Ngày 22/3, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua đại sứ quán của mình ở Ottawa, đã cáo buộc Canada tội diệt chủng nhằm đáp trả việc quốc hội của quốc gia này bỏ phiếu công nhận Trung Quốc phạm tội diệt chủng đối với các nhóm dân tộc thiểu số theo đạo Hồi.

Embed from Getty Images

Các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà nghiên cứu đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy ĐCSTQ đã xây dựng hơn 1.000 trại tập trung cho người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một khu vực mà tiếng Quan thoại, ngôn ngữ của Bắc Kinh, không được sử dụng phổ biến và dân bản địa cũng không phải người Hán (dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc).

Những người sống sót trong các trại tập trung đó đã mô tả lại hàng loạt các hành vi đàn áp nhân quyền tàn bạo mà họ phải chịu đựng trong khi bị giam giữ, bao gồm tra tấn, cưỡng hiếp có hệ thống, sàng lọc để mổ cướp nội tạng sống và lao động nô lệ. Nhiều người phụ nữ còn bị chính quyền cưỡng bức triệt sản, thậm chí giết chết những đứa con trong bụng và trẻ sơ sinh của họ.

Trong khi đó, Chính quyền Trung Quốc khẳng định rằng các trại tập trung này là trung tâm “đào tạo nghề”, nơi mà người dân nghèo được giáo dục miễn phí để giúp họ có thể tìm được việc làm.

Hôm thứ Hai (22/2), Quốc hội Canada đã ban hành một nghị quyết không ràng buộc, trong đó nhận định rằng, những hành động mà ĐCSTQ đã thực hiện ở Tân Cương đã cấu thành tội ác diệt chủng. Thủ tướng cánh tả Justin Trudeau và đại đa số nội các của ông đã bỏ phiếu trắng.

Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa đã khẳng định rằng Canada mới phạm tội diệt chủng, chứ không phải Trung Quốc.

Tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc đăng tin dẫn lời một phát ngôn viên của đại sứ quán cho biết: “Nói về nạn diệt chủng, Canada nên đặt tay lên trái tim và suy ngẫm về lịch sử bi thảm của người dân bản địa.”

Nhận xét dường như ám chỉ đến việc ông Trudeau nhiều lần nói lời xin lỗi chính thức đối với các cộng đồng bản địa Canada về những sai lầm lịch sử được quy cho chính phủ Canada.

Năm 2017, ông Trudeau đã xin lỗi vì việc trẻ em bản địa bị tách khỏi gia đình để được đi học theo chính sách kéo dài hơn một thế kỷ của chính phủ. Hai năm sau, ông Trudeau tiếp tục xin lỗi người Inuit vì các chính sách “thuộc địa” khiến họ phải chịu nhiều bất hạnh.

Ông Trudeau cũng từng bị cáo buộc tham gia vào một số trường hợp phân biệt chủng tộc, trong đó ông hóa trang bôi “mặt đen”, màu sơn vốn được sử dụng để chế nhạo những người có làn da sẫm màu. Đối với vụ việc này, bản thân ông Trudeau thừa nhận rằng ông đã hóa trang “mặt đen” nhiều lần đến nỗi không nhớ được hết tất cả những lần đó.

Đáng chú ý, việc hóa trang “mặt đen” cũng nhiều lần xuất hiện trong các chương trình giải trí của chính quyền Trung Quốc, nổi bật nhất là trong một chương trình tạp kỹ Tết Nguyên đán hàng năm do CCTV sản xuất.

Phát biểu trước việc Canada lên án hành động diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc nói thêm rằng: “Các vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải về nhân quyền, sắc tộc hay tôn giáo, mà là chống bạo lực, chống khủng bố và chống chủ nghĩa ly khai.” Ông này còn lập luận rằng những người Duy Ngô Nhĩ không được đưa đến các trại có xu hướng tham gia vào khủng bố. Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh tuyên bố này trong suốt nhiều năm mà không đưa ra bằng chứng chứng minh rằng người Duy Ngô Nhĩ dễ bị truyền bá tư tưởng khủng bố hơn người Hán.

Phát ngôn của viên Đại sứ quán Trung Quốc cũng cáo buộc các nhà lập pháp Canada bỏ phiếu ủng hộ việc công nhận tội ác diệt chủng của Trung Quốc là “đạo đức giả và vô liêm sỉ”.

Phát ngôn viên kết luận: “Động thái của Canada sẽ không thành công và chúng tôi kêu gọi các chính trị gia đó công nhận thực tế và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, ngừng tìm kiếm lợi ích cá nhân thông qua các vấn đề Tân Cương và dừng ngay trò hề chống Trung Quốc.”

Hôm thứ Hai (22/2), đa số các nhà lập pháp Canada đã bỏ phiếu quyết định công nhận nạn diệt chủng ở Tân Cương, mặc dù ông Trudeau và hầu hết nội các của ông đều không có mặt trong cuộc bỏ phiếu. Không có nhà lập pháp nào bỏ phiếu chống phản đối tuyên bố diệt chủng. Quốc hội cũng kêu gọi chính phủ Canada tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Hành động này được những người ủng hộ nhân quyền trên khắp thế giới đã và đang thúc đẩy, nhằm đấu tranh cho người Duy Ngô Nhĩ cũng như nhiều dân tộc thiểu số bị đàn áp có hệ thống tại Trung Quốc.

Tuyên bố của Quốc hội Canada đồng thuận với khẳng định của cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và người kế nhiệm của ông, Ngoại trưởng đương nhiệm Antony Blinken, rằng các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương đã cấu thành tội diệt chủng. 

Tuy nhiên, kể từ khi ông Blinken kêu gọi các hành động chống lại nạn diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ vào tháng 1/2021, ông Joe Biden dường như lại đi theo hướng ngược lại khi nhận định rằng nhà độc tài Tập Cận Bình coi việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là cần thiết để tiến tới một “Trung Quốc thống nhất, được kiểm soát chặt chẽ”.

Áp lực yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp người dân ở Tân Cương đã gia tăng đáng kể sau khi BBC công bố một báo cáo, trong đó các nhân chứng đã ghi lại những hành vi ngược đãi mà họ phải chịu đựng trong các trại tập trung của Trung Quốc, như việc lính canh người Hán sử dụng roi điện để cưỡng hiếp phụ nữ và đồng thời sốc điện họ. Một số phụ nữ còn cho biết, họ buộc phải trói những phụ nữ khác lên giường để những người đàn ông vốn không quen biết có thể đến trại tập trung hàng đêm và tiến hành cưỡng hiếp tập thể. Nhiều bằng chứng cũng đã tiết lộ việc cưỡng bức triệt sản và phá thai đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, một thủ đoạn mà các chuyên gia pháp lý quốc tế coi là một hình thức diệt chủng.

Về phía Trung Quốc, chính quyền Đảng Cộng sản đã đáp trả cáo buộc bằng cách khẳng định rằng tất cả những ai chia sẻ trải nghiệm sau khi đào thoát khỏi trại tập trung đều là diễn viên được thuê.

Cùng ngày 22/2, Đảng Cộng sản địa phương Tân Cương đã tổ chức một cuộc họp báo, trong đó nhấn mạnh tất cả các báo cáo về Tân Cương đều là “những lời bôi nhọ trắng trợn” và thậm chí còn đưa ra các nhân chứng ca ngợi “các trung tâm dạy nghề”.

Minh Ngọc (Theo Breitbart)

Xem thêm: