Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại cao nguyên Doklam vào mùa hè qua đã tạm lắng xuống với việc quân đội hai nước chấp nhận rút lui khỏi vùng tranh chấp. Tuy nhiên, thực tế mâu thuẫn biên giới giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn đang diễn ra âm ỉ và có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập gặp nhau trong khuôn khổ Hội nghị BRICS tại Hạ Môn, Phúc Kiến hôm 5/9/2017.

Vào cuối tháng 8, vài ngày trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến tham dự Hội nghị BRICS và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cả New Delhi và Bắc Kinh đã chính thức thông báo hai nước đã đạt được thỏa thuận cùng “rút lui” khỏi cao nguyên Doklam.

>>Ấn Độ và Trung Quốc thống nhất rút quân khỏi cao nguyên Doklam

Trong những ngày sau đó, quân đội hai bên thông báo đã rút lui khỏi khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, không có thông tin chi tiết thực tế nào trên thực địa được các bên đưa ra công khai.

Các nhà phân tích quốc tế nhìn nhận rằng hiện tại Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn duy trì lực lượng tại lãnh thổ tranh chấp ở Doklam, và quân đội Ấn Độ cũng vậy. Việc cùng “rút lui” hồi tháng 8 chỉ là động thái nhằm giảm căng thẳng.

Theo tờ South China Morning Post, quân đội hai nước chỉ rút lui khỏi khu vực tranh chấp mỗi bên khoảng 150m. Thông tin này được báo giới quốc tế đưa ra chỉ vài tuần sau thỏa thuận “rút lui” của quân đội Trung – Ấn.

Ấn Độ có thể đã thành công trong việc ngăn không cho Trung Quốc xây dựng một con đường mà chỉ cách biên giới nước mình khoảng 60m, nhưng sự hiện diện của PLA tại khu vực Doklam ngày càng tăng.

Đối với Ấn Độ, sự hiện diện của quân Trung Quốc ở khu vực biên giới trọng yếu này là rất đáng quan ngại. Cuộc xung đột hoàn toàn có thể leo thang trở lại vào mùa đông khắc nghiệt sắp tới, trong khi gần như không có khả năng hai bên sẽ đạt được giải pháp ngoại giao toàn diện cho mâu thuẫn tại Doklam. Trong những năm tới, đây vẫn là điểm nóng thường trực trong quan hệ Trung – Ấn.

Ngoại giới nhận định rằng, cho dù Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp tại Hạ Môn hồi đầu tháng 9, nhưng việc hai bên mất niềm tin với nhau do hậu quả của cuộc khủng hoảng Doklam vẫn sẽ kéo dài và sự phát triển trong mối quan hệ song phương Trung – Ấn cũng chịu tác động xấu.

Tờ South China Morning Post nhận định rằng kết quả của kỳ Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh từ 18/10 cũng sẽ có tác động rất lớn đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong đó có vấn đề giải quyết điểm nóng Doklam. Tờ nhật báo của Hồng Kông cho rằng không loại trừ khả năng căng thẳng biên giới Trung – Ấn sẽ leo thang trở lại vào đầu tháng 11 khi Chủ tịch Tập đã củng cố được quyền lực nội bộ và sẵn sàng bấp chấp rủi ro trong quan hệ với Ấn Độ để thể hiện vị thế của một nước lớn, “một siêu cường quốc tế” như những gì ông Tập phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội 19 hôm 18/10.

Đối với Trung Quốc, họ có nhiều lý do để giữ nhiệt căng thẳng tại Doklam. Trước tiên, mâu thuẫn ở đây sẽ cân bằng các bất lợi về cả định tính và định lượng của Bắc Kinh so với lực lượng vũ trang của Ấn Độ trên toàn dãy Himalayas vì khu vực tranh chấp gần với “nút thắt cổ chai” Siliguri Corridor –  một dải đất hẹp kết nối đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của đất nước.

Thứ hai, sau khi hai nước đã tạm rút lui, điểm mâu thuẫn chính trong mùa hè đã không còn được duy trì cố định nữa. Bây giờ, PLA có thể đẩy mạnh lực lượng của họ lên phía bắc, gần với khu vực biên giới không có tranh chấp của Trung Quốc với Bhutan, nằm ở phía nam thung lũng Chumbi. Bắc Kinh vẫn rất hay dùng chiến thuật biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để “gặm” dần đất đai vùng biên như những gì họ đã làm trên các đảo và rạn san hô ở biển Đông của Việt Nam.

Thứ ba, ngay cả khi tại Doklam vẫn duy trì sự “yên tĩnh” trong thời gian không xác định, PLA có khả năng sẽ tiếp tục các cuộc xâm lấn mới tại miền đông Ladakh hoặc Uttarakhand. Bắc Kinh có thể lựa chọn các động thái gây hấn cục bộ này để thử sự kiên nhẫn của Ấn Độ trong các khu vực khác của biên giới tranh chấp giữa hai nước.

Trung Quốc luôn có xu hướng lấn tới, trong khi Ấn Độ cũng kiên quyết không nhượng bộ, điều đó cho thấy rõ ràng rằng mâu thuẫn giữa hai nước tại Doklam còn lâu mới kết thúc. Căng thẳng này khởi phát từ việc tranh cãi về xây dựng một con đường, giờ đã trở thành một điều gì đó lớn hơn nhiều. Đó là một bài kiểm tra về việc Ấn Độ và Trung Quốc sẽ làm gì để duy trì mối quan hệ của họ và liệu mỗi bên có thể quản lý được những tham vọng của mình ở Châu Á mà không làm giảm mối quan hệ song phương.

Xuân Thành

Xem thêm: