Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc tìm cách đổ lỗi cho Mỹ về việc xây dựng đồng minh ở châu Á, nói rằng nó mở ra những nguy cơ của xung đột hiện hữu.

Embed from Getty Images

Quyết định của ban lãnh đạo Trung Quốc đứng về phía Nga được đưa ra từ trước khi Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2. Các quan chức tại Bắc Kinh đồng cảm với nỗi bất bình của Moscow về phương Tây khi Trung Quốc nhận thấy một nỗ lực ngăn chặn tương tự do Mỹ dẫn đầu đang diễn ra xung quanh.

Từ quan điểm của Trung Quốc, một cuộc tranh chấp biên giới đất liền với Ấn Độ cũng như các cuộc tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ với nửa tá láng giềng – trong số họ có các đồng minh hiệp ước của Mỹ – đang trong tầm kiểm soát. Bắc Kinh rất muốn giữ nguyên tình trạng như vậy.

Trong một cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tháng 9/2021, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói đất nước ông “đã không và sẽ không bao giờ là đối thủ cạnh tranh của NATO.” Ông nói khối quân sự “nên tôn trọng định vị địa lý căn bản, một kiểu nói tránh để yêu cầu NATO tránh xa châu Á. 

Hồi cuối tuần trước, Le Yucheng (Lạc Ngọc Thành) – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dùng cuộc chiến tranh ở Ukraine như một câu chuyện cảnh giác về điều Trung Quốc gọi là “tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Đối với Bắc Kinh, cuộc xâm lược của Nga đã trở thành phương cách hoàn hảo để cho Washington thấy rằng các căng thẳng địa chính trị có thể dẫn tới một cuộc chiến nóng bỏng.

Tại một diễn đàn do Đại học Thanh Hoa của Bắc Kinh tổ chức hôm thứ Bảy, Le nói “điều vô cùng đau buồn là ‘ngọn lửa chiến tranh’ đã nhóm lên tại lục địa châu Âu. Quan trọng hơn, [nó] phải nhắc nhở chúng ta suy nghĩ một cách sâu xa. Nguyên nhân cội rễ nằm ở tâm lý Chiến tranh Lạnh và nền chính trị sức mạnh.”

Vị quan chức cho rằng “Cuộc khủng hoảng Ukraine đem tới cho chúng ta một tấm gương để xem xét tình tình ở châu Á – Thái Bình Dương. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi, chúng ta có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như thế này  xảy ra tại châu Á – Thái Bình Dương như thế nào. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một lời cảnh báo nghiêm khắc.”

Le tiếp tục lên án sự dính líu của Mỹ ở châu Á với việc thắt chặt liên minh quốc phòng chủ chốt với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác. Ông cũng cảnh báo đề phòng những liên minh “tiểu đa phương” như nhóm an ninh Bộ Tứ giữa Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản và hiệp ước AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc. 

“Chống lại xu hướng để theo đuổi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, gây rắc rối, tập hợp bè phái hoặc các nhóm khép kín hoặc riêng biệt, và đẩy khu vực đi chệch phương hướng dẫn tới phân mảnh và chia rẽ cũng nguy hiểm như chiến lược mở rộng về phía đông của NATO ở châu Âu,” ông Le tiếp tục.

“Nếu cho phép tiếp tục không bị kiểm soát, nó sẽ dẫn đến những hậu quả không tưởng tượng được, và cuối cùng đẩy châu Á – Thái Bình Dương đến bờ vực của địa ngục,” ông Le nói. Nhận xét của ông cũng nhằm vào các nước láng giềng của Trung Quốc, rằng nên theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập không dựa vào Washington, mà nên dựa vào Bắc Kinh.

Một ngày sau sự kiện của ông Le, nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, lặp lại nhiều quan điểm của ông trong một bài xã luận nhan đề: “Kéo bè cánh để phá vỡ hoà bình và an ninh khu vực – xem xét vai trò đê tiện của Mỹ trên trường quốc tế từ viễn cảnh của cuộc khủng hoảng Ukraine.”

Giống như Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, bài báo của một tác giả ký bút danh đổ lỗi cuộc chiến ở Ukraine cho sự mở rộng của NATO tới “ngưỡng cửa của nước Nga.” Bài báo cho rằng Mỹ phạm tội tại châu Á khi củng cố liên minh tình báo Ngũ Nhãn, thúc đẩy Bộ Tứ, hình thành AUKUS, và hồi sinh các hiệp ước quốc phòng song phương trong cái được gọi là tổ chức “5, 4, 3, 2 của Mỹ.”

“Mục tiêu thực sự của chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương là tạo ra một phiên bản NATO Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm duy trì hệ thống thống trị cho Mỹ lãnh đạo,” bài báo tuyên bố.

Tác giả kết luận, “Ở đây, tôi muốn khuyên Mỹ không bám vào tâm lý Chiến tranh Lạnh và các định kiến ý thức hệ. Người nào nhìn lại bản thân sớm nhất có thể sẽ là một động thái khôn ngoan, hoặc nếu không sẽ chịu thất bại nhục nhã.”

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, những người theo dõi Trung Quốc nhận thấy nước này ngày càng sẵn sàng chấp nhận rủi ro địa chính trị như: xung đột với Ấn Độ tại Himalaya, quân sự hoá nhiều đảo ở biển Đông và thách thức trật tự khu vực hậu thế chiến được gìn giữ bởi hơn bảy thập kỷ can dự của Mỹ. 

Không phải tất các các chính phủ ở châu Á đều nhìn Washington theo cùng lăng kính như Trung Quốc. Có những nước, như Singapore, coi Mỹ là sự hiện diện giữ ổn định tối đa trong khu vực.

Ngân Hà (theo Newsweek)