Một cuộc bỏ phiếu với kết quả nhất trí tại Quốc hội Anh trong tuần này cáo buộc Bắc Kinh phạm tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã khiến nhiều quan chức Trung Quốc “bốc hỏa”.

Embed from Getty Images

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh minh họa: Getty Images)

Về vấn đề này, hôm thứ Sáu (ngày 23/4), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lớn tiếng bác bỏ: “Lời cáo buộc về việc nạn diệt chủng diễn ra ở Tân Cương là một lời nói dối gớm ghiếc do các thế lực phản Trung Quốc ở nước ngoài bịa đặt ra. Vương quốc Anh đã có đủ vấn đề của riêng họ. Các nhà lập pháp Anh nên quản việc của mình và làm những điều thiết thực hơn cho các nước thành viên của họ.”

Chỉ vài tuần sau khi các cường quốc phương Tây công bố một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc, vốn bị cáo buộc liên quan đến tội bạo lực tình dục và các hành vi tàn bạo khác đối người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các nhà lập pháp Anh đã thông qua nghị quyết tuyên bố tội ác diệt chủng của chế độ cộng sản. Trung Quốc trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây, trong đó có năm nhà lập pháp Anh.

“Những biện pháp trừng phạt đó là một nỗ lực để bịt miệng và đe dọa chúng ta, ngăn chúng ta nêu ra bằng chứng ngày càng tăng về cuộc đàn áp mà người Duy Ngô Nhĩ phải đối mặt,” bà Nusrat Ghani, chính trị gia Đảng Bảo thủ dẫn đầu cuộc tranh luận hôm thứ Năm (22/4) tại Hạ viện. “Việc chúng ta có mặt ở đây hôm nay, tại cuộc tranh luận này cho thấy rằng, các lệnh trừng phạt đó đơn giản là không có tác dụng.”

Nghị quyết được thông qua sau khi Ghani và các đồng minh của bà cho rằng các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương vi phạm toàn bộ trong số năm tiêu chí về tội diệt chủng được nêu rõ trong luật pháp quốc tế. Nhiều dữ liệu về dân số của Trung Quốc cũng cho thấy, tỷ lệ sinh đang giảm mạnh ở Tân Cương, quê hương tổ tiên của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Còn theo một bác sĩ phụ khoa lưu vong người Duy Ngô Nhĩ. một số trung tâm giam giữ do nhà nước cộng sản Trung Quốc quản lý dành cho người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã tiến hành trung bình khoảng 80 ca phẫu thuật cưỡng bức triệt sản mỗi ngày trong những năm gần đây.

“Tôi không tin có bất cứ nơi nào khác trên trái đất mà phụ nữ bị xâm phạm ở quy mô này,” bà Ghani nhấn mạnh. “Mặc dù khu vực này chỉ chiếm 1,8% dân số Trung Quốc, nhưng 80% tổng số trường hợp đặt thiết bị ngừa thai ở Trung Quốc đã được thực hiện ở cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ. Điều đó giải thích tại sao có địa phương ở khu  vực này này tỷ lệ sinh giảm đến 84%. Đáng buồn hơn, Trung Quốc không còn chia sẻ dữ liệu theo sắc tộc nhằm nỗ lực xóa bỏ bằng chứng. Thời gian không còn nhiều cho người Duy Ngô Nhĩ, đặc biệt là phụ nữ.”

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson một lần nữa tránh nhắc tới diệt chủng, chỉ gọi đó là vi phạm nhân quyền “quy mô lớn” đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Các bộ trưởng cho hay bất kỳ quyết định về việc tuyên bố tội ác diệt chủng đều phụ thuộc vào tòa án.

“Tình hình mà người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương phải đối mặt thực sự khó khăn,” Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách châu Á Nigel Adams phát biểu trong cuộc tranh luận. “Nhưng việc chứng minh tội ác diệt chủng đòi hỏi bằng chứng rằng các hành vi liên quan đã được thực hiện với mục đích tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần, một quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc nhóm tôn giáo. Việc chứng minh các hành động có mục đích như vậy theo quy định pháp lý bắt buộc cực kỳ khó đạt được trong thực tế.”

Ông nói thêm: “Vì những lý do này, chúng tôi tin rằng chính phủ không nên đưa ra quyết định trong trường hợp này hoặc bất kỳ trường hợp nào khác có nghi vấn về hành vi diệt chủng hoặc tội ác chống lại loài người.”

Các quan chức Trung Quốc đã lặp lại nhận định của ông Adams khi lên án nghị quyết này.

Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết: “Không một quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân nào có đủ tư cách hoặc quyền tự ý xác định rằng một quốc gia khác đã thực hiện hành vi diệt chủng. Trong quan hệ quốc tế, không quốc gia nào nên sử dụng lời buộc tội này như một tin đồn thao túng độc hại trong một trò chơi chính trị.”

Bà Ghani đã bác bỏ lập luận đó, nhận xét rằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã mang lại cho Bắc Kinh quyền phủ quyết vô cùng hiệu quả đối với bất cứ điều gì họ không muốn.

Bà nói: “Mọi con đường tới tòa án đều bị chặn bởi Trung Quốc. Những người đàn ông và phụ nữ trong Hạ viện này, các bà mẹ của tất cả các nghị viên, sẽ làm tất cả những gì chúng tôi có thể để đảm bảo rằng những hành động tàn bạo như tội diệt chủng Holocaust sẽ không bao giờ có thể diễn ra nữa.”

Minh Ngọc (Theo Washingtonexaminer)

Xem thêm: