Ngày 25/10, Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố rằng mối quan hệ giữa nước này và Vatican là rất thân thiện và tất cả các kênh liên lạc đều mở. Trước đó, một kênh truyền thông Ý đưa tin, Bắc Kinh đã gây sức ép buộc Vatican phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc.

shutterstock 243315439
Mái vòm Vương Cung Thánh Đường St. Peter ở thành phố Vatican, Rome vào ngày 22/9/2011. (Ảnh: Peter Probst/Shutterstock)

Tờ Corriere della Sera (tờ báo lớn nhất của Ý) mới đây tiết lộ thách thức ngoại giao mà Giáo hoàng Francis đang đối mặt từ Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan. Bài báo dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên của Vatican cho biết, Trung Quốc yêu cầu Vatican cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để đổi lấy việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Còn phía Vatican yêu cầu thành lập đại sứ quán tại Bắc Kinh trước khi thảo luận về quan hệ Vatican – Đài Loan, phía Trung Quốc không đồng ý.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai, phát ngôn viên Âu Giang An (Ou Jiang’an) cho biết Bộ Ngoại giao Đài Loan chưa đưa ra bình luận cụ thể về thông tin được tiết lộ bởi kênh truyền thông trích dẫn nguồn ẩn danh hoặc phỏng đoán.

Báo cáo cũng cho biết bà Âu Giang An nhấn mạnh đến tình hữu nghị bền chặt giữa Đài Loan – Vatican và sự cởi mở trong tất cả các kênh liên lạc giữa hai bên. Ví dụ, kể từ khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, Đài Loan đã tích cực hưởng ứng thông điệp “Praise Be to You”“Fratelli tutti” của Giáo hoàng Francis. Trong suốt thời gian đại dịch, Chính phủ Đài Loan, các tổ chức dân sự và Giáo hội Công giáo ở Đài Loan đã hỗ trợ Tòa thánh và các nhóm dễ bị tổn thương liên quan trong việc chống lại dịch bệnh, thể hiện tinh thần “Taiwan Can Help”, do đó đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ Tòa thánh.

Vatican cũng đã chọn Tổng thống Thái Văn Anh là một trong những người đầu tiên trong danh sách những người mà họ cảm ơn vì đã gửi lời chúc tốt đẹp đến Giáo hoàng Francis sau cuộc phẫu thuật của ông vào tháng 7, bà nói.

Giáo hoàng cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Tổng thống Thái Văn Anh vào Ngày “Song thập Quốc khánh” của nước này, bà nói thêm.

Bà Âu Giang An cho biết, Bộ Ngoại giao Đài Loan sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với Vatican và tăng cường mối quan hệ hai bên bền chặt.

Vatican công nhận quy chế ngoại giao của Đài Loan, quan hệ ngoại giao giữa hai bên vẫn luôn là một trong những trở ngại cho sự phát triển quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc. 

Ngày 22/9/2018, Tòa thánh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục với Bắc Kinh để hợp nhất Giáo hội Công giáo Trung Quốc vốn bị chia rẽ giữa một giáo hội được chính phủ chấp thuận và một giáo hội trung thành với Rome. Chính phủ và người dân Đài Loan lúc đó đã bày tỏ các phản ứng khác nhau, một số người lo ngại rằng quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và Vatican sẽ có sự thay đổi. Vào tháng Mười năm ngoái, sau các cuộc tham vấn giữa Trung Quốc và Vatican, họ đã quyết định gia hạn thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục vào năm 2018. Tuy nhiên, Tòa thánh Vatican nói rằng Đài Loan không cần phải lo lắng về hiệp nghị giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, vì đây là vấn đề tôn giáo, không phải vấn đề ngoại giao.

Hãng thông tấn Trung ương đưa tin, bà Âu Giang An tuyên bố Chính phủ Đài Loan đã nhiều lần tuyên bố rằng họ hy vọng hiệp nghị này và các hành động liên quan có thể giúp cải thiện vấn đề kiềm chế tự do tôn giáo ngày càng gia tăng nghiêm trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cho thấy các nhà thờ ngầm ở Trung Quốc đã phải chịu sự cưỡng bức và đàn áp nghiêm trọng hơn, nhiều phương pháp bức hại đã được tăng cường. Cộng đồng quốc tế đã liên tục bày tỏ sự quan ngại và lên án đối với tình trạng xấu đi của tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc.

Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu truyền thông Chinascope, áp lực đối với cái gọi là “tôn giáo bất hợp pháp” đang gia tăng vào năm 2021. “Tôn giáo bất hợp pháp” đề cập đến “nhà thờ tư gia Cơ đốc giáo, nhà thờ Công giáo ngầm hoặc một số tổ chức Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo và các tổ chức tôn giáo khác không tham gia vào các hoạt động tôn giáo của nhà nước.” Chỉ có 5 tôn giáo bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ và bị biến chất mới được phép thực hành các hoạt động tôn giáo biến thái ở Trung Quốc. Người dân không được phép tự do bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình.

Bà Âu Giang An cũng tuyên bố rằng Bộ Ngoại giao Đài Loan sẽ theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc áp bức tự do tôn giáo. Bà bày tỏ hy vọng rằng các tín đồ ở Trung Quốc sẽ thực sự được hưởng các giá trị phổ quát về tự do tôn giáo và bảo vệ nhân quyền cơ bản. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo để làm sâu sắc thêm tình hữu nghị lâu dài của Đài Loan và Vatican dựa trên quan điểm chia sẻ.

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: