Bắc Kinh đã cảnh báo chính phủ liên minh mới của Đức không can thiệp vào các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương, đồng thời thúc giục nước này tuân thủ các chính sách thân thiện trước đây sau khi Đức đưa ra chương trình nghị sự cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Olaf Scholz hôm thứ Tư (24/11) đã công bố thỏa thuận thành lập chính phủ với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Ông Scholz sẽ là người kế nhiệm bà Angela Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức.

Chính phủ mới dự kiến ​​sẽ tuyên thệ vào tháng tới với các vị trí nội các chủ chốt đa số là những người có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Một thỏa thuận liên minh dài 177 trang bao gồm hơn một chục đề cập đến Trung Quốc, và lần đầu tiên nó đề cập đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, xói mòn nhân quyền ở Hồng Kông và vấn đề Đài Loan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Tư cho biết Trung Quốc coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Đức, lưu ý đến kỷ niệm 50 năm quan hệ chính thức vào năm tới.

Ông nói: “Tôi hy vọng rằng chính phủ mới của Đức sẽ tiếp tục chính sách thực dụng của mình với Trung Quốc và đáp ứng được mong mỏi của Trung Quốc.”

Ông Triệu nói thêm rằng Tân Cương và Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc. Đối với vấn đề Đài Loan, ông nói: “Tất cả các chính phủ Đức trước đây đều ủng hộ chính sách ‘một Trung Quốc’ và tôi hy vọng rằng chính phủ mới của Đức sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách này”.

Thỏa thuận liên minh cho biết Đức muốn tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc “trên cơ sở nhân quyền” nếu có thể.

Mô tả Bắc Kinh là một “đối thủ có hệ thống”, Đức kêu gọi “một chiến lược Trung Quốc toàn diện ở Đức trong khuôn khổ chính sách chung EU-Trung Quốc”.

Thỏa thuận cũng kêu gọi Trung Quốc “đóng một vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định ở khu vực lân cận”, đồng thời cho biết Đức “cam kết đảm bảo rằng các tranh chấp lãnh thổ ở các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông được giải quyết trên cơ sở luật biển quốc tế”.

“Là một phần của chính sách ‘một Trung Quốc’ của EU, chúng tôi ủng hộ sự tham gia thực tế của Đài Loan dân chủ vào các tổ chức quốc tế”, văn bản có đoạn viết. “Chúng tôi cũng đề cập rõ ràng đến các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương. Nguyên tắc ‘một quốc gia, hai hệ thống’ ở Hồng Kông cần được khôi phục”.

Tài liệu này được cho là có ngôn ngữ mạnh mẽ nhất từng xuất hiện trong một thỏa thuận liên minh của Đức, phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về hướng đi của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình.

Cui Hongjian, giám đốc nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Ngoại giao, cho biết căng thẳng song phương có khả năng sẽ gia tăng sau khi chính phủ mới của Đức nhậm chức.

Ông nói: “Hiệp ước liên minh mang tính quyết liệt hơn đối với Trung Quốc so với chính sách hiện có của Đức và đặc biệt chỉ thẳng vào một số vấn đề điểm nóng”. “Trong ngắn hạn, sự khác biệt và rạn nứt giữa Trung Quốc và Đức sẽ ngày càng gia tăng”.

Ngân Hà

Xem thêm: