Các chính phủ nước ngoài đã đưa ra phản ứng trái chiều trước lượng du khách Trung Quốc dự kiến sẽ đổ đến sau quyết định dỡ bỏ hạn chế đi lại của Bắc Kinh vào đầu tháng tới.

Embed from Getty Images

Ít nhất 7 quốc gia đã công bố những hạn chế mới đối với những khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc đại lục, nhưng các quốc gia khác đã phát động hoặc đẩy mạnh các chiến dịch nhằm thu hút du khách Trung Quốc với các khẩu hiệu như “Chờ các bạn” hoặc “Chờ gặp các bạn”.

Các ủy ban du lịch ở nhiều nước châu Âu, cũng như Úc và New Zealand, nằm trong số những bên đang cố gắng thu hút du khách trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ủy ban du lịch của Tây Ban Nha đã đăng những bức ảnh về Barcelona với khẩu hiệu có nội dung: “Sau ba năm, Tây Ban Nha cuối cùng đã chờ đợi được các bạn!”, trong khi các bài đăng tương tự được thực hiện bởi các quốc gia khác, bao gồm Na Uy, Áo, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Hashtag “nhiều quốc gia đã đăng trên Weibo để chào đón khách du lịch Trung Quốc” đã trở thành xu hướng và đạt hơn 2,3 triệu lượt xem trên nền tảng tính đến trưa thứ Năm.

Hôm thứ Ba, một bài đăng từ đại sứ quán Pháp có nội dung “Gửi những người bạn Trung Quốc, Pháp chào đón các bạn với vòng tay rộng mở” đã nhận được phản ứng tích cực trên mạng, thu hút những bình luận như “những người bạn Pháp cũng được chào đón như khách khi du lịch ở Trung Quốc”.

Những người dùng web khác khi đó đã so sánh cách tiếp cận của Pháp với cách tiếp cận của Mỹ, Nhật Bản và Ý, những nước hiện bắt buộc khách du lịch từ Trung Quốc phải xét nghiệm trước hoặc khi đến nơi.

Nhật Bản là nước đầu tiên công bố các hạn chế, yêu cầu tất cả những người Trung Quốc đến phải xét nghiệm COVID. Mỹ cũng có động thái tương tự, theo đó việc xét nghiệm sẽ được yêu cầu đối với hành khách đến từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 5/1, do “thiếu dữ liệu minh bạch” về đợt bùng phát hiện tại.

Chính quyền Ý cho biết họ sẽ bắt đầu xét nghiệm tất cả những người đến từ Trung Quốc sau khi gần một nửa số hành khách trên hai chuyến bay đến Milan bị phát hiện nhiễm virus. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn cũng có thể được áp dụng nếu các cuộc xét nghiệm ở Milan cho thấy có các biến thể mới.

Trong khi đó, Ấn Độ hiện yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Thái Lan; Đài Loan cũng sẽ bắt đầu xét nghiệm những người đến từ đại lục.

Hôm 30/12, Pháp sau khi chào mừng du khách Trung Quốc, cũng tuyên bố việc xét nghiệm COVID-19 sẽ phải được thực hiện trong vòng chưa đầy 48 giờ trước khi khởi hành và sẽ được yêu cầu đối với hành khách đi trên các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc và những chuyến bay có điểm quá cảnh ở nước này.

Trong khi đó, Indonesia và Philippines cho biết họ không có kế hoạch áp đặt thêm các hạn chế đối với du khách Trung Quốc, sau đó nói rằng họ cần mở cửa nền kinh tế và không cần thiết phải đóng cửa biên giới của đất nước.

Các cách tiếp cận khác nhau làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà phần còn lại của thế giới phải đối mặt khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế.

Vào Chủ nhật, Bắc Kinh tuyên bố rằng bắt đầu từ ngày 8/1, các giới hạn về số lượng chuyến bay chở khách quốc tế sẽ được gỡ bỏ và chính quyền sẽ bắt đầu gia hạn hộ chiếu và giấy phép đến thăm Hồng Kông và Ma Cao sau gần ba năm hạn chế chặt chẽ.

Những thay đổi này dự kiến sẽ thúc đẩy du lịch nước ngoài, cũng như giúp mọi người vào Trung Quốc đại lục dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh gia tăng kỳ lục sau khi nhiều biện pháp hạn chế nội bộ được dỡ bỏ và ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự lây lan nhanh chóng của virus có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới.

Quy mô thực sự của đợt bùng phát cũng rất khó đánh giá. Chính quyền Trung Quốc đã ngừng công bố các con số lây nhiễm, nói rằng quy mô của đợt bùng phát hiện “không thể” theo dõi và thu hẹp định nghĩa về số ca tử vong do Covid, nghĩa là nhiều người chết sau khi bị nhiễm bệnh sẽ không còn được tính.

Tuy nhiên, số liệu chính thức của chính phủ ước tính rằng gần 37 triệu người đã bị nhiễm bệnh trong một ngày vào tuần trước.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, Trung Quốc là quốc gia chi tiêu lớn cho du lịch toàn cầu trước khi đại dịch xảy ra, chiếm 255 tỷ USD, tương đương gần 20%, tổng chi tiêu du lịch nước ngoài vào năm 2019.

Con số này giảm một nửa xuống còn 131 tỷ USD vào năm sau và giảm tiếp xuống còn 106 tỷ USD vào năm 2021.

Hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong ngày thứ hai liên tiếp đã kêu gọi các chính phủ nước ngoài áp dụng cách tiếp cận khoa học và đối xử bình đẳng với tất cả du khách.

Ngân Hà (theo SCMP)