Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc của nước này sau khi Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken lên tiếng phản đối các án tù dành cho các nhà hoạt động Hồng Kông, những người đã bị bắt và bị buộc tội vì các hoạt động ủng hộ dân chủ.

Embed from Getty Images

Ông Blinken yêu cầu chính quyền Hồng Kông hủy bỏ các cáo buộc đối với những người này “chỉ vì [họ] lên tiếng ủng hộ bầu cử hoặc bày tỏ quan điểm bất đồng” khi cảnh sát Hồng Kông đàn áp những người bất đồng chính kiến. Hàng trăm nghìn người biểu tình tại Đặc khu này đã tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ 2019.

Hôm thứ Sáu (28/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ngắn: “Thay vì quan tâm đến nền dân chủ Hồng Kông và quyền của người dân Hồng Kông, điều họ [Hoa Kỳ] đang làm là can thiệp vào nền chính trị Hồng Kông và công việc nội bộ của Trung Quốc.” Ông Triệu còn nói rằng Hoa Kỳ đã đưa ra “lời bôi nhọ trắng trợn” đối với luật pháp của Trung Quốc vốn nhằm “cải thiện” hệ thống bầu cử tại Hồng Kông.

Theo Associated Press (AP), ngày 27/5 cơ quan lập pháp Hồng Kông đã thông qua một dự luật hạn chế số lượng các vị trí trong cơ quan lập pháp được bầu trực tiếp, nhưng lại tăng số ghế do một ủy ban thân bắc kinh của cơ quan này phê chuẩn.

Mới đây, ngày 28/5, ông trùm truyền thông Hồng Kông và là một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ mạnh mẽ Jimmy Lai đã bị kết án thêm một án tù giam nữa vì vai trò của ông trong một cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019, khi chính quyền tăng cường việc đàn áp những người bất đồng chính kiến tại Đặc khu. 

Ông Lai và chín người khác đã bị buộc tội kích động người dân tham gia một cuộc tụ tập trái phép khi họ xuống đường cùng với hàng nghìn người dân Hồng Kông vào ngày 1/10/2019 để phản đối việc làm suy yếu các quyền tự do chính trị tại Hồng Kông. Cả 10 người dều bị kết tội tổ chức cuộc tụ tập trái phép.

Ông Lai, 73 tuổi, đã bị kết án 14 tháng tù giam. Ông hiện đang thi hành một bản án khác với mức xử phạt 14 tháng tù giam vào đầu năm nay, cũng liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019. Thời điểm đó, hàng trăm nghìn người dân Hồng Kông đã liên tục xuống đường gây ra thách thức lớn nhất đối với Bắc Kinh kể từ khi Đặc khu này được Anh trao lại cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997. Bắc Kinh cam kết rằng vùng lãnh thổ này có thể duy trì các quyền tự do của mình vốn không được hưởng tại Trung Quốc đại lục trong 50 năm.

Với hai bản án cộng lại, ông Lai sẽ phải thụ án tổng cộng 20 tháng tù giam.

Là nhà sáng lập tờ The Apple Daily của Hồng kông, một tờ báo ủng hộ dân chủ, ông Lai cũng đang bị điều tra vì tình nghi thông đồng với các thế lực nước ngoài để can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc của Bắc Kinh áp đặt lên Đặc khu này hồi năm ngoái.

Cùng nhận án tù 18 tháng mỗi người là hai cựu nghị sĩ Albert Ho và Leung Kwok-hung, cũng như cựu nghị sĩ đồng thời là một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Lee Cheuk-yan, người đã giúp tổ chức các buổi cầu nguyện dưới ánh nến hàng năm ở Hồng Hồng để tưởng niệm cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989.

Ông Figo Chan, người đứng đầu một tổ chức chính trị nổi tiếng với việc tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tại Đặc khu, cũng nhận bản án 18 tháng tù giam.

Ba nhà hoạt động Yeung Sum, Cyd Ho và Avery Ng, mỗi người nhận 14 tháng tù giam. Hai người khác, Richard Tsoi và Sin Chung-kai, đã được đình chỉ kết án tù.

Một số nhà hoạt động đang chấp hành án tù cho các bản án trước đây và sẽ tiếp tục chấp hành một phần các bản án mới của họ tiếp theo sau thời hạn tù hiện tại của họ.

Trong năm qua, Bắc Kinh đã hạn chế các quyền tự do dân sự của người dân Hồng Kông để đáp trả các cuộc biểu tình. Chính quyền Hồng Kông đã bắt giữ và buộc tội hầu hết những người vận động ủng hộ dân chủ tại Đặc khu, bao gồm anh Joshua Wong, một thủ lĩnh sinh viên trong các cuộc biểu tình năm 2014. Hàng chục nhà hoạt động khác đã trốn ra nước ngoài.

Dự luật được cơ quan lập pháp Hồng Kông thông qua cũng đảm bảo rằng chỉ “những người yêu nước” mới có thể ứng cử vào các vị trí đại diện cho công chúng.

Hôm thứ Năm (27/5) các nhà tổ chức cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp cảnh sát Hồng Kông cấm tổ chức buổi lễ cầu nguyện dưới ánh nến ngày 4/6 để tưởng nhớ cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 với lý do các hạn chế giãn cách xã hội do đại dịch virus corona. Bộ trưởng an ninh Hồng Kông cảnh báo người dân rằng việc tham gia các cuộc tụ tập trái phép là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định.

Gia Huy

Xem thêm: