Trước thềm cuộc họp cấp cao giữa Tokyo và Washington hôm 16/4 tới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Nhật Bản đừng “theo chân Mỹ” trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trước các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, theo SCMP đưa tin hôm 6/4.

Embed from Getty Images

Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản, Toshimitsu Motegi, đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút vào thứ Hai (5/4). Đây là cuộc trao đổi được thực hiện theo yêu cầu của Bắc Kinh, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Hôm 16/4 tới đây, ông Joe Biden sẽ tiếp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi ông Biden nhậm chức, đồng thời cũng thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong một động thái hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố gồm hai phần về cuộc điện đàm giữa ông Vương Nghị và ông Motegi. Một trong hai tuyên bố chỉ trích những nỗ lực gần đây của Mỹ trong việc phối hợp với các đồng minh để chống lại Trung Quốc, cảnh báo Tokyo tránh “theo sau Mỹ” trong việc trừng phạt Trung Quốc trước các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông.

“Nếu dưới chiêu bài chủ nghĩa đa phương, các quốc gia …tùy tiện áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với các quốc gia khác dựa trên thông tin sai lệch, tình hình thế giới sẽ chỉ thêm thoái trào với bộ luật rừng về thế nào là đúng sai,” Vương Nghị nói.

“Ý chí của một siêu cường nào đó không đại diện cho cộng đồng quốc tế; số ít các quốc gia đi theo quốc gia này không có quyền độc chiếm các quy tắc của chủ nghĩa đa phương,” Vương Nghị nhấn mạnh.

Trong một tuyên bố khác được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra cùng ngày, ông Vương tiếp tục châm chọc Mỹ, kêu gọi Nhật Bản không bị các nước có thành kiến ​​với Trung Quốc “cuốn theo”.

Ông nói: “Mỹ và Nhật Bản là đồng minh, nhưng tương tự, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị nên Nhật Bản có trách nhiệm duy trì hiệp ước này.”

Cảnh báo của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang ngày càng đóng vai trò quyết định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi đã trở thành điểm nóng trong mối quan hệ Mỹ – Trung do một loạt căng thẳng lãnh thổ giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines.

Ông Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản được cho là sẽ có các cuộc thảo luận với Đức trong khi ông Suga đến Washington, một động thái mà giới quan sát cho rằng Tokyo đang cố gắng kêu gọi các quốc gia hùng mạnh hơn công nhận chủ quyền của Nhật Bản ở quần đảo Điếu Ngư, mà phía Nhật gọi là Senkaku. 

Một cuộc họp giữa Mỹ và Nhật Bản vào tháng trước đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó Mỹ nêu rõ cam kết bảo vệ quần đảo Điếu Ngư, cũng như đề cập đến vấn đề an ninh ở eo biển Đài Loan.

Theo dự kiến, cuộc gặp ngày 16/4 giữa các ông Suga và Biden ​​cũng sẽ đề cập đến chủ đề Đài Loan.

Căng thẳng giữa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản ở Biển Hoa Đông đã leo thang trong những tháng gần đây sau khi Tokyo liên tục bày tỏ quan ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc.

Luật này cho phép lực lượng bán quân sự Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà Bắc Kinh coi là xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của mình.

Trong cuộc gọi với Vương Nghị, ông Motegi bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” về luật này, kêu gọi Bắc Kinh ngừng xâm nhập vào quần đảo Điếu Ngư và thúc giục Trung Quốc giải quyết các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Tuyên bố gồm hai phần của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến Luật Hải cảnh, chỉ lưu ý rằng ông Vương Nghị đã giải thích quan điểm của Trung Quốc về “các vấn đề như quần đảo Điếu Ngư và Biển Đông”.

Ông Vương cũng phản đối việc Nhật Bản chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông.

Ông Vương nói: “Là một nước láng giềng, Nhật Bản ít nhất cần thể hiện thái độ tôn trọng đối với các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Lê Vy

Xem thêm: