Trong thời điểm lễ nhậm chức tổng thống mới của Hàn Quốc và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ sắp diễn ra, gần đây Triều Tiên đã có những động thái được cho là nhằm “tạo thế răn đe”:  phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tuyên bố khả năng dùng vũ khí hạt nhân trước khi nhận thấy có thể bị tấn công.

np file 135315 870x489 1
Triều Tiên thử vũ khí được thiết kế nhằm tăng cường khả năng hạt nhân của nước này. Ảnh minh họa. (Nguồn: KCNA)

Trước đó, ngày 4/5/2022 Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 bị nghi ngờ là đã thất bại. Đến ngày 7/5 Triều Tiên được cho là phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) – động thái này bị Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt lên án. Trên thực tế, từ ngày 25/4/2022 trong hoạt động duyệt binh của Triều Tiên kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỹ và Hàn Quốc nghi ngờ trong tháng 5/2022, Triều Tiên có thể chuẩn bị một vụ thử hạt nhân. Nhà Trắng tiết lộ, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ đưa ra các cam kết an ninh mạnh mẽ hơn.

Nghi vấn phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm ngay trước thời điểm ông Yoon Suk-yeol nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc

Ngày 7/5/2022, Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, quân đội Hàn Quốc do thám Triều Tiên đã nghi ngờ lúc 2:07 đêm cùng ngày hôm đó, Triều Tiên sử dụng tàu ngầm để phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SLBM) ngoài khơi bờ biển Sinpo tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên. Theo dữ liệu mà quân đội Hàn Quốc phát hiện, tên lửa có cự ly bay khoảng 600 km và độ cao hơn 60 km.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc tuyên bố, loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên và cộng đồng quốc tế, đồng thời rõ ràng vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, qua đó mạnh mẽ yêu cầu Triều Tiên chấm dứt ngay hành vi này. Quân đội Hàn Quốc khẳng định, họ đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên dựa trên sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ, giữ tình trạng báo động cao.

Theo nguồn tin, chỉ trong vòng 3 ngày, đây là vụ thử tên lửa thứ hai của Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo ở vùng biển phía đông khu vực Sunan của Bình Nhưỡng nghi là tên lửa xuyên lục địa (ICBM). Động thái của Triều Tiên được cho là nâng cao mức độ khiêu khích trước lễ nhậm chức tổng thống của Hàn Quốc và hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ sắp diễn ra.

Ông Yoon Seok-ryul sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Hàn Quốc ngày 10/5/2022 và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/5.

Hàn Quốc và Mỹ lên án

Ngày 7/5/2022, Trưởng Văn phòng An ninh Quốc gia Nhà Xanh của Hàn Quốc là ông Suh Hoon đã khẩn trương chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Hội nghị An ninh Quốc gia (NSC). Tại cuộc họp, Nhà Xanh đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Theo tin ngày 7/5 từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hôm đó Trưởng Đàm phán Hòa bình của Bộ Ngoại giao là ông Noh Kyu Ti đã có cuộc điện đàm với đại diện đặc biệt Sing Kim của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Triều Tiên, cả hai bên đều nhất trí lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Hai bên chỉ ra, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) ngày hôm đó rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với bán đảo Triều Tiên và cộng đồng quốc tế. Hai bên hối thúc Triều Tiên chấm dứt ngay hành vi khiến tình hình leo thang xấu đi, thay vào đó quay trở lại con đường đối thoại và ngoại giao. Hai bên nhất trí cùng duy trì thế trận phòng thủ chung chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Mỹ, sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong Hội đồng Bảo an để có các biện pháp ứng phó phối hợp.

Phản ứng của Chính phủ Nhật Bản

Chiều ngày 7/5/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nói với báo chí, có suy đoán Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa vào khoảng 2:06 chiều ngày hôm đó. Tên lửa được phóng đi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SLBM) phóng từ tàu ngầm có độ cao tối đa khoảng 50 km và tầm bay khoảng 600 km, có thể đã rơi xuống bên ngoài Vùng biển đặc quyền Nhật Bản (EEZ) ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của Triều Tiên.

Ông cho biết hiện nay chưa có báo cáo nào về việc máy bay hay tàu thủy bị hư hại. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kênh đại sứ quán ở Bắc Kinh lên tiếng kịch liệt phản đối hành vi của Triều Tiên.

Theo tin từ NHK của Nhật Bản, 12 trong số 14 vụ phóng thử của Triều Tiên kể từ năm 2022 là tên lửa đạn đạo, trong số đó thì tên lửa đạn đạo được phóng ngày 24/3 được cho là đã rơi xuống Biển Nhật Bản cách bán đảo Toshima ở Hokkaido khoảng 150 km về phía Tây, là vùng biển đặc quyền của Nhật Bản.

Nghi ngờ vụ phóng Hwasong-17 ngày 4/5 của Triều Tiên đã thất bại

Tờ Chosun Ilbo ngày 6/5/2022 dẫn nguồn thạo tin quân sự đưa tin, tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng ngày 4/5 được xác định là loại Hwasong-17, mệnh danh là “ICBM quái vật (tên lửa đạn đạo liên lục địa)”, nhưng sau khi ra mắt thử nghiệm hồi tháng Ba thì nó bị nghi ngờ là đã một lần nữa thất bại. Truyền thông của Triều Tiên không đưa tin về vụ phóng tên lửa lần này phần nào có thể minh chứng cho suy đoán. Một nguồn tin chính phủ cho hay: “Sau vụ phóng thất bại ngày 16/3 thì khoảng thời gian 7 tuần sau, Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng thử khác nhưng dường như không giải quyết được tình hình”.

Theo các nguồn tin quân sự, ICBM Hwasong-17 do Triều Tiên phóng ngày 4/5 đã bị gián đoạn không rõ lý do trong quá trình đánh lửa và bay lên của giai đoạn II sau quá trình đốt cháy giai đoạn I kết thúc. Vào thời điểm đó radar quân sự của Hàn Quốc đã phát hiện một lượng lớn các mảnh vỡ tên lửa. Nguồn tin cho rằng đây là vì cố tình cho nổ để ngăn tên lửa rơi vào nhà dân khi tên lửa mới đang ở trong quá trình phóng giai đoạn đầu.

Một ngày sau khi vụ phóng tên lửa không thành công, ngày 5/5, truyền thông Triều Tiên không hề nhắc đến vấn đề này. Triều Tiên thường sẽ không thông báo thông tin về một vụ phóng tên lửa thất bại. Ngày 16/3, tên lửa Hwasong-17 được phóng tại sân bay Sunan Bình Nhưỡng đã phát nổ trên không khi bay ở giai đoạn đầu, khi đó giới truyền thông Triều Tiên cũng im hơi lặng tiếng về vụ việc.

Mỹ ước tính tháng này Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân

Ngày 7/5/2022, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ là ông Porter nhấn mạnh: “Mỹ tin rằng Triều Tiên đang chuẩn bị tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, có thể sớm nhất là trong tháng này.”

“Đánh giá này phù hợp với các tuyên bố công khai gần đây của Triều Tiên. Chúng tôi đã chia sẻ thông tin này với các đồng minh và đối tác, và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với họ,” ông Porter nói.

Triều Tiên đã không tiến hành vụ thử hạt nhân kể từ năm 2017, nhưng các quan chức Mỹ và Hàn Quốc trong nhiều tuần cho biết có dấu hiệu cho thấy bãi thử hạt nhân Punggye-ri được biết đến duy nhất của Triều Tiên đang có những dấu hiệu xây dựng mới, có thể Bình Nhưỡng sẽ sớm thử một quả bom hạt nhân khác.

Kể từ năm 2018, bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã chính thức đóng cửa. Theo ông Porter, có thể họ đã sẵn sàng cho vụ thử trong tháng này. Đây là tuyên bố chính thức đầu tiên như vậy của một quan chức Mỹ.

Tình báo Hàn Quốc: Triều Tiên có thể thử hạt nhân trước chuyến thăm Hàn Quốc của TT Biden

Ngày 7/5/2022, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS), ông Park Jie-won lưu ý, Triều Tiên có thể chọn thời điểm thử hạt nhân giữa lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol vào ngày 10/5 và chuyến thăm Hàn Quốc vào cuối tháng Năm của Tổng thống Mỹ Biden.

Ông Park Ji-won nói với Hãng thông tấn Yonhap, tên lửa tầm ngắn cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân nếu Triều Tiên thu nhỏ và giảm trọng lượng của đầu đạn. Vụ thử hạt nhân tiếp theo có thể xảy ra này được coi là rất quan trọng vì khả năng đe dọa đến an ninh của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Kim Jong-un đe dọa có thể dùng vũ khí hạt nhân trước khi nghi ngờ bị tấn công

Vào tối hôm 25/4/2022, trong bài phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, nhiệm vụ chính của vũ khí hạt nhân Triều Tiên là ngăn chặn chiến tranh, nhưng sẽ không bao giờ bị giới hạn trong nhiệm vụ duy nhất này. “Nếu bất kỳ thế lực nào có ý định xâm phạm các lợi ích cơ bản của đất nước chúng ta, vũ khí hạt nhân của chúng ta sẽ phải kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ mà họ không thể ngờ.”

Cuộc duyệt binh ngày hôm đó đã trưng bày tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 lớn nhất của Triều Tiên. Trước đó một tháng, ngày 24/3 Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên tiến hành vụ phóng thử tên lửa này.

Reuters dẫn lời một chuyên gia về Triều Tiên cho rằng, bài phát biểu của ông Kim Jong-un có thể cho thấy sự thay đổi trong chính sách hạt nhân nhằm răn đe và phòng thủ trước đây của ông ta, theo đó mở khả năng “lần đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân”. Chuyên gia này cho biết tuy ông Kim Jong-un không nêu rõ “nhiệm vụ thứ hai” hay “lợi ích cơ bản”, nhưng ông ta gợi ý rộng hơn rằng có thể dùng đến vũ khí hạt nhân trước khi bị tấn công.

Nguồn tin cũng trích dẫn phân tích của một chuyên gia khác cho rằng tuyên bố của ông Kim Jong-un có thể nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mới đắc cử. Ông Yoon Suk-yeol đã cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể tấn công phủ đầu khi thấy khả năng xảy ra cuộc tấn công từ Triều Tiên.

Nhà Trắng: Chuyến thăm của TT Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ đưa ra các cam kết an ninh mạnh mẽ hơn

Theo trang web của Nhà Trắng, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu hôm 5/5/2022 rằng, vào cuối tháng 5 này, ông Joe Biden sẽ thăm Hàn Quốc và Nhật Bản để thực hiện các cam kết mạnh mẽ hơn đối với an ninh của liên minh.

Bà Jen Psaki cho hay, TT Biden sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc mới được bổ nhiệm Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong chuyến đi của mình, để thể hiện rõ cam kết đối với an ninh của Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn bao gồm cung cấp mở rộng thế răn đe.

Ngoài ra Tổng thống Biden cũng sẽ thảo luận với lãnh đạo hai nước về những thách thức chung như làm sâu sắc hơn liên minh an ninh, tăng cường quan hệ kinh tế, ứng phó với đại dịch COVID-19, hợp tác hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.