Theo Hiệp hội Phóng viên quốc tế, năm 2017, trên thế giới có ít nhất 81 phóng viên đã tử nạn, hơn 250 phóng viên bị giam giữ trong tù, bên cạnh đó, số vụ bạo lực và quấy rối tình dục đối với người làm trong ngành truyền thông cũng tăng cao.

phong vien
Ảnh minh họa (pxhere.com)

Hãng tin AP (Mỹ) đã nhận được bản cáo cáo thường niên Kill Report của Hội Liên hiệp Phóng viên Quốc tế (International Federation of Journalists, IFJ), theo đó, IFJ chỉ ra, phóng viên các kênh truyền thông trên toàn thế giới tử nạn do bị bao vây sát hại, tấn công bằng xe bom, v.v… trong năm 2017 ít nhất là 81 người, và có hơn 250 phóng viên bị giam giữ trong tù.

Tính đến ngày 29/12/2017, số phóng viên tử vong nằm ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, giảm so với con số 93 vụ năm 2016. Quốc gia có phóng viên bị hại nhiều nhất là Mexico, nhưng cũng có nhiều phóng viên mất mạng ở những nơi xảy ra xung đột như Afghanistan, Iraq và Syria.

IFJ nghi ngờ nhưng không thể kiểm chứng được rằng có ít nhất một phóng viên tử nạn trong vụ đánh bom liều chết của tổ chức IS tại trung tâm văn hóa Hồi giáo Shia ở thủ đô Kabul (Afghanistan), vụ đánh bom liều chết này khiến ít nhất 41 người tử vong.

Ông Philippe Leruth – Chủ tịch của IFJ cho biết, số vụ phóng viên tử nạn khi đang tác nghiệp có xu thế giảm, “nhưng các vụ bạo lực đối với truyền thông vẫn còn rất cao”.

Ông nói, IFJ phát hiện, “điều làm người ta lo lắng nhất là, xu thế giảm này không liên quan gì tới bất cứ biện pháp ngăn chặn, trừng phạt nào đối với những tội phạm về phương diện này của chính phủ các nước”.

Có 8 phóng viên bị hại, trong đó có 2 người thiệt mạng tại quốc gia dân chủ ở châu Âu, như phóng viên điều tra nổi tiếng của Malta là Daphne Caruana Galizia, phóng viên này tử vong do bị đặt bom trên xe ô tô.

Ngoài việc không được đảm bảo an toàn về tính mạng, IFJ cũng đưa ra lời cảnh báo, “số phóng viên bị giam trong nhà tù, bị bức bách phải lưu vong nhiều chưa từng có, trong khi đó tình hình các vụ giết hại, quấy rối, tấn công và uy hiếp đối với báo chí độc lập nhưng không bị trừng phạt vẫn ở mức cao”.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ tháng 7/2016 khi xảy ra vụ đảo chính không thành công, áp lực từ phía chính phủ đối với truyền thông tại đất nước này vẫn không hề giảm, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nổi tiếng vì đã bỏ tù rất nhiều phóng viên. Có khoảng 160 phóng viên đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ, chiếm ⅔ tổng số toàn thế giới.

IFJ cũng bày tỏ quan ngại đối với Ấn Độ, tại đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực nhắm vào các phóng viên.

Minh Tâm

Xem thêm: