Theo một báo cáo của tổ chức Eurasia Group Foundation, ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ đang suy giảm, bởi vì số lượng người được khảo sát trên toàn cầu có quan điểm “rất tích cực” về ảnh hưởng của Mỹ đã giảm khoảng 20% trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.

Sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ thể hiện rõ ràng nhất ở các quốc gia Trung Đông và châu Phi, những nước tạo điều kiện cho chế độ cộng sản Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của họ.

Phát biểu trước các nhà lập pháp của châu Phi tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến xu hướng này: “Cả hai chúng ta đều ủng hộ con đường phát triển phù hợp với các điều kiện của quốc gia chúng ta và cả hai đều cam kết bảo vệ các quyền và lợi ích của các nước đang phát triển. Cả hai chúng ta đều phản đối việc can thiệp vào công việc đối nội, phân biệt chủng tộc và các lệnh trừng phạt đơn phương.”

Trong thập kỷ qua, những khu này đã chứng kiến đồng thời sự sụt giảm ảnh hưởng của Mỹ và sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc. Năm 2010, 81% người được khảo sát ở Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, có quan điểm ủng hộ Hoa Kỳ, so với chỉ 62% vào năm 2019.

Embed from Getty Images

Trong cùng thời gian đó, kim ngạch thương mại Trung Quốc – châu Phi đã tăng hơn gấp đôi từ mức khoảng 115 tỷ đô la năm 2010 lên mức 254 tỷ đô la vào năm 2021.

Các nghiên cứu được tiến hành ở Trung Đông cũng cho thấy xu hướng tương tự. Quan điểm tiêu cực về Hoa Kỳ ở khu vực này đã tăng mạnh, chủ yếu là do chính sách can thiệp của Hoa Kỳ vào những nơi như Afghanistan và đặc biệt, nhiều quốc gia ở khu vực này cảm thấy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ngày càng “đạo đức giả”.

Trích dẫn các nghiên cứu của Pew Research và Arab Barometer khi phát biểu với tờ Newsweek, ông Sarwar Kashmeri, giáo sư trợ giảng và là giảng viên của Hiệp hội Chính sách Đối ngoại, cho hay: “Ở Algeria, chỉ 13% tin rằng đầu tư của Trung Quốc là mối đe dọa, trong khi 31% tin rằng đầu tư của Hoa Kỳ là mối đe dọa nội bộ.”

Ông tiếp tục: “Ở Jordan, một đồng minh khác của Mỹ, chỉ 15% tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa so với 26% tin rằng Hoa Kỳ là mối đe dọa. Cuối cùng ở Lebanon, 26% tin rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc là mối nguy hiểm tiềm tàng so với 47% khi được hỏi về các khoản đầu tư của Mỹ.”

Giáo sư Kashmeri nhận định: “Ba thập kỷ qua, sự can dự của Hoa Kỳ vào thế giới mang tính chất khiêu khích quân sự.” Đồng thời ông cho rằng, cách tiếp cận này của Hoa Kỳ khiến nhiều nước xa lánh và cản trở tinh thần hợp tác quốc tế.

Mặc dù Mỹ tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng đối với nhiều nước châu Phi và Trung Đông, nhưng xu hướng thay đổi quan điểm đối với Mỹ ở những quốc gia này là nguyên nhân gây lo ngại đối với Hoa Kỳ, bởi vì Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các loại  nông sản, dầu thô và các nguyên liệu thô chiến lược khác từ các quốc gia này.

Trong chuyến viếng thăm chính thức Nigeria vào tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh: “Sự tham dự của chúng tôi ở châu Phi không phải vì Trung Quốc hay bất kỳ bên thứ ba nào khác. Đó là vì châu Phi.”

Phát biểu tại Senegal, Ngoại trưởng Blinken lưu ý: “Mục đích của chúng tôi không phải bắt các đối tác của chúng tôi lựa chọn, mà là cung cấp cho họ các lựa chọn. Và khi mọi người có nhiều lựa chọn, họ thường đưa ra lựa chọn đúng.”

Uy tín của Hoa Kỳ đang suy giảm ở cả hai khu vực này đã tạo ra nhiều cơ hội cho cạnh tranh. Trung Quốc đã nhanh chóng lợi dụng các cơ hội đó, bởi vì nhiều quốc gia trong khu vực bày tỏ mong muốn có một kỷ nguyên ngoại giao quốc tế mới.

Ông Charles W. Freeman, cựu chủ tịch Hội đồng Chính sách Trung Đông nhận xét: “Các dân tộc trong khu vực có chung mong muốn tự do khỏi sự thống trị của đế quốc hoặc thực dân và mong muốn khẳng định bản sắc tôn giáo, dân tộc và văn hóa khác biệt của họ.”

So với các quốc gia phương Tây thường kỳ thị và hạn chế hợp tác với các chính phủ độc tài ở châu Phi và Trung Đông, chính phủ cộng sản Trung Quốc lại tỏ ra sẵn sàng chủ động tham gia trao đổi cả về kinh tế và văn hóa.

Ông W. Hyude Moore, cựu quan chức Liberia và là giảng viên chính về chính sách của Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho biết: “Bản thân Trung Quốc không lâu trước đó đã ở trong tình trạng đói nghèo tương tự. [Do đó] các tình huống của chúng tôi có thể lạ lẫm đối với người châu Âu, nhưng người Trung Quốc lại rất quen thuộc với bối cảnh này.”

Trong khi phần lớn thương mại của Hoa Kỳ với Trung Đông và châu Phi được thúc đẩy bởi việc nhập khẩu các loại nguyên liệu và tài nguyên khô, sự hợp tác của Trung Quốc ở những khu vực này lại có xu hướng trao đổi các nguyên liệu thô của những nước này để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc thực hiện và hàng tiêu dùng giá rẻ do Trung Quốc sản xuất.

Năm 2021, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã đạt tổng cộng 254 tỷ đô la, trong khi thương mại với các nước Vùng Vịnh đạt mức 240 tỷ đô la. Các con số này của Trung Quốc liên tục tăng lên hàng năm, trong khi số lượng thương mại của Mỹ ở các khu vực này lại giảm đều đặn.

Ông Moore tiết lộ, cả hai khu vực này đều có những khoảng trống lớn về cơ sở hạ tầng và công nghệ cần được lấp đầy, và Trung Quốc đã đưa ra những thỏa thuận tốt hơn để thực hiện điều đó.

Theo ông Moore, chính phủ và công ty các nước phương Tây thường do dự khi đầu tư vào các khu vực và quốc gia mà họ coi là “rủi ro cao.” Ngược lại, người Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận “không can thiệp”, vốn cho phép họ đầu tư trong thời gian dài hơn.

Ông Moore nhận xét: “Phương Tây có nhận thức về châu Phi là nơi rủi ro [cao] để kinh doanh và đầu tư. Nhận thức về rủi ro đó có nghĩa là phương Tây không còn quan tâm đến việc đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng.”

Ông nói tiếp: “Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc lại thèm muốn những rủi ro của châu Phi và đã cung cấp những thứ mà châu Phi cần, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.”

Không giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc thực hiện đầu tư vào các nước này mà không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về dân chủ tự do. Do đó, chế độ cộng sản Trung Quốc không có sự dè dặt nào khi giao dịch với các chế độ có hồ sơ đáng ngờ trong việc bảo vệ các giá trị dân chủ quan trọng.

Giáo sư Kashmeri nhấn mạnh với Newsweek: “Không giống như Mỹ, Quốc gia muốn các đối tác thương mại trở thành một phần trong trật tự thế giới tự do – báo chí tự do, bầu cử tự do, dân chủ tự do – Trung Quốc thực sự không quan tâm đến điều đó. Họ [Trung Quốc] nhìn thấy phần lớn dân số Trung Đông là người trẻ, và [do đó họ] chủ yếu suy nghĩ: Làm thế nào chúng ta có thể bán hàng cho họ?”

Ông giải thích: “Người Trung Quốc giúp xây dựng cầu và đường, và không can dự vào bất kỳ nguyện vọng chính trị hay quân sự nào của họ. Kinh doanh chính của Trung Quốc là kinh doanh, và đó là lý do quan trọng giải thích cho sự mở rộng nhanh chóng của họ.”

Mặc dù quan hệ đối tác giữa các nước châu Phi, các quốc gia Trung Đông và Trung Quốc không phải hoàn hảo, nhưng trên thực tế nhiều nước thích cách tiếp cận mới này hơn cách làm cũ.

Ông Moore cho biết: “Các giao dịch với Trung Quốc không phải là lý tưởng trong tất cả các giao dịch có thể có. Tuy nhiên, chúng thường là những thứ hợp lý duy nhất được đưa ra để thảo luận, và miễn là không có đối thủ cạnh tranh về tài chính, chúng tôi [thường] chọn những gì người Trung Quốc trình bày.”

Theo ông, đây là lần đầu tiên trong ký ức gần đây người châu Phi nhìn thấy kết quả trực tiếp từ việc xuất khẩu của họ.

Ông Moore nêu chi tiết: “Khi người Trung Quốc đến và bắt đầu xây dựng đường xá và các trạm lọc nước, lần đầu tiên người dân có thể nhìn thấy mối quan hệ trực tiếp giữa các nguồn tài nguyên rời khỏi đất nước của họ và lợi ích vật chất mang lại cho dân chúng.”

Ông kết luận: “Hầu hết người phương Tây lại không đánh giá cao điều này.”

Gia Huy (Theo Newsweek)

Xem thêm: