Theo New York Post, Trung Quốc đang giữ một danh sách theo dõi gần 700 người nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Mỹ, đã đi qua sân bay chính ở Thượng Hải. Danh sách này bao gồm các nhân viên chính phủ, giám đốc điều hành doanh nghiệp và thậm chí có cả những người nổi tiếng.

Embed from Getty Images

700 người nước ngoài đi qua sân bay Thượng Hải từ năm 2018-2020 đã bị Trung Quốc đưa vào danh sách theo dõi (Ảnh minh họa: Getty Images)

Công ty an ninh mạng Internet 2.0 có trụ sở tại Úc đã truy cập được vào cơ sở dữ liệu của Trung Quốc, phát hiện thấy một bảng thống kê tên của 697 công dân Mỹ, trong đó có cả một số trẻ em, từng đi qua Sân bay Quốc tế Phố Đông từ năm 2018 đến năm 2020. Danh sách mà công ty này tiết lộ cho New York Post xuất hiện tên của nhiều giám đốc điều hành tài chính, công nghệ và sinh trắc học từ các công ty như Apple, Microsoft, Merrill Lynch và Pfizer. Danh sách cũng có tên của ca sĩ đoạt giải Grammy Ashanti Shequoiya Douglas, cô đã đi qua sân bay này hồi tháng 8/2018.

Ngoài ra, danh sách theo dõi này còn có tên một nhân viên Bộ Ngoại giao thuộc Văn phòng Các vấn đề Tổ chức Quốc tế, một quản lý cấp cao tại Đại học New York Thượng Hải cùng một số nhà nghiên cứu và giáo sư khác tại các cơ sở giáo dục của Mỹ.

Công ty Úc Internet 2.0 nhận định, cơ sở dữ liệu này khiến chúng ta có “một góc nhìn chưa từng thấy về cách mà Trung Quốc xây dựng hệ thống giám sát của mình thông qua công nghệ, cũng như cách họ sử dụng dữ liệu như một phương tiện kiểm soát”.

Đồng giám đốc điều hành của công ty, hai ông Robert Potter và David Robinson, nói thêm rằng “Hệ thống này khiến chúng ta thấy rõ tham vọng của Trung Quốc trong việc thu thập bất kể những gì họ có thể, áp đặt ý chí của họ trong phạm vi quyền hạn của mình và vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư và trách nhiệm giải trình.”

Tờ New York Post cũng lưu ý: “Không rõ tại sao những người Mỹ trong danh sách nói trên của Trung Quốc lại bị ‘gắn cờ theo dõi’ khi đi qua trạm kiểm tra nhập cảnh tại sân bay. Các chuyên gia cũng không chắc liệu những du khách bị [chính quyền Trung Quốc chủ đích nhắm tới] để đưa vào cơ sở dữ liệu hay chỉ bị quét trong một chiến dịch giám sát rộng hơn.”

Danh sách này bao gồm đa số người Mỹ, ngoài ra còn có 161 người Úc, hơn 100 người Anh. Cơ sở dữ liệu Internet 2.0 truy cập vào cũng có danh sách đen liệt kê hàng nghìn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị thẩm vấn hoặc tra hỏi, trong đó nhiều người bị coi là phần tử “khủng bố”.

Internet 2.0 khẳng định, điều này minh họa “cách Trung Quốc xóa nhòa ranh giới giữa luật pháp và trật tự, chống khủng bố và tội phạm chính trị”.

Bà Samantha Hoffman thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, nói với Đài ABC của Úc rằng bà ấy đã thấy các cơ sở dữ liệu tương tự: “Tôi đã thấy bằng chứng về việc một loại hệ thống tương tự đang được phát triển ở các tỉnh và thành phố khác trên khắp Trung Quốc theo cách chuẩn hóa.”

“Mặc dù dữ liệu này hiển thị thông tin trong một khoảng thời gian giới hạn, nhưng nó cho thấy cách mà người nước ngoài chịu sự giám sát của Trung Quốc và có thể bị bắt giữ trong khi họ đi qua đất nước này, ngay cả khi hệ thống đó chưa được thiết lập đầy đủ.”

Minh Ngọc

Xem thêm: