Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh cải thiện cơ sở hạ tầng và mở rộng đất nông nghiệp để đẩy mạnh sản xuất lương thực, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 2/3, trong bối cảnh lo ngại rằng tình trạng thiếu lương thực của đất nước đang ngày càng trầm trọng.

Embed from Getty Images

Ông Kim đã ra chỉ thị cải tạo hệ thống thủy lợi, chế tạo máy móc nông nghiệp hiện đại và tạo thêm đất canh tác khi kết thúc Hội nghị Toàn thể Mở rộng lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8 hôm thứ Tư (ngày 1/3).

Hội nghị bắt đầu từ ngày 26/2 và một trong những nhiệm vụ “cấp bách” là phải cải thiện ngành nông nghiệp.

Trước đó, Hàn Quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng gia tăng ở Triều Tiên, bao gồm cả sự gia tăng số người chết vì đói ở một số khu vực, một phần do chính sách ngũ cốc mới hạn chế giao dịch cây trồng tư nhân đã thất bại.

Trong những thập kỷ gần đây, Triều Tiên đã trải qua tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, bao gồm cả nạn đói vào những năm 1990, thường là hậu quả của các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt gây thiệt hại cho mùa màng.

Quốc gia bị cô lập này còn đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đồng thời trong những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới vốn đã hạn chế của Triều Tiên hầu như bị bóp nghẹt do các lệnh phong tỏa tự áp đặt nhằm ngăn chặn COVID-19.

Cơ quan phát triển nông thôn của Hàn Quốc ước tính, trong năm 2022 sản lượng cây trồng của Triều Tiên đã giảm gần 4% so với năm trước 2021, do mưa lớn vào mùa hè và các điều kiện kinh tế khác.

Hãng thông Triều tiên KCNA cho hay, ông Kim đã vạch ra các kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể để xây dựng “các cộng đồng nông thôn xã hội chủ nghĩa giàu có và văn minh với công nghệ tiên tiến và hiện đại”.

Ông đã ra lệnh cải tạo hệ thống thủy lợi để đối phó với biến đổi khí hậu, sản xuất máy móc nông nghiệp hiệu quả để hiện đại hóa sản xuất và khai hoang các vùng đất ngập nước để mở rộng diện tích canh tác, KCNA cho biết.

Các chuyên gia nhìn nhận, việc thiếu cơ sở hạ tầng nông nghiệp, máy móc và vật tư đầy đủ bao gồm cả phân bón và nhiên liệu đã khiến Triều Tiên dễ bị tổn thương hơn trước thiên tai.

Quốc gia miền núi này cũng đã tìm cách mở rộng diện tích đất canh tác thông qua cải tạo đất thủy triều dọc theo bờ biển phía Tây kể từ những năm 1980, nhưng những nỗ lực trước đó đã thất bại một phần do kỹ thuật và bảo trì yếu kém.

Dưới thời ông Kim, các dự án khai hoang tương đối thành công hơn, nhưng với tiến độ chậm trong việc chuyển đổi các bãi bồi ven biển thành đất nông nghiệp màu mỡ, chúng không giúp giảm bớt tình trạng thiếu lương thực, Nhóm giám sát 38 North có trụ sở tại Hoa Kỳ nhận định vào cuối năm 2021.

“Truyền thông nhà nước loan báo thông tin về việc họ đặt ra các mục tiêu và kế hoạch hành động mới, nhưng tôi không thấy điều gì đáng chú ý, bởi tất cả các yếu tố bao gồm thủy lợi và cải tạo đã được nêu ra từ trước,” ông Lim Eul-chul, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam Hàn Quốc nhận xét.

Một chuyên gia khác, ông Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cũng lưu ý rằng báo cáo không đề xuất những ý tưởng mới hoặc khả năng thay đổi chính sách ngũ cốc mà theo Hàn Quốc đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực.

Nhật Minh (Theo Reuters)