khủng bố về kinh tế” và hai bên cần trao đổi với nhau.

“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng nếu bạn vô lý, chúng tôi sẽ đấu tranh với bạn tới cùng bằng mọi giá,” ông nói.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh Fox News, ông Trump nói Mỹ sẽ “tách rời” khỏi Trung Quốc nếu “họ không đối xử với chúng tôi đúng đắn”. Chiến dịch tái tranh cử của ông Trump đã biến việc “kết thúc sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc” thành một phần quan trọng trong cương lĩnh chính trị.

Trong khi đó, các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của cả hai nước đã tổ chức các cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên kể từ khi ký Hiệp ước Thương mại giai đoạn I hồi tháng Giêng vào hôm thứ Ba (25/8) vừa qua. Cuộc họp được miêu tả là điểm sáng mang tính xây dựng còn lại duy nhất trong quan hệ đang rạn nứt giữa hai siêu cường.

Theo đó, cả hai bên đều hứa hẹn thúc đẩy thực hiện thỏa thuận thương mại.

Theo ông Li, quan hệ Mỹ – Trung trong tương lai sẽ là “kỷ nguyên của cuộc chơi căng thẳng” mà có thể vượt xa những khái niệm đơn giản như “tách rời”.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: