Bắc Kinh sẽ không chấp nhận cuộc điều tra giai đoạn hai do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, bao gồm việc xem xét lại giả thuyết virus rò rỉ phòng thí nghiệm. Trung Quốc cáo buộc cuộc điều tra là “kiêu ngạo” và “không tôn trọng lẽ thường”.

Embed from Getty Images

Zeng Yixin, Thứ trưởng Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết ông “rất ngạc nhiên” khi lần đầu tiên đọc về các ưu tiên trong nghiên cứu được đề xuất, trong đó có “giả thuyết rằng việc Trung Quốc vi phạm các quy trình trong phòng thí nghiệm khiến virus bị rò rỉ.”

Zeng cho biết không ai trong số các nhân viên hoặc sinh viên sau đại học tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị nhiễm virus corona chủng mới và phòng thí nghiệm đã không thực hiện bất kỳ nghiên cứu tăng chức năng nào. Nghiên cứu tăng chức năng virus là việc làm cho virus corona từ dơi dễ lây nhiễm sang người và dễ gây chết người hơn.  

“Vậy giả thuyết virus bị rò rỉ do vi phạm các giao thức phòng thí nghiệm đến từ đâu?” ông Zeng nói. “Nghiên cứu về truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2 này vừa thiếu tôn trọng lẽ thường vừa trái với khoa học ở một số khía cạnh. Không có chuyện chúng tôi chấp nhận một đề xuất nghiên cứu truy xuất nguồn gốc như vậy.”

Nhận xét của ông Zeng được đưa ra một tuần sau khi các quốc gia thành viên của WHO nhận được thông tư nêu chi tiết các bước được đề xuất tiếp theo để thúc đẩy giai đoạn hai của nỗ lực truy tìm nguồn gốc của virus Sars-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch COVID-19.

Các lĩnh vực cần nghiên cứu sâu hơn mà WHO đề xuất bao gồm việc xem xét lại về giả thuyết virus lây từ động vật sang người trong tự nhiên; đồng thời kiểm tra lại các phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu có liên quan đến những trường hợp nhiễm ban đầu được xác định vào tháng 12 năm 2019.

Kết luận ban đầu từ nghiên cứu truy tìm nguồn gốc giai đoạn 1 ở Trung Quốc đã gây ra tranh cãi và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước cho biết ông tin rằng còn “quá sớm” để loại bỏ giả thuyết rằng virus là kết quả của một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

“Như bạn biết đấy, bản thân tôi là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, một nhà miễn dịch học, và đã từng làm việc trong phòng thí nghiệm. Và tai nạn trong phòng thí nghiệm xảy ra. Đó là điều phổ biến,” ông nói.

Ông Tedros cũng kêu gọi Bắc Kinh hợp tác với giai đoạn hai của nghiên cứu và phải minh bạch hơn, nói thêm rằng các nhà khoa học vẫn thiếu đủ dữ liệu thô về các ca nhiễm thời gian đầu bùng phát. 

Bắc Kinh đã phản đối kịch liệt lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm và thúc giục cuộc điều tra theo hướng khác, đồng thời nói rằng phải mở rộng phạm vi điều tra nguồn gốc ra khắp thế giới.

Lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm đã được cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đưa ra vào tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, khi đó nó bị gắn “thuyết âm mưu” cho dù có nhiều bằng chứng đáng tin cậy chỉ ra vấn đề này.

Lý thuyết này đã trở lại vào tháng 5 năm nay khi Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ “tăng gấp đôi nỗ lực” điều tra nguồn gốc của đại dịch, bao gồm cả giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, và báo cáo lại cho ông trong vòng 90 ngày.

Ngân Hà 

Xem thêm: