Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đầu tuần này đã lên tiếng cảnh báo Anh đừng can dự vào các vấn đề Hồng Kông, Biển Đông và Huawei.

Embed from Getty Images

Theo tờ Independent, Đại sứ Lưu Hiểu Minh đã cáo buộc các chính trị gia Anh thể hiện “tư duy thực dân” khi họ bày tỏ ủng hộ người biểu tình tại Hồng Kông và dấy lên các quan ngại về Huawei hay tự do hàng hải trên Biển Đông.

Ông Lưu cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ coi việc Anh và Mỹ điều động tàu chiến tới Biển Đông mà Bắc Kinh yêu sách hầu hết chủ quyền là “hành động thù địch” và sẽ phải nhận hậu quả nghiêm trọng. Quan chức Trung Quốc cũng kêu gọi London không nên bị cuốn vào việc thực hiện “những công việc bẩn thỉu” cho Washington.

Thông điệp cứng rắn nêu trên của Trung Quốc đến vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa kêu gọi sự hỗ trợ của các đồng minh, trong đó có Anh, trong việc đứng lên phản đối cái mà ông gọi là “những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phá vỡ trật tự quốc tế” và theo đuổi “sự thống trị”.

Thông điệp đó cũng đến khi Mỹ và Anh đang thảo luận kế hoạch triển khai chiến đấu cơ tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất lên hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của quân đội Hoàng gia Anh. Đây là bước đầu tiên trong một loạt các sáng kiến quân sự chung giữa Anh và Mỹ sắp được triển khai.

Đại sứ Lưu Hiểu Minh cũng đã chỉ trích ông Gavin Williamson, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh vì ông này từng muốn điều động hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth tới Châu Á Thái Bình Dương để thể hiện “sức mạnh cứng” nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này.

Ông Lưu nói rằng những ngôn từ và hành động của ông Williamson đã cản trở mối quan hệ Trung – Anh vào thời điểm mà chính phủ Anh đang cố gắng thúc đẩy liên kết thương mại với Trung Quốc.

Vị Đại sứ Trung Quốc tại London nói thêm rằng: “Biển Đông là đại dương rộng lớn với 3 triệu km2. Chúng tôi không phản đối mọi người đi thuyền qua đây, nhưng không được vào lãnh hải Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý. Nếu các bạn không làm điều đó, thì sẽ không có vấn đề gì. Biển Đông đủ rộng cho hoạt động tự do hàng hải.

Đồng điệu với Đại sứ Lưu, trong cuộc họp báo nhanh tại London hôm 9/9, Tùy viên Quân sự Trung Quốc tại Anh, Thiếu tướng Gen Su Guanghui nói rằng hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth hay bất kỳ tàu chiến nào khác của Hải quân Hoàng gia Anh có thể phải đối mặt với phản ứng vũ trang nếu chúng đi vào vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Không nêu thẳng tên ông Williamson, nhưng Đại sứ Lưu Hiểu Minh ám chỉ rằng: “Một chính trị gia Anh đã coi Trung Quốc là mối đe dọa. Ông ta đã liệt 4 mối đe dọa an ninh gồm: Nga, Iran, Bắc Hàn và Trung Quốc. Bạn có thể thật khó hình dung một quan chức cấp cao của một chính phủ tán thành ‘kỷ nguyên vàng’ Trung – Anh lại coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh. Tôi không nghĩ ông ta đóng một vai trò tích cực.

Theo The Guardian, phản ứng với các tuyên bố của quan chức Trung Quốc, một phát ngôn viên chính phủ Anh đã nói rằng Anh cam kết khẳng định quyền tự do hàng hải. “Vương Quốc Anh có lợi ích lâu dài trong khu vực này và sẽ cam kết duy trì an ninh khu vực. Sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế trên Biển Đông là bình thường và Hải quân Hoàng gia Anh cũng không ngoại lệ.

Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh rất muốn tránh mối quan hệ thù địch với London và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Nhưng ông Lưu than phiền rằng một số chính trị gia tại Anh vẫn đang dùng “tư duy thực dân” để khuyến khích các cuộc biểu tình hiện nay ở Hồng Kông.

Ông Lưu tuyên bố rằng Trung Quốc có thể phải can thiệp nếu bạo lực tiếp diễn và chính quyền Hồng Kông nhận thấy họ không thể kiểm soát được sự bất ổn này.

Phát biểu với Hiệp hội Phóng viên Quân đội Trung Quốc thường trú tại London, ông Lưu cho hay: “Nếu những kẻ bạo động đó trở nên không thể kiểm soát đối với chính quyền Đặc khu Hồng Kông, thì Trung Quốc không thể ngồi khoanh tay và quan sát. Hồng Kông là một phần của Trung Quốc. Chúng tôi không thể chứng kiến hành vi bạo lực này tiếp diễn mãi.”

Ông Lưu cho rằng những bình luận chỉ trích không là vấn đề gì cả, “miễn là quý vị đừng can thiệp vào các công việc của Hồng Kông. Nhưng một số chính trị gia Anh vẫn có tư duy thực dân. Họ đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm để thể hiện sự ủng hộ người biểu tình và những kẻ bạo động và đó là vấn đề”.

Quan chức Trung Quốc cũng phản đối việc một số nghị sĩ Anh kêu gọi chính phủ Anh, cũng như các nước thuộc Khối thịnh vượng chung thực thi “chính sách bảo hiểm” cho người dân Hồng Kông, trong đó có việc cấp quyền công dân thứ hai và đảm bảo nơi ở khác cho người Hồng Kông.

=> Hơn 150 nghị sĩ Anh kêu gọi ‘chính sách bảo hiểm’ cho dân Hồng Kông

Ngoài vấn đề Hồng Kông và Biển Đông, Đại sứ Lưu Hiểu Minh cũng tuyên bố rằng chính phủ Anh không nên chấp nhận áp lực từ chính quyền Donald Trump để cấm Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Huawei tham gia xây dựng mạng 5G tại Anh, nếu không mối quan hệ thương mại Trung – Anh thời kỳ hậu Brexit sẽ chịu tổn thất.

Theo một số nhà phân tích, nếu Vương Quốc Anh đóng cửa với Huawei [vì 5G], quý vị sẽ tụt hậu 1,5 năm so với các nước khác. Điều đó sẽ gửi một thông điệp xấu cho giới kinh doanh Trung Quốc. Vương Quốc Anh đang được xem là nơi mở cửa và thân thiện với kinh doanh. Nhưng [việc cấm Huawei] sẽ làm xấu hình ảnh của Anh Quốc và gây tổn hại cho các quan hệ kinh tế. Điều đó sẽ được xem như là quý vị không mở cửa cho kinh doanh,” ông Lưu cảnh báo.

Xuân Thành

Xem thêm: