Hoa Kỳ đã sắp xếp để bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao, thăm Trung Quốc, với hy vọng đạt được sự đồng thuận về việc quản lý và kiểm soát xung đột song phương thông qua cuộc đàm phán Thiên Tân. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã né tránh việc Mỹ sẵn sàng hợp tác và biến cuộc đàm phán Thiên Tân thành “phiên bản 2.0 của cuộc đàm phán Alaska”.

Vương Nghị
Ngày 26/7/2021, tại Thiên Tân, Trung Quốc, bà Wendy Sherman – Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đã gặp ông Vương Nghị – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh: Travis Glynn, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc)

Chính quyền Bắc Kinh kỳ thực hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của việc quản lý xung đột, nhưng họ đang cố gắng thao túng mối quan hệ Mỹ – Trung. Mối quan hệ này trong tương lai sẽ phải đối mặt với tình trạng Trung Quốc không sẵn lòng hợp tác. Chiến lược ứng phó của Hoa Kỳ cũng phải được điều chỉnh.

Thứ nhất, chủ đề chính của cuộc đàm phán Thiên Tân là “phòng chống cháy nổ”

Bà Sherman, quan chức số 2 của Quốc Vụ Viện kiêm Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đã đến thăm Trung Quốc và hội đàm với các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Thiên Tân. Đây là điều mà chính quyền Biden đã lên kế hoạch từ lâu, với mục đích tìm cách cải thiện quan hệ Mỹ – Trung. Mặc dù phản ứng của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến kế hoạch viếng thăm của bà Sherman trở nên khó khăn trước chuyến đi, nhưng cuối cùng hai bên đã hoàn tất cuộc đàm phán tại Thiên Tân.

Tuy nhiên, sau cuộc họp lần này, các kênh truyền thông nước ngoài của Trung Quốc liên tục lan truyền rằng Trung Quốc đã giành được lợi thế. Trong khi một số kênh truyền thông Hoa Kỳ chỉ đề cập sơ lược.

Rốt cuộc, chủ đề chính của cuộc đàm phán Thiên Tân là gì? Cho đến nay, hầu hết các báo cáo của giới truyền thông quốc tế về cuộc gặp này đều không phân tích kỹ lưỡng ý định ban đầu của Hoa Kỳ.

Mục đích cơ bản trong kế hoạch của Hoa Kỳ cho chuyến thăm lần này là ngăn chặn một cuộc “nổi lửa” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. “Nổi lửa” không phải chỉ những vấn đề nhỏ nhặt không quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, mà là chỉ khả năng kéo hai nước vào chiến tranh hoặc các loại xung đột khác.

Trong nửa đầu năm ngoái, Trung Quốc đã tiến hành 3 lời đe dọa quân sự. Cụ thể là cuộc tập trận Rạn san hô vòng Midway vào tháng Giêng. Tháng Ba, ĐCSTQ tuyên bố chiếm Biển Đông làm vị trí phóng tàu ngầm hạt nhân chiến lược chống lại Hoa Kỳ. Tháng Sáu, Đảng này lại tuyên bố rằng hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu sẽ cung cấp các cuộc tấn công hạt nhân chính xác trên toàn nước Mỹ. Điều này đã châm ngòi cho Chiến tranh Lạnh Mỹ – Trung, và quan hệ Mỹ – Trung ngày càng đi vào tình thế đối đầu và nguy hiểm.

Từ tháng Một đến tháng Tư năm nay, đội tàu sân bay của hải quân hai bên đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. Kể từ tháng Sáu, Bắc Kinh đã công khai tuyên truyền rằng họ muốn chuẩn bị vũ trang cho việc chiếm đóng Đài Loan. Mặc dù thời điểm này Tây Thái Bình Dương đã bước vào mùa bão, hải quân Trung Quốc và Mỹ sẽ không tiến hành các hoạt động quy mô lớn. Nhưng nhiều khả năng tình hình sẽ tái căng thẳng vào mùa thu đông.

Chính vì trong tình hình này có thể sẽ xuất hiện mầm mống xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, vậy nên Hoa Kỳ hy vọng rằng hai bên có thể kết nối hiệu quả bất cứ lúc nào, nhằm đạt được mục tiêu chiến lược là cùng quản lý và kiểm soát xung đột.

Về ý định này của Nhà Trắng, Hoa Kỳ không chỉ kết nối với Bắc Kinh từ trước, mà còn công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ hy vọng sẽ thiết lập một “lan can bảo hộ” trong mối quan hệ song phương. (Bên đường có những chiếc lan can ngăn không cho ô tô lao xuống dốc. Chúng còn được gọi là lan can bảo hộ). Ông Biden muốn mối quan hệ Trung-Mỹ không bị trật bánh trong quan hệ hợp tác song phương.

Thứ 2, đường dây nóng không hoạt động?

Ngày 14/7, CNN đã đăng một bài báo cho biết chính quyền Biden đang xem xét khả năng thiết lập một đường dây nóng khẩn cấp với Chính phủ Trung Quốc. Đường dây nóng này tương tự như “điện thoại đỏ” được thiết lập trong Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, cho phép Hoa Kỳ Liên lạc trực tiếp với Điện Kremlin, nhằm tránh chiến tranh hạt nhân.

Bài báo của CNN đề cập có 2 nguồn tin nói rằng nếu đường dây nóng liên lạc cấp cao của Bắc Kinh được mở, các quan chức cấp cao của ông Biden hoặc đội an ninh quốc gia của ông ấy có thể gửi các cuộc gọi hoặc tin nhắn mã hóa cho ông Tập Cận Bình, hoặc những người thân cận với ông ấy bất cứ lúc nào. Ví như có thể chia sẻ thông tin khẩn cấp về các hành động quân sự đột ngột hoặc thông tin cảnh báo về tin tặc mạng.

CNN cũng đề cập rằng theo những người thạo tin, ý tưởng thiết lập đường dây nóng với Bắc Kinh đã có từ thời cựu Tổng thống Obama. Vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, ý tưởng này đã được đưa vào một bản ghi nhớ bí mật về an ninh quốc gia.

Đường dây nóng mở giữa các cấp cao nhất của Trung Quốc và Hoa Kỳ là một sự bảo đảm cần thiết, nhằm ngăn chặn xung đột. Bởi một khi có trường hợp khẩn cấp, thường không thể giải quyết kịp thời thông qua đại sứ quán của cả hai bên.

Hệ thống ngoại giao của Trung Quốc chỉ giải quyết các vấn đề ở cấp độ ngoại giao và không nắm bắt được các động thái quân sự hay xu hướng tình báo. Chỉ có một người ở Bắc Kinh có thể thực sự hiểu được các dấu hiệu của xung đột, chính là ông Tập Cận Bình. Do đó, nếu Nhà Trắng không thể liên lạc trực tiếp với ông Tập bất cứ lúc nào, thì việc quản lý và kiểm soát xung đột trong Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không thể đạt được trong các đối thoại ngoại giao.

Vì vậy, ông Biden đã sắp xếp để bà Sherman đến thăm Trung Quốc, với hy vọng kiểm tra ý định hợp tác của Trung Quốc trong cuộc đối thoại ngoại giao. Nếu Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác để kiểm soát rủi ro, thì đương nhiên nước này sẽ đồng ý thiết lập một đường dây nóng để liên lạc hiệu quả bất cứ lúc nào.

Vì sao lại nói “đường dây nóng không hoạt động” trong phụ đề của phần này? Đó là vì đã có nhiều đường dây nóng giữa các nguyên thủ quốc gia, các cơ quan ngoại giao, và quân đội giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng trừ khi phía Trung Quốc cần phải liên lạc với Hoa Kỳ, họ mới kết nối cuộc gọi. Nếu không họ sẽ chẳng bận tâm đến yêu cầu cuộc gọi từ phía Hoa Kỳ.

Do đó, đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, không có đường dây nóng khẩn cấp thực sự hiệu quả. Vậy nên nhiều năm qua, trong các trường hợp khẩn cấp, Mỹ đã không thể đảm bảo rằng Bắc Kinh có thể nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của Nhà Trắng. Đây luôn là một vấn đề nan giải.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/7, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã trả lời bài báo của CNN ngày 14/7 rằng đã có một số đường dây nóng, như vậy là đủ.

Thái độ của ông ấy cho thấy Trung Quốc không muốn duy trì một đường dây nóng thực sự hiệu quả với Hoa Kỳ trong việc quản lý và kiểm soát xung đột. Bắc Kinh dường như thờ ơ, để mặc hiện trạng “đường dây nóng không hoạt động.”

Thứ 3, Bắc Kinh né tránh sự sẵn lòng hợp tác của Hoa Kỳ

Mỹ chưa chốt lịch trình chuyến thăm của bà Sherman với Trung Quốc vào ngày 20/7. Khi đó, nói về các cuộc tiếp xúc ngoại giao với Trung Quốc, ông John F.Kirby, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn quan tâm đến việc tổ chức một cuộc đối thoại thiết thực, thực chất và trực tiếp với Trung Quốc, cũng như mối quan hệ “quản lý có trách nhiệm” của hai bên.

Sau khi chuyến thăm của bà Sherman được xác nhận vào ngày 21/7, ông Kirby đã nhấn mạnh tuyên bố trên. Ông còn đề cập rằng bà Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, sẽ chứng tỏ với Bắc Kinh trong chuyến đi sắp tới đến Trung Quốc, rằng cạnh tranh có trách nhiệm và lành mạnh là như thế nào. Hơn nữa Hoa Kỳ cũng muốn đảm bảo rằng có một “lan can bảo hộ” trong mối quan hệ phức tạp và đầy thách thức giữa hai nước, nhằm ngăn chặn cạnh tranh trở thành xung đột.

Bắc Kinh có hiểu ý đồ này của Hoa Kỳ hay không? Kỳ thực trong tâm họ hiểu rất rõ. Trên trang “Duowei News” (Tin đa chiều), kênh truyền thông nước ngoài của Trung Quốc, có bài viết với tiêu đề “Giọng điệu đã thay đổi, Nhà Trắng muốn vạch đường cảnh báo trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.”

Bài báo viết: “Thế nào mới là cuộc đối thoại thực chất và mang tính xây dựng? Theo phía Hoa Kỳ, tiêu chí cho việc này là bà Sherman sẽ có thể gặp được ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trong chuyến đi này.”

Nếu không gặp được ông Vương Nghị, thì chẳng thể nói về ‘tính xây dựng’ và ‘tính thực chất’”.

Trên thực tế, cuộc gặp gỡ giữa bà Sherman với ông Vương Nghị chỉ là tiền đề để giao tiếp trực tiếp. Chỉ khi hai bên đạt được sự đồng thuận trong việc quản lý xung đột, lúc đó mới có thể được coi là bước đầu đạt được việc “kiểm soát có trách nhiệm” các xung đột do ông Kirby đề xuất.

Khách quan mà nói, nếu suy nghĩ và hành vi của Bắc Kinh đủ lý trí, thì ý đồ này của ông Biden có lợi cho cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã cố tình né tránh vấn đề quan trọng là quản lý và kiểm soát xung đột. Lúc đầu, bà Sherman và ông Vương Nghị không được phép gặp mặt. Sau đó, phía Trung Quốc mới đồng ý gặp mặt, nhưng lại luôn lẩn tránh việc đưa ra những cam kết về việc quản lý xung đột.

Thứ tư, ông Vương Nghị chỉ là một người truyền tin

Bà Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao, được Hoa Kỳ cử đi lần này không thể được xếp cùng với cấp Bộ trưởng trong hàng ngũ hành chính của các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng trong số các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, bà lại là người quan trọng nhất sau Ngoại trưởng. Bởi trong thể chế của Mỹ, trong số các quan chức hành chính, dưới tổng thống và phó tổng thống, ngoại trưởng sẽ đứng hàng thứ 3.

Theo thứ tự của các quan chức hành chính tương ứng của Trung Quốc, 3 người đứng đầu tương ứng là ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước và Thủ tướng Quốc vụ viện. Dưới 3 người đứng đầu này là ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, phụ trách đối ngoại. Bà Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, tình cờ lại có địa vị ngang hàng với ông Vương Nghị.

Tuy nhiên, điều bà Sherman sẽ nói đến lần này, không phải là một chủ đề ngoại giao thuần túy, mà là một vấn đề kiểm soát xung đột liên quan đến an ninh quốc gia. Vấn đề này thực ra nằm ngoài thẩm quyền của ông Vương Nghị. Bộ ngoại giao của Trung Quốc chỉ phụ trách nghiệp vụ ngoại giao thuần túy. Quyền hạn của họ nhỏ hơn nhiều so với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Ông Vương Nghị không những không hiểu được diễn biến quân sự, mà còn không được can dự vào các nghiệp vụ tình báo. Một khi nội dung cuộc đàm phán giữa hai bên vượt quá phạm vi nắm bắt của ông Vương Nghị, đặc biệt là quyền kiểm soát các vấn đề quân sự và các hoạt động tình báo, thì ông ấy chỉ có thể truyền thông điệp lên cấp trên và không hề có quyền quyết định.

Vì vậy, nếu Bắc Kinh sẵn lòng thảo luận nghiêm túc về vấn đề kiểm soát rủi ro xung đột, nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán có thể diễn ra suôn sẻ, không lãng phí thời gian, thì tốt nhất nên cử phó thủ tướng, người cao hơn ông Vương Nghị, tham gia cuộc họp. Chỉ khi đó, mới có thể bày tỏ thái độ về những vấn đề thiết thực trong cuộc đàm phán.

Mặc dù Bắc Kinh cho phép ông Vương Nghị và bà Sherman gặp nhau và nói chuyện trong 2 giờ, nhưng ông Vương Nghị thực chất chỉ là một người truyền tin.

Trung Quốc đã cố tình sắp xếp để ông Tạ Phong, Thứ trưởng thứ 5 của Bộ Ngoại giao, nói chuyện trong 4 giờ.

Điều này có một mục đích kép rõ ràng. Thứ nhất là thể hiện sự cẩu thả có chủ ý. Thứ hai là cố tình né tránh các vấn đề kiểm soát xung đột mà Hoa Kỳ muốn nói đến. Đồng thời giới hạn nội dung cuộc đàm phán trong phạm vi hẹp về sự vụ của Bộ Ngoại giao. Từ đó khiến mục đích chính của chuyến thăm Hoa Kỳ bị vô hiệu hoá.

Đây là một kỹ thuật chặn các cuộc đàm phán song phương.

Thứ 5, nhiệm vụ của đại sứ mới của Trung Quốc tại Hoa Kỳ

Nhiều kênh truyền thông quốc tế chỉ trích ông Tạ Phong của Trung Quốc giống như một “chiến lang”. Kỳ thực, ông Tạ Phong làm như vậy, không chỉ đơn giản là trút bỏ cảm xúc, mà còn có một mục đích khác. Đó là nhất định phải phá hoại mục tiêu của Mỹ trong cuộc đàm phán này.

Do đó, từ việc lựa chọn các ứng cử viên cho đến nội dung của các cuộc hội đàm, phương châm của ĐCSTQ luôn là ngăn tiếng nói lý trí của Hoa Kỳ được cất lên. Cuối cùng là chấm dứt bàn luận về vấn đề quản lý và kiểm soát xung đột.

Sau cuộc họp này, ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo báo chí có tựa đề “Chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Sherman tới Trung Quốc”. Thông cáo này cũng được đăng bằng tiếng Trung Quốc trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh.

Bản thông cáo rất ngắn gọn, có đề cập đến một câu mà hai bên đã thảo luận, về cách đặt ra các điều kiện để quản lý và kiểm soát có trách nhiệm trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Có vẻ như Mỹ mới chỉ nêu ra chủ đề quản lý rủi ro xung đột và thảo luận về một số phương pháp mang tính nguyên tắc, chứ chưa đi đến kết luận như Mỹ mong đợi.

Còn “Danh sách sửa sai” và “Danh sách các trường hợp chính mà Trung Quốc quan tâm” do phía Trung Quốc đề xuất với Hoa Kỳ trong quá trình đàm phán, thực chất là yêu cầu Hoa Kỳ hủy bỏ hoàn toàn các phán quyết đối với Trung Quốc dưới thời của cựu Tổng thống Trump.

Yêu cầu này bao gồm các điều kiện đàm phán. Nói cách khác, chính quyền Bắc Kinh coi mong muốn của Hoa Kỳ trong việc quản lý nguy cơ xung đột là cơ hội để đe dọa Hoa Kỳ. Đồng thời sử dụng điều này như một đòn bẩy, nhằm tìm kiếm một tình huống có lợi cho Trung Quốc.

Ngày 28/7, Duowei News, kênh truyền thông đối ngoại của Trung Quốc, đã đăng một bài báo có tên “Ba nhiệm vụ chính trong Đường lối cứng rắn của ông Tần Cương, Đại sứ tại Mỹ”. Bài viết đề cập rằng ông Tần Cương trước tiên phải trực tiếp truyền đạt quan điểm và nguyện vọng của Trung Quốc, và coi “danh sách” kể trên nhưng những “vấn đề” cần được “giải quyết”.

Đồng thời, để các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến quyết định của ông Biden về chính sách đối với Trung Quốc, khiến Hoa Kỳ sẵn sàng chủ động giải quyết vấn đề. Thứ hai là, cùng với Hoa Kỳ kiểm soát quan hệ song phương theo quan điểm của Trung Quốc, tránh để quan hệ song phương liên tục trượt vào xung đột, do kết nối kém hoặc sự tin tưởng lẫn nhau quá thấp.

Tuyên bố này cho thấy chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của việc quản lý xung đột. Nhưng họ cố tình hạ thấp việc quản lý xung đột xuống mức thấp của cấp đại sứ, cũng như cố gắng thao túng mối quan hệ Mỹ – Trung thông qua việc này. Trong tương lai, mối quan hệ này sẽ phải đối mặt với tình trạng Trung Quốc không sẵn lòng hợp tác. Chiến lược ứng phó của Hoa Kỳ cũng phải được điều chỉnh.

Trình Hiểu Nông, Đài Á Châu Tự Do
(Bài viết thể hiện quan điểm ​​cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: