Trung Quốc đã cam kết phối hợp cùng sáu quốc gia Trung Đông nhằm giúp bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ trước sự can thiệp của nước ngoài cũng như các cáo buộc vi phạm nhân quyền, trong bối cảnh tất cả các bên đều phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ Hoa Kỳ.

Embed from Getty Images

Đây chính là cam kết của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sau khi kết thúc chuyến công du kéo dài một tuần tới Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, UAE, Bahrain và Oman hôm thứ Ba (30/3). Trong chuyến thăm của mình, ông đã tìm cách thu hút sự ủng hộ, chủ yếu là từ các quốc gia Hồi giáo đối với Trung Quốc khi mà quốc gia đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Ông Vương Nghị cũng đề xuất khởi động một cuộc đối thoại an ninh khu vực do Trung Quốc chủ trì và thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại. Đây cũng chính là ý tưởng mà Bắc Kinh muốn đưa ra để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

“Trung Quốc và sáu quốc gia sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau về lợi ích cốt lõi của mình. Đây là kết quả quan trọng nhất của chuyến đi,” ông nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc.

“Chúng tôi phản đối việc áp đặt ý thức hệ lên người khác, cũng như lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc của các quốc gia khác và bôi nhọ họ.”

Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra sau cuộc họp cấp cao hồi đầu tháng giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc ở Alaska. Tại đó, Ngoại trưởng và Trưởng ban chính sách đối ngoại của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã thẳng thừng tranh chấp công khai với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan về một loạt các vấn đề, bao gồm nhân quyền và Biển Đông.

Liên minh châu Âu sau đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc có liên quan đến cáo buộc diệt chủng và sử dụng lao động cưỡng bức. Anh, Canada và Mỹ đều đồng thuận, và sau đó Bắc Kinh đã trả đũa bằng các lệnh trừng phạt tương tự.

Hôm thứ Ba (30/3), Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Washington sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bao gồm cả tại  Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ.

Trình bày báo cáo nhân quyền đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh vào một số vụ lạm dụng nhân quyền, bao gồm cả ở Trung Quốc, và một lần nữa xác định “tội ác diệt chủng” với nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của chính quyền cộng sản.

Báo cáo cũng nêu chi tiết các cáo buộc về các vụ giết người và tra tấn phi pháp tại Ả Rập Xê Út và Ai Cập. Ông Biden trước đó đã giải mật các báo cáo tình báo của Mỹ, trong đó kết luận rằng Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã chuẩn thuận vụ sát hại Jamal Khashoggi vào năm 2018.

Tranh chấp về Tân Cương leo thang vào tuần trước khi các thương hiệu nước ngoài, bao gồm chuỗi cửa hàng thời trang Thụy Điển H&M, bị tẩy chay ở Trung Quốc Đại Lục vì tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương. Phía Mỹ khẳng định các cuộc tẩy chay là do nhà nước khởi phát, trong khi Bắc Kinh lại đổ lỗi cho các cáo buộc về nhân quyền là một phần của chiến dịch thông tin sai lệch do Washington phát động.

Hiện cả Trung Quốc và Mỹ đều tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh của họ khi sự thù địch ngày càng gia tăng. Có thể thấy, các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh vào quan hệ và mâu thuẫn của họ với Trung Quốc trong cuộc họp với châu Âu. Về phía Trung Quốc, dù ông Vương không nêu tên bất kỳ quốc gia nào, nhưng nhận xét của ông về chuyến đi Trung Đông của ông được coi là nhắm vào Mỹ.

Ông cho hay: “Các quốc gia nên thoát khỏi cái bóng của sự cạnh tranh địa chính trị của các cường quốc lớn. Các xung đột và khác biệt trong khu vực nên được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị, đối thoại và thương lượng thay vì áp đặt.”

Trong số các quốc gia mà ông Vương đến thăm, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra bình luận về vấn đề Tân Cương. UAE nhấn mạnh việc ra mắt vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc. Iran ký kết kế hoạch phát triển 25 năm với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và cơ sở hạ tầng. Oman ký thỏa thuận miễn thị thực và Bahrain tập trung vào hợp tác thương mại và đại dịch virus corona.

Trong một nhận xét hàm ý đối kháng với Mỹ, ông Vương mô tả các biện pháp trừng phạt Iran là “đơn phương” và “cánh tay dài”, đồng thời nói rằng cần phải hủy bỏ các lệnh này để tiến tới nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, vốn đã thất bại sau khi chính quyền Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran .

Ông Vương cũng cho rằng Trung Quốc có thể tổ chức một diễn đàn an ninh để giúp khởi động lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông nói: “Các quan chức Trung Quốc đã tới Moscow để thảo luận với Iran và Nga về lộ trình và thời gian biểu nhằm nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran.”

“Chúng ta có thể bắt đầu với các vấn đề như đảm bảo an toàn cho các cơ sở dầu khí và đường thủy để xây dựng lòng tin trước, sau đó mới giải quyết các vấn đề khó khăn.”

Cuối cùng, ông Vương khẳng định Trung Quốc và Trung Đông sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư năng lượng, đồng thời hợp tác nhiều hơn về 5G và trí tuệ nhân tạo. Cho đến nay, Trung Quốc đã cung cấp 38 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 17 quốc gia Trung Đông.

Minh Ngọc (Theo SCMP)

Xem thêm: