Theo tờ SCMP, Triều Tiên đã nhập khẩu một lượng lớn các vật tư y tế liên quan đến đại dịch COVID-19 từ Trung Quốc kể từ tháng 1, trong đó có 10 triệu chiếc khẩu trang và gần 100.000 bộ nhiệt kế, dù nước này chỉ ghi nhận những ca mắc đầu tiên vào ngày 12/5.

p3148771a34743463
Dịch COVID-19 ở Triều Tiên đang bùng phát dữ dội. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thừa nhận tình trạng hỗn loạn lớn nhất kể từ khi lập quốc. (Ảnh: Kênh truyền thông chính thức của Triều Tiên)

Cụ thể, quốc gia 26 triệu dân đã báo cáo những ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 12/5, sau hơn 2 năm không ghi nhận ca mắc nào, qua đó tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Dẫu vậy, cơ sở dữ liệu hải quan của Trung Quốc mới đây cho biết nước này đã xuất khẩu 1,4 triệu chiếc khẩu trang sang Triều Tiên vào tháng 1. Điều này cho thấy Triều Tiên đã tích trữ các thiết bị bảo hộ y tế ít nhất kể từ đầu năm nay.

Sau đó, lượng nhập khẩu khẩu trang đã tăng lên 3,2 triệu chiếc trong tháng 4, nâng tổng số lên 10,68 triệu chiếc trong 4 tháng đầu năm, với trị giá 265.851 USD.

Dữ liệu cũng chỉ ra rằng Trung Quốc, lần đầu tiên sau hơn một năm, đã xuất khẩu 625 sản phẩm trang phục bảo hộ dùng trong phẫu thuật hoặc y tế sang Triều Tiên vào tháng 1, sau đó thêm 1.500 sản phẩm vào tháng 2.

Trung Quốc đã xuất khẩu 2.844 bộ nhiệt kế sang Triều Tiên vào năm 2021, nhưng khối lượng đã tăng vọt lên 66.000 bộ vào tháng 1, với tổng lượng xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm là 94.840 bộ. Triều Tiên cũng đã nhận 1.140 kg thuốc thử dùng cho các xét nghiệm COVID-19 từ Trung Quốc vào tháng 3 và thêm 60 kg vào tháng 4.

Xuất khẩu thiết bị hô hấp trị liệu của Trung Quốc sang Triều Tiên, vốn đứng ở mức 0 vào năm 2021, cũng bắt đầu có chuyển biến vào tháng 1, với giá trị thương mại đạt 2.769 USD. Giá trị xuất khẩu trong tháng 4 tăng gấp trăm lần so với tháng 1, bao gồm 1.000 máy thở không xâm lấn, thường được sử dụng để làm giảm nồng độ ôxy trong máu và điều trị khó thở ở bệnh nhân COVID-19, với trị giá 266.891 USD.

Trung Quốc cũng đã xuất khẩu 1.300 máy theo dõi bệnh nhân sang Triều Tiên vào tháng 4. Trong khi nước láng giềng phía bắc đã không nhập khẩu thiết bị nào vào năm 2020 và 2021. Xuất khẩu các thiết bị y tế khác sang Triều Tiên, như thiết bị gây mê và máy đo huyết áp, cũng đã tăng mạnh trong năm nay.

Tháng trước, Trung Quốc cũng xuất khẩu 3.038 kg thuốc khử trùng sang Triều Tiên, vượt tổng số 2.155 kg so với năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đạt 98 triệu USD vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã giảm sút khi Liên Hợp Quốc áp đặt một số lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng do chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Ngoài ra, thương mại giữa 2 nước đã giảm đáng kể kể từ khi Triều Tiên phong tỏa đất nước trong nỗ lực hạn chế virus lây lan.

Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, hai nước đã nối lại dịch vụ tàu hàng xuyên biên giới qua thành phố Đan Đông của Trung Quốc sau hơn một năm tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động này một lần nữa bị đình trệ vào cuối tháng 4 khi thành phố này ghi nhận các trường hợp nhiễm virus corona. Đây là cửa ngõ giao thương của ít nhất 70% thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Triều Tiên đã ghi nhận 1 ca tử vong mới và trên 100.000 ca nghi mắc COVID-19 vào hôm 27/5. Số ca mắc sốt ở nước này vẫn duy trì ở mức dưới 200.000 ca trong ngày thứ 6 liên tiếp. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận tổng số 3,27 triệu ca sốt. Trong đó, có trên 3,03 triệu người đã hồi phục và ít nhất 233.090 người đang được điều trị. Số ca tử vong là 69 người.

Các ca sốt hàng ngày tại Triều Tiên đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh trên 392.920 ca vào ngày 15/5. Triều Tiên không báo cáo số người dương tính với virus corona, thay vào đó nước này chỉ báo cáo số người có triệu chứng sốt.

Phan Anh

Những mẹo giúp tiết kiệm xăng khi đi xe máy