Trung Quốc đang hỗ trợ tư nhân đầu tư vào các dự án cáp dưới nước ở khu vực Thái Bình Dương nhằm do thám các quốc gia khác và đánh cắp dữ liệu từ những nước này, theo các báo cáo.

Embed from Getty Images

Newsweek đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm thứ Sáu (18/12) tuyên bố rằng Trung Quốc đang có kế hoạch “độc chiếm” các mạng lưới liên lạc ở Thái Bình Dương để đánh cắp dữ liệu có giá trị từ các nước đối thủ.

Báo cáo được đưa ngay sau khi một cuộc điều tra của Reuters cho thấy quan chức chính phủ Mỹ đã cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương không nên trao hợp đồng cáp dưới nước cho các công ty có liên kết với nhà nước Trung Quốc.

Các hợp đồng này liên quan đến Dự án Kết nối Kiribati (KCP), được thiết kế vào năm 2017 để cải thiện thông tin liên lạc tới các đảo quốc Nauru, Liên bang Micronesia (FSM) và Kiribati.

Các nhà thầu bao gồm NEC của Nhật Bản, Nokia của Phần Lan, Alcatel Submarine Networks (ASN) có trụ sở tại Pháp và Huawei Marine, công ty gần đây đã được thoái vốn khỏi Huawei Technologies Co Ltd và hiện thuộc sở hữu đa số của một công ty Trung Quốc khác.

Theo báo cáo của Reuters, các quan chức Washington tuyên bố các công ty do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đang hạ gục những đối thủ cạnh tranh quốc tế để giành quyền tiếp cận các hợp đồng cáp trong khu vực nhằm mở rộng ảnh hưởng.

Là một phần của dự án, các tuyến cáp này sẽ kết nối với mạng có tên HNATRU-1, phục vụ Guam – một lãnh thổ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có vị trí chiến lược gần Trung Quốc, Triều Tiên và phần còn lại của Đông Á. Đây là trụ sở của Bộ Tư lệnh Lực lượng Viễn chinh Hải quân Thái Bình Dương của Hạm đội 7.

Dự án trị giá 72,6 triệu USD được hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Đáp lại lời cáo buộc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng Hoa Kỳ đang cố ý bôi nhọ các công ty Trung Quốc.

Các báo cáo được đưa ra vài tháng sau khi Google và Facebook rút lại kế hoạch kết nối Los Angeles và Hồng Kông bằng một tuyến cáp Internet băng thông rộng dài 8.000 dặm để tăng tốc độ và dung lượng internet.

Quyết định này được đưa ra sau khi một ủy ban của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hồi tháng Bảy chính thức khuyến nghị về lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nhất là phần cáp ở gần Hồng Kông.

Đây là lần đầu tiên một tuyến cáp như vậy bị từ chối vì lý do an ninh quốc gia và là dấu hiệu cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Toàn bộ quốc gia có thể bị ngắt mạng

Hiện có hơn 350 tuyến cáp dưới biển trên khắp thế giới, trải rộng trên với chiều dài hơn 1,2 triệu km (745.645 dặm) và mang tín hiệu viễn thông.

Hầu hết các đường dây này thuộc sở hữu của các công ty viễn thông tư nhân, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft. Vị trí của họ, vốn đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ, có thể dễ dàng xác định trên bản đồ công cộng.

Mặc dù chúng có tầm quan trọng rất lớn, nhưng hiện vẫn chưa có nhiều biện pháp để bảo vệ những tuyến cáp dưới biển sâu này.

Các chuyên gia an ninh mạng trước đó đã nói với Business Insider vào năm 2018 rằng chỉ còn “vấn đề thời gian” trước khi tin tặc có thể truy cập vào các đường cáp và đe dọa ngắt mạng của toàn bộ quốc gia.

Xuân Lan (theo Business Insider)

Xem thêm: