Tổng thống Uganda hôm thứ Ba (24/1) đã tổ chức lễ bắt đầu vận hành giàn khoan đầu tiên trong 4 giàn khoan rất lớn ở quốc gia này do CNOOC của Trung Quốc điều hành, theo Breitbart đưa tin.

Hoạt động khai thác dầu của CNOOC (Tập đoàn Khai thác Dầu khí Ngoài khơi của Trung Quốc) tại Uganda hiện bị chỉ trích là lấn át cơ hội phát triển dầu khí quốc nội của Uganda, và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

230127 lakealbert
Hồ Lake Albert nằm trên đường biên giới Congo–Uganda, ở phía đông Châu Phi (nguồn: chụp màn hình Google Map)

Bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ Liên minh Châu Âu (EU), những nhà hoạt động về nhân quyền, và những nhà hoạt động về môi trường, cũng như một số chính khách đối lập của Uganda, Tổng thống Yoweri Museveni vẫn tiến hành hợp tác với Trung Quốc.

Trong lễ bắt đầu vận hành giàn khoan đầu tiên trong 4 giàn khoan rất lớn này, ông Museveni ca ngợi hợp tác với Trung Quốc, và nhân dịp này, ông cũng tán dương Pháp đã không đóng cửa một hợp tác về khai thác dầu khí ở một địa phương khác của Uganda.

“Pháp không làm khó dễ chúng tôi,” ông nói. “Còn đối với Quốc hội EU, chúng tôi nói các vị hãy cút đi. Nhưng Chính phủ Pháp không làm khó dễ gì cả.”

“Dầu khí không thành vấn đề,” ông tiếp tục. “Trước hết, chất CO2 kết quả của năng lượng hóa thạch không nhất định sẽ thành vấn đề nếu chúng được xử lý một cách thích đáng.”

Chính quyền ĐCSTQ cũng đồng quan điểm với tổng thống Uganda, khi họ lập luận rằng mối quan ngại về nhân quyền và môi trường chỉ là những “cái cớ” chính trị để ngăn chặn sự phát triển dầu khí ở Uganda khi hợp tác với ĐCSTQ.

Zhang Lizhong, Đại sứ Trung Quốc ở Uganda, phát biểu tại lễ bắt đầu vận hành rằng đây là “một mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành dầu khí Uganda” và là “dự án bước ngoặt trong hợp tác giữa Trung Quốc và Uganda,” vì đây là “dự án có đầu tư lớn nhất vào Uganda” tính cho đến hôm nay.

230127 uganda
Uganda và vị trí thành phố cảng Tanga của nước láng giềng Tanzania (nguồn: chụp màn hình Google Map)

CNOOC vận hành giàn khoan ở khu dầu khí Kingfisher gần đại hồ Lake Albert. Dự án này tiếp tục triển khai sẽ bao gồm đường dẫn dầu khí 900 dặm (1.500 km) nối đến thành phố cảng Tanga của nước láng giềng Tanzania.

Dự án này cũng gây nhiều tranh cãi vì đường ống chạy quá gần đại hồ Lake Victoria, dễ gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới hệ sinh thái động thực vật liên đới. Ngoài ra, cuộc sống của ít nhất 40 triệu cư dân đang phụ thuộc vào đại hồ nổi tiếng thế giới này.

Tuần trước, một liên minh các nhóm nhân quyền và môi trường của Dân chủ Cộng hòa Congo đã gửi một bức thư ngỏ tới giới chức Congo và Uganda yêu cần dừng hoạt động khai thác dầu khí quanh hồ Albert cùng hoạt động xây dựng đường ống dầu khí, với lý do các hoạt động này ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều dân chúng Congo cùng nguồn nước và việc đánh cá của họ.

Một vấn đề nữa là tình hình bất ổn rất cao về chính trị và bạo lực ở khu vực biên giới Congo–Uganda sẽ leo thang khi việc khai thác dầu khí được diễn ra gần đó, và khi các lực lượng của Uganda có thể sẽ đụng độ với người dân của Congo đang sinh sống ở khu vực này trong lúc dự án triển khai trên thực địa.

Có đến 7 khu bảo tồn tài nguyên rừng và 2 khu công viên cùng một số thắng cảnh sẽ bị ảnh hưởng khi xây dựng đường ống và khai thác dầu ở Công viên Quốc gia Thác nước Murchison. Murchison là một trong những thác nước mạnh nhất thế giới, và cũng là thắng cảnh của Châu Phi với hệ sinh thái động thực vật hoang dã trong đó có nhiều loài sắp sửa tuyệt chủng và nằm trong danh sách được bảo vệ.

Các đánh giá cho thấy khoảng 40% trữ lượng dầu khí của Uganda là nằm dưới những tài nguyên rừng và các công viên này, do đó công nghiệp dầu khí của Uganda một khi phát triển sẽ nhất định ảnh hưởng đến chúng.

Ít nhất 100.000 người dân sẽ buộc phải di cư nếu đường ống được xây dựng theo dự án.

Bobi Wine, lãnh đạo của phe đối lập trong Uganda từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự án hợp tác với ĐCSTQ này vào năm 2021. Trước hết ông cho rằng đây là hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của “nhà độc tài” Museveni, người nắm quyền suốt từ 1986 đến nay. Tiếp nữa việc khai thác dầu khí sẽ khiến ông Museveni trở nên “nguy hiểm” hơn nữa vì sẽ có thêm nhiều tiền trong tay.

“Chúng ta phải đấu tranh mạnh hơn nữa để Museveni không thò được bàn tay bạo lực vào dầu khí. Một khi ông ta nắm được dầu khí, thì chúng ta sẽ gặp phiền toái lớn,” ông Wine nói vào tháng 10.

“Chừng nào chúng ta chưa có một nhà lãnh đạo có trách nhiệm với nhân dân, chừng nào chưa có một bộ máy chính quyền minh bạch và đối thoại cởi mở với nhân dân, chừng nào bộ máy lãnh đạo vẫn chưa thể vì dân phục vụ, thì vấn đề dầu khí vẫn phải đợi,” ông lập luận.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Quốc hội EU đã kêu gọi Trung Quốc, Uganda, và Pháp hãy tạm ngừng xây dựng đường ống —đường ống này cũng nối với một dự án của Pháp ở Uganda— và đề nghị công ty TotalEnergies của Pháp hãy dành thêm 1 năm để “nghiên cứu một con đường khác để đặt đường ống sao cho có thể bảo vệ tốt hơn môi trường nhạy cảm ở khu vực.”

Lời kêu gọi này đã bị phớt lờ, và ông Museveni đã công khai nói rằng không thể làm như vậy vào lúc này, đặc biệt khi mà nhu cầu về dầu khí từ Châu Âu tăng vọt để bù vào chỗ thiếu hụt vì giảm lượng dầu khí nhập khẩu từ Nga do chiến tranh ở Ukraine.

Và công ty TotalEnergies kiên trì với lập luận rằng trong dự án của họ đã có các biện pháp đủ thích đáng để “xây dựng dự án này theo cách minh bạch, và phù hợp với xã hội cũng như môi trường”.

Ông Museveni đã phản đối mạnh mẽ Quốc hội EU, đồng thời cũng đe dọa sẽ trừng phạt TotalEnergies nếu công ty này thỏa hiệp với Quốc hội EU.

“Chúng tôi vẫn là nhớ rằng chính TotalEnergies đã thuyết phục tôi về ý tưởng đường ống này; [bây giờ] nếu họ lựa chọn nghe theo Quốc hội EU, thì chúng tôi sẽ tìm đối tác khác để làm việc,” ông Museveni từng đe dọa như vậy vào một cuộc họp thượng đỉnh về năng lượng hồi tháng 10.

“Một số nghị sỹ Quốc hội EU là không chịu nổi và quá sai lầm khi cho rằng họ hiểu biết tất cả, nhưng họ không biết nên bình tĩnh xuống. Đây không phải là địa bàn đấu tranh của họ. Tôi hy vọng rằng các đối tác của chúng tôi hãy đoàn kết chặt chẽ với chúng tôi và hãy khuyên giải họ. Về phần chúng tôi, chúng tôi tiếp tục tiến bước theo chương trình của mình,” ông tuyên bố.

Thiên Đức