Ngày 13/6, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố, số lượng “tình nguyện viên” hiến tạng hiện tại ở nước này tăng gấp 100 lần so với năm 2015, ngay trước thời điểm Trung Quốc bắt đầu xây dựng các trại tập trung cho người dân tộc thiểu số.

Giới Y học Đài Loan: Quyết không đồng lõa với tội ác mổ cướp nội tạng

Thời báo Hoàn cầu đã không ngớt lời tán dương “phép màu” này, đặc biệt nhấn mạnh sự gia tăng số lượng người tình nguyện hiến tạng kể từ khi đợt bùng phát đầu tiên của virus coronavirus ở trung tâm thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019. Trong khi đó, báo cáo nhân quyền công bố năm ngoái nhận định, hoạt động mổ cướp tạng sống từ tù nhân chính trị nhiều khả năng đã gia tăng trong nỗ lực tiến hành cấy ghép phổi cho bệnh nhân nhiễm virus corona.

Thời báo Hoàn cầu đưa tin: “Tính đến ngày 11/6, hơn 1,77 triệu người đã đăng ký làm tình nguyện viên hiến tạng tại Quỹ Phát triển Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc (COTDF), một tổ chức do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hỗ trợ. Con số này phản ánh mức tăng khoảng 46,5% so với cuối năm 2019, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, theo một báo cáo do COTDF công bố tại một hội nghị hôm thứ 11/6 được tổ chức ở Diên An, tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc.”

“Con số này cũng cao gấp 100 lần so với đầu năm 2015, khi mà việc hiến tạng tự nguyện của công dân sau khi qua đời chính thức trở thành kênh ghép tạng hợp pháp duy nhất ở Trung Quốc.” Tờ báo cho biết thêm, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch kéo dài hai năm (bắt đầu từ cuối năm 2020) nhằm thuyết phục công dân Trung Quốc hiến nội tạng của họ cho nhà nước. Là một quốc gia cộng sản, Đảng Cộng sản kiểm soát toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, và dịch vụ chăm sóc y tế tư nhân hầu như không tồn tại.

Những lời tán dương trong chiến dịch tuyên truyền của chính phủ được đưa ra trong bối cảnh “Tòa án Duy Ngô Nhĩ” được mở ra vào tuần trước ở London. Từ khoảng 300 lời khai, 40 nhân chứng đã được tòa chỉ định, và 24 nhân chứng đã xuất hiện trong phiên làm chứng đầu tháng 6, qua đó phơi bày chi tiết về vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Trung Quốc. Trong số 50 chuyên gia được tòa liên hệ, 14 chuyên gia đã xuất hiện trong phiên làm chứng này. Được biết sau phiên làm chứng thứ nhất, tòa sẽ tiếp tục mở phiên làm chứng thứ hai vào tháng 9, và phán quyết đầu tiên ước tính sẽ được đưa ra vào tháng 12/2021.

Các chuyên gia cũng chứng thực các bằng chứng cho thấy, hoạt động thu hoạch nội tạng của các nạn nhân trong trại tập trung và tù nhân chính trị để cung cấp nguồn tạng các ca cấy ghép “theo yêu cầu” của ĐCSTQ đã không ngừng phát triển kể từ khi các trại này được thành lập. Ngoài ra, theo các bằng chứng chụp từ vệ tinh, Trung Quốc đã bắt đầu ồ ạt xây dựng hệ thống các trại tập trung ở Tân Cương vào năm 2017.

Bằng chứng đưa ra tại Tòa án Duy Ngô Nhĩ đã bổ sung thêm cho cáo buộc của nhiều nhóm thiểu số tôn giáo và chính trị về việc Đảng Cộng sản giết các tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng của họ và bán cho người trả giá cao nhất. Một trong số nhóm nạn nhân bị mổ cướp nội tạng lớn nhất là những người theo học Pháp Luân Công, một hệ thống thiền định và tâm linh bắt nguồn từ cổ xưa của châu Á. Những người nói rằng, nội tạng của họ được đánh giá cao bởi sức khỏe những người học Pháp Luân Công đều rất tốt, hơn nữa họ còn không hề sử dụng các chất kích thích như bia rượu hay ma túy.

Bằng chứng mới nhất về việc sử dụng nội tạng của các tù nhân chính trị đã xuất hiện tại Tòa án Duy Ngô Nhĩ tuần trước. Ông Ethan Gutmann thuộc Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc, người đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu vấn đề này, đứng ra làm chứng rằng ông đã tiến hành phỏng vấn 20 người tị nạn Tân Cương, người gốc Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan từng trải qua một thời gian ở trại tập trung, và đều phải trải qua các đợt khám sức khỏe bất thường. Những nhân chứng sống sót cũng đều chứng kiến ​​việc các quan chức Trung Quốc ép những tù nhân khác xét nghiệm y tế, và rất nhiều người, hầu hết còn rất trẻ, đã biến mất chỉ một thời gian ngắn sau tiến hành những xét nghiệm đó.

slaughter2 image

Cuốn sách The Slaughter (Đại Thảm sát) xuất bản năm 2014 của ông Gutmann đã đưa ra nhiều bằng chứng chi tiết về việc Trung Quốc coi nhóm học viên Pháp Luân Công và các tù nhân chính trị khác là “nguồn hiến tạng”. Năm 2016, ông Gutmann cùng với cựu nghị sĩ Canada David Kilgour và Luật sư nhân quyền David Matas còn công bố bản cập nhật cho báo cáo của họ về vấn nạn mổ cướp nội tạng, trong đó lưu ý rằng thống kê của Đảng Cộng sản về số lượng các ca cấy ghép được tiến hành không khớp với số lượng nội tạng được cho là đã hiến tặng vào năm 2015. Họ cũng đã đưa ra bằng chứng quan trọng về việc các bệnh viện không có giấy phép hợp pháp để thực hiện cấy ghép tạng vẫn tiến hành làm vậy.

Phản ứng trước những cáo buộc ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế, năm 2017 ĐCSTQ đã thẳng thừng phủ nhận và thậm chí còn tự ca ngợi bản thân mình trên các kênh truyền thông nhà nước, rằng họ có một “hệ thống pháp luật lành mạnh và phân phối công bằng” nguồn nội tạng trên toàn quốc. Tệ hơn nữa, chính quyền cộng sản còn bóp méo sự thật rằng “cộng đồng quốc tế” đã tôn vinh Trung Quốc vì sự tiên phong của họ trong vấn đề này.

Tuy nhiên, những người sống sót trong trại tập trung và các tù nhân chính trị khác vẫn tiếp tục làm chứng công khai về việc họ bị buộc phải xét nghiệm nhằm tìm kiếm các cơ quan tạng có thể sử dụng cho cấy ghép.

Bà Huiqiong Liu, một học viên Pháp Luân Công từng bị giam giữ, nói với tờ Haaretz của Israel trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 12 rằng, cảnh sát nhiều lần ám chỉ sẽ giết bà để lấy nội tạng.

“Cuộc thẩm vấn bắt đầu lúc 9 giờ tối và kết thúc vào khoảng trưa ngày hôm sau. Có năm viên cảnh sát không đánh tôi, nhưng một người đàn ông thứ sáu xuất hiện, anh ta đã đánh và đe dọa tôi: ‘Tôi sẽ mổ lấy nội tạng của bà và hỏa táng phần thi thể còn lại.’” 

Trong một cuộc trò chuyện khác, khi được hỏi trực tiếp rằng liệu nội tạng của bà có đang được xem xét để thu hoạch hay không, một bác sĩ nhà tù đã trả lời: “Điều đó sẽ do người ở cấp cao hơn quyết định.” Bà Liu cũng bị buộc phải ký vào một đơn đồng ý hiến tạng.

Bà Liu kể lại, bà có thể sống sót là do bà đã tuyệt thực, dẫn đến sức khỏe bị tổn hại đến mức khiến nội tạng không thể phục hồi được.

Một nhân chứng giấu tên khác, cô Aili nói với Lude Press hồi tháng 1/2020 rằng cô đã tận mắt chứng kiến ​​tội ác thu hoạch nội tạng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào năm 2006, và rằng những người mua nội tạng phần lớn là người Saudi giàu có đang tìm kiếm nội tạng từ nhóm người Hồi giáo khác.

Ông Enver Tohti, một bác sĩ  cấy ghép tạng, cũng đã làm chứng rằng ông đã từng tự tay mổ lấy nội tạng của một tù nhân chính trị. Lần đầu tiên ông biết đến hoạt động này là ở Tân Cương vào năm 1995.

Minh Ngọc (Theo Breitbart)

Xem thêm: