Pháo đã nổ, cung đã bắn, cả Mỹ và Trung Quốc dường như đã vận dụng hết tất cả “vũ khí thông thường” trong kho đạn dược của mình, thời gian tới là thời kỳ cực kỳ nguy hiểm nếu không bên nào chịu lùi bước trước bởi khi tiến vào địa hạt chiến tranh lạnh, những vũ khí sát thương hơn nhiều sẽ được sử dụng đến.

cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Tại G7 đang diễn ra ở Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói ông thấy tiếc vì đã không đánh thuế Trung Quốc cao hơn, sớm hơn. Có lẽ ông Trump cũng buộc phải nhận ra rằng thương chiến với Trung Quốc không dễ để chiến thắng như ông đã tuyên bố từ lâu.

Ngày 23/8, ngày thứ 414 của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Trung Quốc tuyên bố áp thuế lên thêm 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, một động thái đã vượt qua lằn ranh đỏ mà ông Trump vạch ra cho Bắc Kinh chỉ vài ngày trước đó. Ông Trump lập tức ra lệnh cho các công ty Mỹ phải tìm phương án rời khỏi Trung Quốc, tới nước khác hoặc trở về Mỹ. Chiều ngày hôm đó, ông loan báo tăng 5% tất cả mọi biểu thuế hiện tại lên Trung Quốc.

Hiện tại Trung Quốc đã đánh thuế lên 185 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, nhiều hơn cả tất cả số lượng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2018 (179,3 tỷ USD) của Mỹ. Mỹ cũng đang thu thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, còn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại được lên kế hoạch sẽ bắt đầu thu thuế vào ngày 1/9 và 15/12. Như vậy hàng hóa của hai bên đều đã bị đánh thuế triệt để, ngoài tiếp tục nâng thuế lên vài phần trăm nữa, Mỹ và Trung Quốc sẽ cần phải dùng đến “các vũ khí khác” trong lần đối địch tiếp theo.

Hơn một năm thương chiến, mỗi khi hai bên đánh đòn, đáp trả lẫn nhau thì thị trường chứng khoán đều chao đảo. Nền kinh tế Trung Quốc đã rơi xuống đáy phát triển trong vòng gần 30 năm qua, thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông đều suy giảm tệ hơn Mỹ, mặc dù chứng khoán Mỹ cũng bốc hơi cả ngàn điểm so với lúc đỉnh cao. Hàng ngàn công ty đang rục rịch rời khỏi Trung Quốc để tránh thuế khi bán hàng ở Mỹ – và họ buộc phải bán hàng ở Mỹ: thị trường chất lượng cao hơn với 300 triệu dân Mỹ với sức mua khổng lồ là nơi không một công ty nào có thể tìm được nơi thay thế. Những công ty còn ở lại Trung Quốc – những người hy vọng thương chiến sẽ sớm kết thúc và họ có thể trở lại hoạt động như bình thường – có lẽ bây giờ đã vỡ mộng và buộc phải tìm lối thoát.

Hậu quả là sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang đình đốn sẽ có thể tan hoang hơn nữa bởi họ không thể tìm đâu ra được nơi nào ngoài Mỹ để “tống” 550 tỷ USD hàng hóa hàng năm, ít nhất là trong ngắn hạn. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc thì lại dâng cao do ‘thiếu thịt lợn’ bởi hậu quả của dịch tả lợn châu Phi và vì Bắc Kinh đã ngừng nhập thịt lợn từ Mỹ. Oái ăm thay để đánh trả Mỹ, Trung Quốc tự bắn vào chân mình đến 2 lần.

Thiệt hại của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Mỹ đến nay là không đáng kể, ngoại trừ thị trường chứng khoán vốn rất nhạy cảm đối với các cú sốc kinh tế và chính sách, cũng như một loạt các tập đoàn truyền thông vốn coi việc hạ bệ Trump là mục tiêu quan trọng nhất. Trung Quốc chỉ có thể nhắm chủ yếu vào nông dân Mỹ, mà những người này, vốn thuộc phái bảo thủ ở Mỹ, lại càng tin tưởng ông Trump khi ông đánh Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Ông Trump cũng trích hàng chục tỷ USD để hỗ trợ nông dân trong thương chiến với Trung Quốc, trong khi xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc vào năm 2018 chỉ vỏn vẹn 9,3 tỷ USD. Trump từng nêu ý định dùng tiền thuế thu từ Trung Quốc, mua nông sản của nông dân rồi đem tới các nước nghèo dưới hình thức cứu trợ. Ngoài ra, ông cũng tích cực dùng uy tín cá nhân để đàm phán tìm các thị trường tiêu thụ mới cho nông sản Mỹ, chẳng hạn thỏa thuận với Thủ tướng Nhật Bản vừa diễn ra tại G7 ở Pháp.

Tóm lại không có Trung Quốc, Mỹ vẫn sống tốt, nhưng không có Mỹ thì Trung Quốc rất “khó sống”. Đó là lý do vì sao Trung Quốc phải phá giá đồng tiền và trong tương lai gần sẽ tiếp tục phải phá giá nhiều lần nữa để đảm bảo giá hàng hóa của họ ở Mỹ không quá cao khiến không bán được hàng. Trung Quốc còn vận dụng các cách thức thương mại không đẹp, như xuất sang nước thứ ba để dán nhãn rồi đi đường vòng sang Mỹ như đã được ghi nhận ở Việt Nam và Campuchia, nhưng Mỹ ngày càng tỉnh táo và những chiêu này sẽ sớm không qua được mắt hải quan Mỹ.

Trái với các chỉ dấu suy thoái ở Trung Quốc cũng như Châu Âu và nhiều nơi khác, nền kinh tế của Mỹ vẫn rất vững vàng. Ngoại trừ thị trường chứng khoán có dao động trong tạm thời, chỉ số bán lẻ, niềm tin tiêu dùng, niềm tin kinh doanh và thất nghiệp vẫn ở mức tốt nhất từ trước đến nay, một minh chứng cho thấy chính sách “pro-business” như cắt giảm thuế và giảm triệt để các quy định trói chân doanh nghiệp của ông Trump trong hơn 2 năm qua đã có tác dụng. Ngân hàng trung ương Mỹ (FED), trong thời gian ngắn tới sẽ cắt giảm lãi suất dưới sức ép của ông Trump, nền kinh tế Mỹ sẽ được bơm một động lực tiếp theo và thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sớm tái bình ổn.

Nhìn thì thấy Trung Quốc chịu thiệt hại toàn diện trong cuộc chiến thương mại này, nhưng Bắc Kinh nắm trong tay quân bài quan trọng khiến họ có thể tuyên bố “sẽ chiến đến cùng” với Trump.

Các bước đi tiếp theo

Trung Quốc đang áp dụng chính sách “nếm mật nằm gai” nhằm duy trì cuộc thương chiến càng lâu càng tốt để khiến ông Trump không thể tái cử trong năm 2020. Ngoài áp thêm vài phần trăm thuế quan, Trung Quốc thực sự không còn cách nào khác để làm đau nền kinh tế Mỹ. Trong tay Bắc Kinh nắm hàng nghìn tỷ trái phiếu Mỹ, nhưng nếu họ bán tháo trên thị trường quốc tế thì các nhà đầu tư, vốn đang lao đầu vào các tài sản an toàn trong bối cảnh lo sợ suy thoái kinh tế toàn cầu, sẽ vui lòng mua bằng hết. Lợi thế duy nhất mà Trung Quốc có đối với ông Trump là một thể chế độc tài toàn trị.

Khác với Mỹ, nơi bất cứ việc gì ông Trump nói và làm đều liên tục bị chửi bới, phản đối và kiện tụng; mọi nguồn lực của Trung Quốc đều thuộc về Đảng Cộng sản và tất cả vũ khí có thể được điều động bằng cái phất tay của ông Tập Cận Bình. Không cần thông qua quốc hội, ông Tập có thể hạ giá đồng tiền của Trung Quốc, thay đổi luật để làm khó các công ty Mỹ ở Trung Quốc hay tăng, giảm lãi suất ngân hàng trong nháy mắt. Trung Quốc cũng có thể “đi đêm” với Bắc Hàn giống như ta đã thấy những quả tên lửa lại xì xèo bắn từ bờ biển nước này ra biển sau khi Mỹ áp thuế Trung Quốc. Trung Quốc cũng có thể ra lệnh cho đội ngũ hacker mờ ám của mình tấn công cơ sở hạ tầng số của Mỹ, dùng tiền mua chuộc người Mỹ làm đặc vụ và lobby cho giới doanh nghiệp Mỹ cật lực phản đối cuộc chiến thương mại của ông Trump.

Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở vị thế độc tôn cũng không cần quan tâm tới những thiệt hại mà cuộc thương chiến gây ra cho thường dân bởi vì tại Trung Quốc không ai dám lên tiếng chỉ trích hay phê phán Đảng. Đó là lý do vì sao cho dù thất nghiệp có cao hơn, sản xuất có đình trệ và nền kinh tế có suy thoái, Bắc Kinh vẫn không chịu mở cửa trước những thay đổi mà Mỹ đòi hỏi, bởi làm thế có thể động chạm tới các gốc độc tài toàn trị vốn tạo nên thể chế của Trung Quốc. Trung Quốc bao năm vẫn vậy, và bao năm qua Mỹ vẫn bỏ qua. Kẻ thù của Trung Quốc không phải là Mỹ, mà chỉ là Trump, bởi một khi một nhân vật của Đảng Dân chủ lên thay ông, cuộc thương chiến sẽ kết thúc, Trung Quốc có thể hài lòng quay trở về quỹ đạo an toàn của gian lận thương mại, ăn cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp công nghiệp và gián điệp kinh tế.

Nhưng không phải ông Tập có thể kê cao gối đầu khi cứ để nền kinh tế của Trung Quốc chịu thiệt hại để chờ ông Trump thất cử. Vấn đề Hồng Kông ngày càng căng thẳng và là cơn đau đầu chưa có thuốc giải của Bắc Kinh. Đảng Cộng sản cũng có thể duy trì một Trung Quốc tương đối ổn định dựa trên việc ba hoa về các thành tích kinh tế phát triển thần kỳ và một nền kinh tế có thể tạo tương đối đủ việc làm cho người lao động. Tuy nhiên nếu thương chiến khiến cho người lao động Trung Quốc thất nghiệp tràn lan, khi cuộc sống khốn cùng, những bức xúc của người Trung Quốc bị đè nén từ lâu có thể bùng phát lên, và mồi lửa Hồng Kông rất có thể sẽ châm ngòi khiến toàn bộ Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Bàn tay sắt của ĐCSTQ đã có thể kiềm chế hàng trăm triệu dân Trung Quốc trong quá khứ bằng họng súng và khủng bố, nhưng nay khó có thể làm điều tương tự với 1,4 tỷ dân ngày càng có nhận thức tốt hơn trong bối cảnh truyền thông xã hội và công nghệ thông tin đã vô cùng phát triển.

Còn tại Mỹ, Tổng thống Trump chưa bao giờ tỏ ra băn khoăn về khả năng chiến thắng của ông trước Trung Quốc. Mỹ có trong tay mọi lợi thế và mọi quân bài. Đối với ông Trump, cuộc chiến thương mại đã bắt đầu từ trước ông rất lâu và Trung Quốc đã khôn ngoan hơn, lợi dụng Mỹ để lớn mạnh như hiện tại. Nếu ông không chặn Trung Quốc ngay bây giờ, tương lai Mỹ sẽ không còn cơ hội để kiểm soát Trung Quốc nữa. Ông đã thề sẽ không lùi bước và Mỹ sẽ có “đòn trả đũa tối hậu”.

Nhưng nếu ông Trump thực sự quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp để yêu cầu các công ty của Mỹ cắt đứt với Trung Quốc, hai nước sẽ tiến vào địa hạt của chiến tranh lạnh. Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng thừa mứa nhân công, khủng hoảng thừa và thất nghiệp tràn lan. Nhưng Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn do giá hàng hóa tăng, và các tập đoàn lớn cần thời gian để xây dựng và ổn định chuỗi cung ứng vật liệu, sản phẩm bên ngoài Trung Quốc. Đảng Dân chủ với truyền thông cánh tả ở Mỹ sẽ lợi dụng điều này để thổi bùng lên sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong người dân Mỹ và cáo buộc ông Trump là thủ phạm khiến cuộc sống của thường dân Mỹ chịu thiệt hại, từ đó thúc đẩy mục tiêu khiến ông Trump không thể tái cử nhiệm kỳ 2020.

Như vậy, rủi ro đối với Donald Trump và với cả Tập Cận Bình là đều hiện diện. Một bên là “nhà độc tài” bất chấp thiệt hại kinh tế đối với thường dân nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lung lay cả chế độ, một bên là ông Tổng thống “già gân” cứng rắn chưa bao giờ lùi bước để bảo vệ lợi ích của người Mỹ, nhưng lại có nguy cơ “thân bại danh liệt” trong cuộc bầu cử sắp tới, ai sẽ là người “lạnh tay” đổ gục trước, chúng ta hãy cùng chờ xem.

Trọng Đức

Xem thêm: