Tại Hamburg, Đức hôm thứ Bảy (8/7), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc hội đàm quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp mặt lần 2 với người đồng cấp Trung Quốc, ông Trump đã gọi quốc gia Châu Á này là “một đối tác thương mại lớn”, đồng thời nhấn mạnh rằng mối đe dọa ngày càng dâng cao mang tên Bắc Triều Tiên cuối cùng sẽ phải được giải quyết bằng “cách này hay cách khác”.

Cuộc gặp nhận được rất nhiều sự chờ đợi này là một trong nhiều phiên hội đàm mà Tổng thống Trump thực hiện với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm thứ Bảy. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là cuộc gặp quan trọng nhất vì nó liên quan đến việc giải quyết điểm nóng Bắc Triều Tiên, cũng như vấn đề thương mại song phương Mỹ – Trung đang được dấy lên trở lại.

Tổng thống Trump nói với Chủ tịch Tập rằng việc chấm dứt thử nghiệm tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên “có thể mất nhiều thời gian hơn tôi muốn, nó có thể mất nhiều thời gian hơn các bạn muốn. Nhưng cuối cùng cũng sẽ có thành công bằng cách nay hay cách khác”.

Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng: “Một điều gì đó cần phải được thực hiện”.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã có phát biểu ngắn gọn, nhưng những bình luận bằng tiếng Trung Quốc của ông đã không được dịch trực tiếp và báo chí quốc tế chưa có thông tin cụ thể về phát ngôn của lãnh đạo Bắc Kinh.

Ngoài vấn đề nóng Bắc Triều Tiên, cuộc gặp Trump – Tập lần này cũng tập trung vào vấn đề thương mại song phương Mỹ – Trung.

Ông Trump nói rằng “nhiều điều đã xảy ra” khiến thương mại hai chiều Mỹ – Trung mất cân bằng, nhưng “chúng ta sẽ phải thay đổi điều đó”.

Tham gia cuộc họp này với Tổng thống Mỹ còn có hàng chục các quan chức cao cấp của Nhà Trắng, trong đó có Ngoại Trưởng Rex Tillerson và cố vấn cao cấp và cũng là con rể của ông Trump, Jared Kushner. Phái đoàn Trung Quốc cũng có nhiều quan chức cấp cao phụ tá cho ông Tập, bao gồm cả Ngoại Trưởng Vương Nghị.

Truyền thông quốc tế chưa có được các thông tin về phản hồi của Trung Quốc trong vấn đề thương mại, cũng như chi tiết các trao đổi của phái đoàn hai bên.

Cuộc gặp Trump – Tập lần này diễn ra trong bối cảnh vấn đề hạt nhân và tên lửa tại Bắc Hàn đang ngày càng leo thang căng thẳng khi hôm 3/7, Bình Nhưỡng đã lần đầu tiên thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà các chuyên gia nhận định có thể vươn tới tiểu bang Hawaii và Alaska của Hoa Kỳ.

Ngay sau khi Bắc Hàn phóng tên lửa thành công, Tổng thống Trump đã đăng tweet bày tỏ thất vọng về việc Trung Quốc đang mở rộng phát triển thương mại với Bình Nhưỡng.

Trong một tweet đăng hôm thứ Tư (5/7), ông Trump nói: “Thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã tăng khoảng 40% trong quý I này. Trung Quốc đã hợp tác với chúng ta nhiều như vậy đấy, nhưng chúng ta vẫn phải thử [làm việc với họ]!

Trung Quốc vốn từ lâu đã chống lại việc ngày càng tăng áp lực kinh tế lên Bắc Triều Tiên, một phần do họ lo ngại về sự bất ổn của chế độ Kim Jong-un có thể ảnh hưởng trực tiếp tới Bắc Kinh, trong đó có khả năng hàng triệu người Bắc Triều Tiên sẽ trốn chạy sang Trung Quốc. Bắc Kinh cũng lo ngại rằng một nước Triều Tiên dân chủ, được thống nhất bởi Hàn Quốc sẽ đưa lực lượng của đồng minh Hoa Kỳ, và có thể trực tiếp là quân đội Mỹ sẽ áp sát biên giới Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson hôm thứ Ba (4/7) đã tuyên bố “các biện pháp mạnh mẽ hơn” phải được thực hiện để trừng phạt Bắc Hàn. “Hành động toàn cầu là cần thiết để ngăn chặn một mối đe dọa toàn cầu“, ông Tillerson nói thêm.

Bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế trong việc thúc giục Trung Quốc mạnh tay hơn nữa với Bắc Triều Tiên. Nhưng thật khó để kỳ vọng vào đòn bẩy kinh tế của Bắc Kinh có thể chấm dứt được tham vọng hạt nhân của chế độ nhà Kim.

Các chuyên gia phân tích vấn đề Triều Tiên đặt nhiều nghi vấn về việc Trung Quốc có thể làm gì hơn nữa để gây sức ép lên Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh vẫn thường tăng áp lực lên Bắc Hàn trong quá khứ, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa hoặc có các hành động khiêu khích khác, nhưng các biện pháp như vậy không bao giờ gây ra tổn thất thực sự cho chế độ nhà Kim và thực tế cho thấy Bình Nhưỡng ngày càng có nhiều tiến triển trong việc phát triển hạt nhân và tên lửa.

Tân Bình

Xem thêm: