Trung Quốc được cho là đang tìm mọi cách để thu thập thông tin tình báo về Tổng thống Trump, phái đoàn của ông tại Singapore và các cuộc hội đàm Trump-Kim. Chế độ Bắc Kinh không chỉ lo lắng về việc mất đi nhà nước chư hầu Bắc Hàn, mà họ cũng đang muốn tìm hiểu nhiều nhất có thể về kỹ năng đàm phán của ông Donald Trump. Bắc Kinh hiểu rằng sau Bắc Hàn, sẽ tới lượt họ phải ngồi vào bàn nói chuyện với Tổng thống Mỹ.

Tap Kim Trump
Trung Quốc đang tìm mọi cách để gây ảnh hưởng tới các cuộc hội đàm Trump-Kim. (Ảnh minh họa qua Daily Star)

Trong năm qua, thế giới phần lớn dành sự tập trung vào Bắc Hàn. Điều này là dễ hiểu, vì cách đây chưa lâu, ‘Gã tên lửa tí hon’ đã đe dọa phóng tên lửa hạt nhân vào Washington.

Cho tới nay, các chế tài hà khắc, cùng nhiều lời đe dọa quân sự của ông Trump đã đưa được ông Kim Jong-un tới bàn đàm phán. Do đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang bắt đầu cảm thấy mặt đất rung chuyển dưới chân mình.

Chuyên gia Mỹ về Trung Quốc Steven W. Mosher – tác giả cuốn sách “Bắt nạt tại Châu Á: Tại sao Trung Hoa mộng là mối đe dọa mới tới trật tự thế giới” – cho rằng tại Singapore, ông Trump sẽ kết thúc chiến tranh Triều Tiên bằng cách thay thế thỏa thuận ngừng bắn năm 1953 bằng một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn.

Ông Mosher thậm chí dự đoán rằng ông Trump, trong hội nghị lần này và cần thêm các cuộc gặp tiếp theo, sẽ thuyết phục ông Kim xóa bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ các chế tài đang bóp nghẹt nền kinh tế Bắc Hàn, đồng thời được bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Tất cả những viễn cảnh khả quan đó, theo ông Mosher, đang khiến người Trung Quốc kinh hãi ở nhiều cấp độ.

Thứ nhất, một Bắc Hàn gần gũi với Mỹ và đồng minh sẽ làm yếu đi thế mạnh của Trung Quốc trong tương quan với Mỹ khi Bắc Kinh không còn khả năng sử dụng quân bài Bắc Hàn.

Trong quá khứ, mỗi lần quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong các sự vụ về Đài Loan hay biển Đông, biển Hoa Đông, Bắc Kinh lại đưa vấn đề Bắc Hàn ra. Trung Quốc thuyết phục Mỹ rằng họ có thể “kiềm chế” nhà nước Bắc Hàn khó bảo đang có vũ khí hạt nhân để Mỹ phải nhượng bộ các vấn đề khác.

Thứ hai, Bắc Kinh hưởng lợi khi giữ Bình Nhưỡng tiếp tục là quốc gia nghèo đói và phụ thuộc. Một nước Bắc Hàn làm vùng đệm giúp tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực nên Bắc Kinh muốn giữ bán đảo Triều Tiên tiếp tục yếu kém và chia rẽ, quan trọng hơn cả, nhờ đó giữ cho quân đội Mỹ tránh xa sông Áp Lục – biên giới giữa Bắc Hàn và Trung Quốc.

Vì không muốn những lo lắng của mình trở thành hiện thực, Trung Quốc đã nỗ lực để ngăn cản ông Kim Jong-un hội đàm với ông Donald Trump. Ông Tập Cận Bình đã bỏ qua mối quan hệ lạnh nhạt suốt 6 năm với ông Kim Jong-un, để mời lãnh đạo Bắc Hàn hội đàm cấp cao hai lần chỉ trong gần hai tháng.

Đặc biệt, sau cuộc gặp lần hai với ông Tập tại thành phố cảng Đại Liên vào tháng Năm vừa qua, ông Kim Jong-un đã lại đổi sang giọng điệu thù địch chống Mỹ.

Ông Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc khiến ông Kim “có thái độ khác”. “Tôi nghĩ tôi hiểu tại sao điều đó xảy ra. Tôi không thể nói rằng tôi hài lòng về điều đó”, ông Trump viết trên Twitter.

Tổng thống Mỹ thậm chí đã viết thư gửi ông Kim Jong-un thông báo về việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim đã lên kế hoạch, nhưng cũng đồng thời để ngỏ cơ hội cho ông Kim chủ động nối lại đàm phán nếu có thiện chí.

Cuối cùng, như chúng ta thấy, ông Kim Jong-un đã lựa chọn đàm phán với Mỹ và có thể đã từ chối những đề xuất từ Bắc Kinh.

Chúng ta không biết ông Tập đề xuất với ông Kim các thỏa thuận thương mại và đầu tư thế nào, nhưng chắc chắn đó sẽ là các giao dịch bất hợp pháp vì hiện tại Bắc Hàn vẫn đang chịu chế tài của Mỹ và Liên Hiệp Quốc.

Với ông Kim, Tổng thống Trump có thể đem tới cho Bắc Hàn một thỏa thuận tốt hơn. Nếu Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa, ông Trump có thể kết thúc chiến tranh Triều Tiên, dỡ bỏ các chế tài và giúp bảo vệ Bình Nhưỡng có sự độc lập, không bị phụ thuộc vào chế độ Bắc Kinh.

Ngoại giới đánh giá, Trung Quốc chắn chắn sẽ chưa bỏ cuộc trong việc gây ảnh hưởng tới hội đàm Trump-Kim.

Ngày 8/6, Kênh truyền hình NBC (Mỹ) đưa tin cho biết, gián điệp Trung Quốc sử dụng thủ đoạn đánh cắp thông tin tình báo không nơi nào là không len lỏi vào, từ chìa khóa khách sạn đến “ghim cài hữu nghị” tặng cho khách Mỹ, đều có thể trở thành công cụ gián điệp của chính quyền Trung Quốc.

Ông Dean Boyd, người phát ngôn của “Trung tâm quốc gia phản gián và an ninh Mỹ” (NCSC) thuộc quản lý của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) cho biết, gián điệp Trung Quốc cực kỳ hung hăng, và sử dụng nền tảng công nghệ phức tạp nhằm đạt được mục đích của mình.

Kênh NBC, dẫn thông tin từ 3 quan chức Mỹ giấu tên, tiết lộ rằng mới đây, thẻ khách sạn của một quan chức cấp cao của Mỹ công tác tại Trung Quốc nhiều lần gặp vấn đề, không thể mở được cửa, khiến ông phải nhiều lần đổi thẻ khác. Vị quan chức này đem một chiếc thẻ về Mỹ, quan chức an ninh Mỹ tìm được một chiếc micro trong chiếc thẻ này.

Ngoài thẻ khách sạn, thẻ tín dụng, móc chìa khóa, vòng đeo tay, thậm chí là giấy phép tham gia sự kiện, đều có thể trở thành thiết bị nghe lén của gián điệp Trung Quốc.

Ông Trump và ông Kim đã tới Singapore và họ sẽ bước vào hội nghị thượng đỉnh rất được chờ đợi vào ngày mai (12/6). Tương lai của Bắc Hàn phụ thuộc vào “cơ hội một lần” với ông Trump, nhưng chắc chắn cũng không thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc – bóng ma ám ảnh hội đàm Trump-Kim và cả triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Thanh Long

Xem thêm: