Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Tư (3/1) đã chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ liên quan tới thương mại song phương Trung – Mỹ và đe dọa sẽ trả đũa trước lập trường cứng rắn hơn của ông Trump trong vài tuần gần đây.

Embed from Getty Images

Năm 2018 được dự báo sẽ là năm sóng gió trong quan hệ thương mại Trung – Mỹ.

Trong một bài bình luận bằng tiếng Anh đăng tải hôm thứ Tư (3/1), Tân Hoa Xã cho biết: “Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với một cuộc hành trình gập ghềnh về thương mại trong năm 2018 nếu chính phủ Mỹ đi theo con đường riêng của mình và Trung Quốc có thể sẵn sàng thực hiện các biện pháp trả đũa”.

Bài báo của Tân Hoa Xã không nêu rõ các biện pháp mà Trung Quốc sẽ trả đũa là gì, nhưng cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh nói rằng việc ông Trump ban hành các quyết định điều tra Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường và gắn nhãn Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” đã bào mòn thiện chí hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

>>Mỹ từ chối yêu cầu công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường

Bài báo của Tân Hoa Xã chỉ ra rằng “tính thiện chí” trong các hợp đồng thương mại trị giá 250 tỷ USD giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được thực hiện trong chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trump hồi tháng 11/2017 đang bị “mắc kẹt trong thái độ được ăn cả” của Tổng thống Mỹ.

Cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc chưa bao giờ do dự để làm rõ rằng nước này không mưu cầu thống trị toàn cầu, phủ nhận thái độ được ăn cả [trong mối quan hệ thương mại] giữa các quốc gia, đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc…[nhưng] lập trường của Trung Quốc không được phía Mỹ đón nhận”.

Với việc thiếu niềm tin chiến lược sâu sắc vào Trung Quốc, các chính trị gia Hoa Kỳ đã không theo kịp sự hiểu biết về sự hợp tác của Trung Quốc và đã áp dụng cách tiếp cận ngày càng mang tính bảo hộ và biệt lập”.

Thực tế, căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là vấn đề không mới. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã bùng nổ từ thời điểm ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc đánh cắp việc làm của người Mỹ và đe dọa sẽ áp đặt mức thuế cao tới 45% với các hàng hóa nhập vào Mỹ từ Trung Quốc.

Sau đó ông Trump đã tạm gác lại vấn đề thương mại với Bắc Kinh để quay sang hợp tác với chế độ này nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn – mối đe dọa an ninh được xếp vào ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump. Cùng với đó, Trung Quốc cũng áp dụng chiến thuật hứa hẹn mua nhiều hàng hóa hơn của Mỹ. Những động thái này của hai bên đã giúp ngăn chặn cuộc chiến tranh thương mại năm 2017, nhưng sự mất cân bằng trong cán cân thương mại Trung – Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng.

Các số liệu thống kê từ chính quyền Bắc Kinh cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong 11 tháng của năm 2017 đã cao hơn toàn bộ năm 2016.

Căng thẳng giữa hai quốc gia những tuần gần đây đang có xu hướng gia tăng. Vào cuối tháng 11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đang bắt đầu triển khai các cuộc điều tra chống trợ cấp và chống phá giá đối với các mặt hàng hợp kim nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, mặc dù ngành sản xuất này tại Mỹ chưa chính thức khởi kiện các công ty Trung Quốc.

Trong cuối tháng 12, phía Mỹ cũng cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp nước này tuồn dầu lậu sang Bắc Hàn vi phạm các nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hiệp Quốc.

Hôm thứ Ba (2/1), Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ đã phủ quyết việc công ty Ant Financial của Trung Quốc mua lại Công ty chuyển tiền MoneyGram International với lý do quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia.

Tân Hoa Xã nhận định phía Hoa Kỳ đã và đang cảm thấy “không thoải mái” khi phải đối mặt với một nước Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ hơn.  Nhưng tờ báo này khuyến nghị rằng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nên hợp tác với nhau thay vì đối đầu.

Cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh kết luận: “Cái giá mà Trung Quốc và Hoa Kỳ phải trả là quá cao nếu sự nghi kỵ tăng lên và mâu thuẫn leo thang. Đối với cả hai nước, việc hợp tác là lựa chọn duy nhất đúng”.

Xuân Thành

Xem thêm: